Phương pháp điều trị sẹo lồi hiệu quả
Dù bạn không bị thương nhưng một ngày đẹp trời bỗng xuất hiện vài vết sẹo lồi trên da rất mất thẩm mỹ. Làm sao đây?
Sẹo lồi là sự tăng sinh collagen da lành tính, thường là do đáp ứng quá thừa của mô với tổn thương da trong quá trình hồi phục vết thương.
Tuy nhiên, có thể có sẹo lồi tiên phát ở những vị trí không có tiền sử chấn thương. Sẹo lồi thường ngứa kèm theo đau hoặc đôi khi chỉ đau, thường không tự giảm mà lại có khuynh hướng phát triển trở lại sau khi bị cắt bỏ.
Sự hình thành sẹo lồi
Sẹo lồi khởi phát trong vài tháng đầu sau khi bị thương, là một khối đỏ hồng, bề mặt căng bóng, cứng hơn vùng da bình thường, có giới hạn rõ. Sau đó, trong vòng năm đầu sau tổn thương, khối này sẽ phát triển lan rộng và ra xa khỏi vị trí của vết thương ban đầu, có hình dạng không đều, sậm màu và tổn lồi thường có phần bề mặt rộng hơn so với phần gốc.
Bản chất sẹo lồi là do sự tăng sinh quá mức, kể cả về số lượng lẫn trật tự của các mô sợi trong lớp bì. Sẹo lồi thường không gây cảm giác khó chịu gì ngoại trừ vấn đề thẩm mỹ. Tuy nhiên, một số sẹo lồi có thể gây ngứa, hơi đau hoặc căng cứng.
Ai sẽ bị sẹo lồi?
Sẹo lồi mang tính chất di truyền. Nguy cơ sẹo lồi sẽ cao hơn nếu bạn có cơ địa sẹo lồi, nghĩa là đã có sẹo lồi trước đó.
Người da màu có nguy cơ sẹo lồi nhiều hơn người da trắng. Tuổi 10-30 nguy cơ sẹo lồi cao, tuổi càng cao nguy cơ càng giảm.
Vùng da nào thường bị sẹo lồi?
Sẹo lồi thường ở vùng: cổ, dái tai, vai, tay, chân, nửa thân trên, đặc biệt là ở ngực. Thông thường sẹo lồi xuất hiện sau: vết thương phẫu thuật, vết thương do chấn thương, bỏng, mụn, vết trầy xước… Sẹo lồi có thể tự phát ở vùng giữa ngực mà không cần vết thương nào.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet
Các phương pháp điều trị sẹo lồi
Sẹo lồi có nhiều phương pháp điều trị với hiệu quả khác nhau. Sự kết hợp các phương pháp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Trị liệu có thể giúp cho sẹo lồi trở nên nhỏ hơn, mềm và phẳng dần chứ không thể làm mất đi sẹo vĩnh viễn.
1. Tiêm corticoid
Là phương pháp mang lại hiệu quả cao, thường được các bác sĩ lâm sàng sử dụng nhiều nhất để điều trị sẹo lồi. Kích thước, độ dày và độ cứng của vết sẹo sẽ cải thiện nhanh chóng sau khi tiêm.
Tiêm lặp lại một vài lần cách nhau mỗi tháng tùy vào diễn tiến của sẹo. Cần kết hợp với các phương pháp khác như nitơ lỏng hoặc dán silicon gel để tăng thêm hiệu quả.
2. Laser
Điều trị bằng laser mang lại hiệu quả cao cho những sẹo mới, đang tăng sinh mạch máu và cũng phòng ngừa không cho sẹo to thêm.
Tia laser phá hủy mạch máu nuôi dưỡng sẹo, gây thiếu máu cục bộ vùng sẹo, làm mềm, ngưng phát triển và giảm dần kích thước và độ dày của sẹo.
3. Silicon gel
Thu*c dán Silicon gel là một miếng Thu*c dán mềm, dạng gel dùng để điều trị sẹo lồi. Sẹo lồi càng mới, bệnh nhân càng trẻ, sự đáp ứng càng tốt. Phương pháp này không gây đau, cần phải điều trị trong 6-12 tháng để đạt kết quả tốt nhất. Để dự phòng sự chảy nhão và nhiễm trùng thứ phát chỗ da được dán, chỉ nên đắp 20-22 giờ một ngày rồi tháo ra, lau sạch vết sẹo mỗi ngày và đảm bảo thông khí tốt.
4. Phẫu thuật
Một trong những cách dễ nhất để khử bỏ sẹo lồi là cắt bỏ rồi tiêm corticoid. Hầu hết những sẹo lồi đã cắt đều cần phải điều trị phụ trợ thêm như: corticoid tiêm trong vết thương, băng ép, silicon gel, interferon.... Vết khâu phải để yên trong 10-14 ngày vì hỗn hợp lidocaine/Steroid để gây tê có thể làm chậm lành vết thương.
Mặc dù tỉ lệ tái phát sau khi cắt sẹo là rất cao, nhưng thật sự cần thiết cho những sẹo quá xấu. Chúng ta cần làm cho sẹo nhỏ lại đồng thời làm hạn chế tối thiểu sự tái phát.
5. Các phương pháp khác
Còn có rất nhiều phương pháp khác để điều trị sẹo lồi, tuy nhiên mỗi phương pháp có những ưu khuyết điểm khác nhau và hiệu quả cũng khác nhau như là: Interferon, Bleomycin, 5-flurouracil, Imiquimod, nitơ lỏng, xạ trị… và cũng không có phương pháp đơn lẻ nào có thể điều trị dứt được sẹo lồi.
Phòng ngừa sẹo lồi
Dự phòng là nguyên tắc đầu tiên trong điều trị sẹo lồi.
Không nên tiến hành những thủ thuật thẩm mỹ không cần thiết ở những người có cơ địa sẹo lồi.
Nên tránh tối đa những thủ thuật vùng giữa ngực và những vùng có nguy cơ sẹo lồi cao.
Sử dụng kháng sinh phù hợp cho vết thương để tránh nhiễm trùng.
AloBacsi.vn
Theo Phụ nữ TPHCM
Mạng Y Tế
Nguồn: Alo bác sĩ (http://alobacsi.com/phuong-phap-dieu-tri-seo-loi-hieu-qua-n696.html)