Kinh tế xã hội hôm nay

Quỹ hưu trí tự nguyện mãi nằm... trên giấy, vì sao?

5 năm trôi qua kể từ khi “viên gạch” pháp lý đầu tiên cho sự ra đời và hoạt động của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện tại Ðề án hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện tại Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay, mặc dù các bên liên quan mong muốn hình thành loại hình quỹ này, nhưng chưa một quỹ nào ra đời.

Theo Đề án hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện tại Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 144/2014, đến năm 2020, có khoảng 400 - 500 doanh nghiệp, với khoảng 150.000 người tham gia mua sản phẩm bảo hiểm hưu trí, hoặc đóng góp vào các quỹ hưu trí tự nguyện theo hình thức ủy thác đầu tư. Đến năm 2020, doanh số tích lũy của các quỹ hưu trí tự nguyện để đầu tư trở lại nền kinh tế, trong đó có thị trường vốn, thị trường chứng khoán khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng...

Chỉ còn 1 năm nữa là đến năm 2020, trong khi đến nay chưa có những bước tiến chắc chắn cho hình thành những quỹ hưu trí đầu tiên. Điều này càng cho thấy, nếu không khẩn trương tháo gỡ các bất cập vướng mắc hiện tại, đồng thời không sớm hình thành hệ thống cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đủ hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp và người lao động tham gia lập quỹ hưu trí, thì những mục tiêu đặt ra tại Đề án này rất có thể chỉ tồn tại... trên giấy.

Ði tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao lại có sự chậm trễ kéo dài đến như vậy, bao giờ Việt Nam có quỹ hưu trí tự nguyện đầu tiên? Được biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 88/2016 về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện. Ðây là cơ sở pháp lý đầu tiên để hình thành quỹ hưu trí tự nguyện, với 2 mục tiêu là đảm bảo an sinh xã hội và tạo nguồn vốn đầu tư dài hạn vào thị trường chứng khoán.

Thực tế cho thấy, hệ thống pháp lý đồng bộ, đầy đủ cho quỹ hưu trí tự nguyện ra đời và hoạt động vẫn còn thiếu. Theo ý kiến từ thị trường, nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có sự phối hợp kịp thời, hiệu quả của các bộ, ngành liên quan.

Lãnh đạo một công ty quản lý quỹ có vốn đầu tư nước ngoài nhìn nhận, mức đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động tham gia vào quỹ hưu trí tự nguyện được miễn thuế ở mức 3 triệu đồng/người/tháng là quá thấp, không tạo được động lực cho các bên mặn mà tham gia.

Trên thực tế, ở các doanh nghiệp có chính sách ưu đãi về chương trình hưu trí cho cán bộ nhằm giữ chân nhân tài, họ có những chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Lẽ ra cơ quan xây dựng chính sách cần dựa vào đặc thù này để tạo ra tính cạnh tranh cho khoản đóng góp vào quỹ được miễn thuế ở mức cao hơn 3 triệu đồng/người/tháng, thì cả doanh nghiệp lẫn người lao động thấy được lợi ích đủ hấp dẫn để thu hút họ tham gia quỹ hưu trí tự nguyện.

Mặt khác, theo quy định hiện hành, hệ thống chứng từ đòi hỏi người lao động và người sử dụng lao động phải cung cấp để được khấu trừ thuế cho khoản đóng góp vào quỹ. Quy định này có phần rườm rà, phức tạp so với các nước trên thế giới đã áp dụng, nên cũng khiến các bên ngại tham gia quỹ.

Không những thiếu cơ chế ưu đãi, khuyến khích, quy định pháp lý hiện hành đang gây khó cho quỹ hưu trí tự nguyện hoạt động. Nghị định 88/2016/NÐ-CP khống chế quỹ hưu trí phải đầu tư tối thiểu 50% tổng giá trị tài sản vào trái phiếu Chính phủ (bao gồm cả đầu tư thông qua chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán). Cơ cấu đầu tư này được nhìn nhận là cao, không tạo sự linh hoạt, hấp dẫn cho quỹ hưu trí hoạt động. Thực tế này cho thấy, cả khâu huy động nguồn vốn cho lập quỹ, lẫn việc sử dụng nguồn vốn cho hoạt động đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện đều khó...

Nhận diện một trong những “nút thắt” khiến quỹ hưu trí tự nguyện chậm ra đời là do sự chậm trễ trong phối hợp hoàn chỉnh chính sách của các bộ ngành liên quan. Mới đây tại Quyết định 242/2019 phê duyệt Ðề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và giải pháp thúc đẩy việc thành lập và hoạt động của Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, xây dựng hướng dẫn thỏa ước giữa người sử dụng lao động và người lao động về tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện... Ðề án cũng nêu rõ cơ quan quản lý ban hành các chính sách khuyến khích phát triển chương trình hưu trí tự nguyện.

Từ định hướng trên, cần vào cuộc mạnh hơn, đồng thời hình thành cơ chế ưu đãi về thuế, phí để người lao động và doanh nghiệp nhận diện được những lợi ích đủ hấp dẫn, từ đó thu hút các bên tham gia.

HỮU TRUNG

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/quy-huu-tri-tu-nguyen-mai-nam-tren-giay-vi-sao-n154746.html)
Từ khóa: hưu trí

Chủ đề liên quan:

hưu trí vì sao

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY