Bệnh ung thư hôm nay

Rõ bản chất khối u sau 12 giờ

Kỹ thuật HER2 SISH giảm thiểu sai sót so với thực hiện thủ công, cho kết quả chính xác trong 12 giờ và không cần phòng tối để đọc kết quả.
GS-TS Thomas Grogan là người đã có công lớn trong lĩnh vực y khoa bằng việc đưa ra kỹ thuật chẩn đoán mô bệnh học tự động. Nhân chuyến đi châu Á nhằm hỗ trợ cải thiện chẩn đoán ung thư ở khu vực này, GS-TS Thomas Grogan đã chia sẻ thông tin về kỹ thuật này.
* Thưa giáo sư, ông đã có cuộc trò chuyện với đông đảo bác sĩ chuyên ngành giải phẫu bệnh lý ở TPHCM hôm 8-6 về kỹ thuật chẩn đoán mô bệnh học tự động. Ông cảm nhận về không khí của cuộc trò chuyện này như thế nào? - GS-TS Thomas Grogan (Đại học Arizona - Mỹ): Tôi thấy các bác sĩ trẻ của Việt Nam rất hào hứng với kỹ thuật này. Họ đã chủ động đặt ra hàng loạt câu hỏi và tôi đã trả lời đầy đủ cho họ.
* Nhưng thưa ông, kỹ thuật này đã có nhiều nước áp dụng chưa và ông có thông tin gì về việc áp dụng nó ở Việt Nam?
- Trên thế giới đã có rất nhiều nước áp dụng thường quy nhưng ở Việt Nam, tôi biết là chỉ mới áp dụng từ tháng 8-2010, cụ thể ở bộ môn giải phẫu bệnh lý của Trường ĐH Y Dược TPHCM, trong một chương trình hợp tác với Roche Tissue Diagnostics là nhà cung cấp hàng đầu các hệ thống xét nghiệm tự động cho giải phẫu bệnh học. * Xin ông nói rõ hơn vì ở Việt Nam, khi muốn chẩn đoán ung thư vú chẳng hạn, các bệnh viện thường lấy mẫu mô vùng vú có khối u để xét nghiệm. Nếu mẫu mô dương tính với gien HER2 thì xác định bệnh nhân có khả năng ung thư vú. Phương pháp này có tên là HER2 FISH. Kỹ thuật mà ông tìm ra có làm theo cách này? - HER2 FISH là kỹ thuật cổ điển mà các bệnh viện hiện đang áp dụng để xác định gien HER2 trong tế bào của bệnh nhân ung thư vú nhằm giúp khẳng định bệnh nhân đó có khả năng đáp ứng hay không với Herceptin, là một loại Thu*c điều trị ung thư vú hiện nay. Đây là kỹ thuật thủ công. Kỹ thuật mà tôi đề xướng là HER2 SISH, cũng sử dụng trong việc xác định gien HER2 ở bệnh nhân ung thư vú nhằm xem thử bệnh nhân có khả năng đáp ứng với Herceptin hay không nhưng nó khác ở chỗ cho phép lưu trữ các tiêu bản mô trong thời gian dài, nhờ vậy mà khi cần, các bác sĩ có thể hồi cứu mẫu mô để thẩm định lại.

Kỹ thuật này cũng cho phép bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân cụ thể, còn gọi là cá nhân hóa công tác chăm sóc sức khỏe. Hơn nữa, cũng không cần trang bị các thiết bị phức tạp để đọc kết quả nên hạn chế tối đa khả năng nảy sinh những khác biệt khi phân tích kết quả xét nghiệm, bác sĩ giải phẫu bệnh dễ dàng áp dụng. Tất nhiên là phải có thiết bị chuyên dùng kèm theo. * Nhưng tôi vẫn chưa rõ về những lợi ích mà người bệnh có thể thụ hưởng từ kỹ thuật HER2 SISH. Ông thử so sánh nó với HER2 FISH hoặc các kỹ thuật PET Scan, CT Scan mà các bệnh viện Việt Nam phổ biến sử dụng?

- Rất dễ nhận thấy. Chẳng hạn, với kỹ thuật truyền thống HER2 FISH, việc xét nghiệm mô liên quan đến nhiều bước thực hiện bằng tay phức tạp nên quy trình phải mất 36 giờ mới có kết quả, tín hiệu lại bị phân hủy dần theo thời gian, đồng thời tiềm ẩn nhiều sai sót do con người tạo ra cũng như chứa đựng rủi ro do mẫu có thể bị nhiễm. Điều này dẫn đến khả năng chẩn đoán sai hoặc chẩn đoán không đầy đủ nên đôi khi để lại cho bệnh nhân những mối nguy hiểm cao hơn trong quá trình tiến triển của bệnh. Kỹ thuật HER2 SISH thì tự động hóa hoàn toàn nên sẽ giảm thiểu các sai sót so với thực hiện thủ công, cho kết quả chính xác trong vòng 12 giờ và không đòi hỏi phải có phòng tối để đọc kết quả. Kỹ thuật PET Scan và CT Scan chỉ giúp xác định vị trí khối u, tức là cơ quan nào trong cơ thể bị ung thư, có bao nhiêu khối u… trong khi HER2 SISH giúp chúng ta nhận biết bản chất và nguyên lý của bệnh. Cụ thể, xác định đó là loại ung thư gì, di căn hay chưa và phương pháp điều trị nào phù hợp. Trong điều trị ung thư, việc có kết quả xét nghiệm sớm và chính xác đồng nghĩa với việc gia tăng cơ hội sống cho bệnh nhân.

* Thật thú vị. Nhưng như ông nói, kỹ thuật này đòi hỏi phải có thiết bị. Liệu đây có phải là trở ngại khiến các bệnh viện khó có cơ hội áp dụng?

- Tôi không nghĩ như thế vì điều đó phụ thuộc vào quan điểm của từng bệnh viện. Như ở bộ môn giải phẫu bệnh lý của Trường ĐH Y Dược TPHCM chẳng hạn, họ cho biết việc đầu tư thiết bị không phải là điều quá bận tâm khi so với lợi ích mà họ mang lại cho người bệnh.

GS-TS Thomas Grogan là thành viên sáng lập Tổ chức nghiên cứu quốc tế về ung thư hạch bạch huyết (tổ chức đang sở hữu quyền tác giả cuốn sách có nội dung về phân loại các khối u của mô tạo máu và mô bạch huyết do Tổ chức Y tế Thế giới phát hành năm 2008). Ông cũng là tác giả của hơn 200 tài liệu về ung thư hạch bạch huyết và ung thư dòng tủy, viết 20 chương sách và sở hữu bản quyền sáng chế đối với quy trình tự động hóa trong hóa mô miễn dịch và lai tại chỗ. Ông liên tục được vinh danh vào danh sách “Những bác sĩ ưu tú nhất Hoa Kỳ” kể từ năm 1991 đến nay.
Theo Lương Duy Cường - Người Lao động
Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-ro-ban-chat-khoi-u-sau-12-gio-10332.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY