Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Sai lầm cần tránh khi tập thể dục

Ai cũng biết tập thể dục là tốt cho sức khỏe, đặc biệt trong thời buổi ngày nay thói quen làm việc tĩnh tại ngày càng nhiều.

Những quan điểm sai lầm về tập thể dục

Sai lầm đầu tiên là tập quá ít: hàng ngày chúng ta dễ dàng thấy rất nhiều người đi bộ xung quanh công viên một cách thong thả, vừa đi vừa nghe nhạc. Tập thể dục được hiểu là một chuỗi các hoạt động thể lực mang tính chất kéo dài và “nặng” hơn bình thường nhằm mục tiêu tăng cường sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật. Do đó, người tập phải “ráng” hơn bình thường một chút, có thể là tăng cường độ hay tăng thời gian. Mặt khác, những bài tập quá nhẹ nhàng cũng không giúp phòng ngừa loãng xương ở người lớn tuổi, xương cần có lực nén để chắc khỏe hơn.

Tập càng nhiều càng tốt: điều này sai hoàn toàn. Cơ thể mỗi người có khả năng chịu đựng là khác nhau, cũng như mục đích tập thể dục mỗi người là khác nhau. Có nhiều người nhìn chung quanh thấy bạn bè tập nhiều, hăng say thì cũng cố gắng nhưng do mới tập hay do khả năng chịu đựng còn kém nên có thể dẫn đến những tác dụng không mong muốn như: căng cơ, gãy xương, mệt mỏi, chán ăn... Người tập thể dục không được quá vội vã, đây là quá trình lâu dài, cơ thể cần có thời gian để làm quen dần cũng như gia tăng mức độ chịu đựng.

Mọi người có thể chọn tập chung bài tập thể dục: nhiều người tập thể dục theo “rủ rê”, điều này cũng một phần tốt do cảm thấy vui khi tập, tránh tình trạng bỏ ngang. Tuy nhiên, mục đích mỗi người tập là khác nhau, cơ địa mỗi người là khác nhau, cũng như tiền căn các bệnh lý. Do đó, tốt nhất là mỗi người nên tham vấn chuyên gia thể thao để có thể chọn được bài tập cũng như “liều lượng” phù hợp nhất với mỗi người.

Những đối tượng nào là “chống chỉ định” tập thể dục

Suy tim nặng: do tim không cung cấp “đủ” máu một cách tương đối cho các hoạt động của cơ thể nên thường xuyên cảm thấy mệt mỏi. Tập thể dục cũng là một cố gắng “quá sức” buộc tim phải “đập” nhiều hơn, điều này làm quá tải và làm trầm trọng hơn tình trạng suy tim.

Hen suyễn nặng: những đối tượng này do tắc nghẽn thông khí nên có khả năng không cung cấp không khí đủ trong quá trình luyện tập. Mặt khác tình trạng thở nhanh, kích thích giao cảm do mệt cũng có thể làm tăng thể tích “khí cặn” cũng như làm trầm trọng thêm tình trạng hen suyễn.

Viêm khớp tiến triển: vận động làm quá trình viêm ngày càng nặng hơn. Trường hợp này không chống chỉ định tuyệt đối vì bệnh nhân sau khi được điều trị qua đợt cấp thì có thể tập thể, đương nhiên là bài tập thể dục phải phù hợp và tập dần dần từ nhẹ đến tăng dần.

Tập thể dục như thế nào là vừa sức?

Không phải mọi người đều có cùng bài tập thể dục được. Chọn bài tập thể dục nào, cách tập thế nào, tập trong bao lâu và trong điều kiện nào tùy vào cơ địa và mục tiêu của mỗi người. Một số yếu tố cần đánh giá khi chọn bài tập thể dục:

Độ tuổi: do sự phát triển tâm S*nh l* của từng tuổi có khác nhau cũng như chuyển hóa cơ thể cũng khác nhau mà cần lưu tâm đến lứa tuổi. Trẻ con thường hiếu động và chuyển hóa bên trong nhiều, nên ngoại trừ những trường hợp trẻ không vận động còn lại hầu hết trẻ con các vận động hàng ngày đã xem như bài tập thể dục vừa sức trẻ. Ngược lại, những người quá già, đặc biệt những người có mật độ xương kém, thiếu dinh dưỡng, thì bài tập thể dục cũng phải nhẹ nhàng, nếu quá sức có thể dẫn đến kiệt sức.

Tiền căn bệnh lý: cần có đánh giá một cách toàn diện các bệnh lý của người tập thể dục, đặc biệt là các bệnh lý đường hô hấp, tim mạch cũng như xương khớp. Khi tập thể dục làm tăng thông khí cũng như nhịp tim, nếu có bất thường về hô hấp hay tim mạch sẽ làm trầm trọng thêm các bệnh lý này. Bệnh khớp hay loãng xương cũng nên thận trọng khi tập thể dục, nên tập từ nhẹ nhàng và kéo dài hơn là tập một lần nhưng cường độ cao.

Những dấu hiệu cho thấy là đang tập thể dục quá sức: thông thường khoảng 20 - 30 phút sau tập, người tập sẽ hết mệt và về bình thường, nhưng nếu sau khi tập thể dục đã lâu mà bạn vẫn thấy người mệt rã rời suốt ngày, thậm chí lâu hơn thì có thể bạn đã bị quá sức và phải xem lượng vận động đã hợp lý chưa để giảm bớt. Hiện tượng khát nước và thấy đói cồn cào, thèm ăn sau khi tập luyện là điều bình thường, nhưng nếu đã uống rất nhiều nước nhưng vẫn cảm thấy khát, ăn rất nhiều vẫn chưa “đã” và thậm chí còn muốn ăn thêm thì đó cũng là dấu hiệu không ổn trong cơ thể. Một số triệu chứng như: choáng váng, nhức đầu kèo dài rất lâu sau tập cũng là dấu hiệu của việc tập luyện quá sức.

Điều quan trọng cuối cùng khi bắt đầu tập thể dục là người tập thể dục hãy nên nhớ là tập cho chính mình, không nên vì quá tham gia “phong trào” mà chọn bài tập không phù hợp. Người tập nên kiên trì, bền bỉ, nên khởi động làm nóng trước khi tập thể dục và hãy luôn lắng nghe cơ thể mình.

BS. DƯƠNG MINH HÙNG

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (http://suckhoedoisong.vn/sai-lam-can-tranh-khi-tap-the-duc-n78462.html)

Tin cùng nội dung

  • Bệnh suyễn ngày càng gia tăng trên toàn thế giới, bệnh ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, gây nhiều phiền toái và nguy hiểm đến tính mạng.
  • Cuộc sống chăn gối vợ chồng quyết định hạnh phúc gia đình. Một số quan niệm sai lầm về bệnh T*nh d*c bạn cần loại bỏ để cuộc yêu thăng hoa.
  • Quan sát từ phòng khám nhi, chúng tôi nhận thấy tình trạng trẻ em mắc các bệnh dị ứng (mề đay, chàm, viêm mũi dị ứng...) và hen suyễn gia tăng.
  • Bổ sung vitamin D có thể giúp những người bị hen suyễn kiểm soát được các cơn hen.
  • Đối với người bị đuối nước, việc sơ cứu dưới nước là điều quan trọng đầu tiên nên làm, để đưa nạn nhân ra khỏi tình trạng ngạt.
  • Các bài tập này có thể giúp tăng lực, tăng phạm vi chuyển động và làm giảm đau bàn tay, ngón tay.
  • Trào ngược dạ dày thực quản và hen suyễn có mối liên quan qua lại lẫn nhau, giống như giữa con gà và quả trứng, rất thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi.
  • Chào Mangyte, Em bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và phải sử dụng dụng cụ hít nhưng không biết sử dụng sao cho đúng. Em nghe nói BV Đại học Y dược TPHCM có tổ chức tư vấn sử dụng dụng cụ hít, không biết điều này có đúng không? Kính mong Mangyte tư vấn giúp em. Chân thành cảm ơn.
  • Tập thể dục là an toàn đối với hầu hết người trên 65 tuổi. Ngay cả những bệnh nhân có bệnh mạn tính như bệnh tim, cao huyết áp, tiểu đường và viêm khớp cũng có thể tập thể dục một cách an toàn
  • Tập thể dục giúp bạn cảm thấy khỏe khoắn và duy trì cân nặng của mình. Tập luyện còn có thể giúp giảm bớt hoặc ngăn chặn sự khó chịu trong thời gian mang thai. Nó cũng có thể giúp bạn có thêm năng lượng và chuẩn bị cơ thể bạn vào chuyển dạ bằng cách tăng khả năng chịu đựng và sức mạnh cơ bắp. Nếu không mắc bệnh lý nghiêm trọng và đang có một thai kỳ không biến chứng, thường thì tập thể dục là an toàn.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY