Tin tức hôm nay

Tin tức

Sẵn sàng tiếp nhận, điều trị người bệnh nhiễm nCoV

Với phương châm “bốn tại chỗ”, khi phát hiện người bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (nCoV) ở địa phương nào thì sẽ điều trị tại địa phương đó. Trong trường hợp nặng hơn sẽ có các đội cơ động từ tuyến trên về hỗ trợ, chỉ khi bệnh nặng vượt quá khả năng mới phải chuyển lên tuyến trên.

Bệnh viện Phổi Đà Nẵng thu dung, cách ly người nghi mắc bệnh do nCoV.

Trao đổi thông tin với báo chí, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đến nay các bệnh viện trong cả nước (từ tuyến huyện trở lên) đều chuẩn bị đầy đủ khu cách ly, cơ sở vật chất, trang thiết bị, Thu*c… Theo phân tuyến điều trị, các bệnh viện tuyến trung ương đã dành 3.000 giường bệnh để sẵn sàng tiếp nhận người bệnh. Tuyến dưới, tùy mức độ và quy mô dân số, mỗi tỉnh, thành phố đều bố trí hàng trăm, thậm chí hàng nghìn giường bệnh để tiếp nhận người bệnh do nCoV. Bộ Y tế đã thành lập 45 đội cơ động phản ứng nhanh (là nhân viên y tế của các bệnh viện tuyến trung ương, có nhiều kinh nghiệm trong điều trị SARS, cúm A/H1N1…) để hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới trong thu dung, điều trị, chăm sóc và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có yêu cầu và mức độ dịch.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội), đơn vị đầu ngành trong điều trị các bệnh truyền nhiễm khu vực phía bắc được giao tiếp nhận, điều trị cho người bệnh do nCoV từ Hà Tĩnh trở ra. Trường hợp hết cơ số giường bệnh dự phòng của bệnh viện này người bệnh sẽ được chuyển đến các bệnh viện: Bạch Mai, Nhi T.Ư. Hiện nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đã huy động tất cả cán bộ y tế tham gia công tác chống dịch bệnh do nCoV, trong đó có 60 cán bộ trực tiếp chăm sóc, điều trị người dương tính và theo dõi giám sát người nghi ngờ. Bệnh viện cũng thành lập hai đội cơ động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới. Hiện, bệnh viện có khả năng điều trị cho 1.000 người, trong đó 600 người giám sát, 400 ca điều trị và khoảng 50 giường điều trị tích cực; đồng thời sẵn sàng cho phương án lập bệnh viện dã chiến khi cần huy động.

Mặc dù là nơi “đóng quân” của nhiều bệnh viện tuyến trung ương, nhưng Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng và ban hành kế hoạch đáp ứng với các tình huống dịch bệnh do nCoV trên địa bàn với mục tiêu phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, xử lý kịp thời không để dịch lan rộng, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và Tu vong. Theo đó, việc ứng phó với dịch bệnh do nCoV được chia thành bốn cấp độ: có trường hợp bệnh xâm nhập; dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn; dịch bệnh lây lan trên địa bàn với hơn 20 trường hợp mắc; dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng. Với từng cấp độ, ngành y tế đều có phương án hành động phù hợp từ công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát dự phòng đến truyền thông, hậu cần và điều trị. Năm bệnh viện chịu trách nhiệm tiếp nhận cách ly, theo dõi điều trị cho người bệnh trên địa bàn Thủ đô gồm: Đa khoa Hà Đông, Đống Đa, Bắc Thăng Long, Thanh Nhàn và Đức Giang (chuyên tiếp nhận người bệnh là trẻ em).

Tương tự Hà Nội, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV với bốn cấp độ của dịch bệnh. Về công tác thu dung cách ly theo dõi, điều trị cho người bệnh, Đà Nẵng sẽ tổ chức tại ba bệnh viện: Phổi, Đà Nẵng, Phụ sản - Nhi. Bệnh viện Đà Nẵng tích cực hỗ trợ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng về nhân lực, vật tư, trang thiết bị y tế, các phương tiện bảo hộ, kiểm soát nhiễm khuẩn; chuyên môn, kỹ thuật thực hiện quy trình phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn. UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã thống nhất chủ trương về việc mua sắm các máy móc thiết bị, gồm một hệ thống ECMO, 10 máy thở, 10 mo-ni-tơ theo dõi bệnh nhân, 30 bơm tiêm điện, hai máy thở di động, 30 máy truyền dịch, một máy X-quang di động… với tổng giá trị gần 20 tỷ đồng.

Bệnh viện Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số Thu*c hồi sức cấp cứu, dịch truyền, các phương tiện máy thở, mo-ni-tơ theo dõi người bệnh, vật tư thiết bị y tế và phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh. Đồng thời, tổ chức phân loại ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh: Người có triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp cấp (ho, sốt...) được phân luồng khám, tư vấn tại buồng khám riêng biệt; khai thác các yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày, nếu thấy nghi ngờ cần cách ly tạm thời, thông báo cho cơ quan y tế dự phòng lấy mẫu xét nghiệm để xác định kịp thời. Tại Khoa Y học nhiệt đới đã được bố trí thành khu riêng biệt khép kín, đi theo một chiều để theo dõi và điều trị người bệnh, hạn chế người nhà thăm và tiếp xúc người bệnh. Bệnh viện đã thành lập ba đội phản ứng nhanh nội viện và một đội phản ứng nhanh ngoại viện với sự tham gia của các bác sĩ khoa khám bệnh, y học nhiệt đới, chẩn đoán hình ảnh, hồi sức tích cực - chống độc, nội hô hấp… để sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới.

TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, du dịch của cả nước, hằng năm đón tiếp hàng triệu lượt khách du lịch… và nguy cơ lây bệnh cũng rất cao nếu không kiểm soát được ngay từ những ca đầu tiên. Để đối phó với tình trạng này, ngành y tế thành phố đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể; phân công công tác tiếp nhận điều trị người bệnh cho từng bệnh viện trên địa bàn. Ngành y tế thành phố cũng đã đề xuất thành lập hai bệnh viện dã chiến quy mô 500 giường tại Củ Chi và Nhà Bè. Đến ngày 3-2 vừa qua, tất cả các bệnh viện trong thành phố đã có khu vực cách ly, và dự kiến đến ngày 15-2 tới, hai bệnh viện dã chiến sẽ hoàn thành.

Với sự chuẩn bị tích cực và kinh nghiệm trong việc điều trị thành công ba ca mắc bệnh đầu tiên tại ba bệnh viện: Chợ Rẫy, đa khoa tỉnh Thanh Hóa; Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa, các bệnh viện trong cả nước đã sẵn sàng tiếp nhận, điều trị cho người bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

HOÀNG ĐÀO HẢO

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo nhân dân (https://nhandan.com.vn/y-te/tin-tuc/item/43196502-san-sang-tiep-nhan-dieu-tri-nguoi-benh-nhiem-ncov.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY