Những ngày gần đây, ca mắc Covid-19 tại Hà Nội sắp chạm mốc 10.000 ca/ngày khiến nhiều người lo lắng. Không ít gia đình tìm mua các loại kit test nhanh SARS-CoV-2 để xét nghiệm thường xuyên. Theo các chuyên gia y tế, đây là việc làm lãng phí.
Chị Ngọc Lan (Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị có 5 người (2 vợ chồng và 3 con nhỏ). Công việc của anh chị thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người. Xung quanh xuất hiện nhiều ca F0, bên cạnh đó hiện tại do hầu hết người dân đều được tiêm vắc xin nên nhiều người mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng.
Lo ngại điều đó nên cách vài ngày, chị Lan lại xét nghiệm cho toàn bộ gia đình. Gia đình chị Lan đến viện làm test nhanh, test PCR. Ngoài ra, chị thường xuyên mua que test nhanh tại hiệu Thu*c với giá 120.000 đồng/que. “Tốn kém” là điều chị Lan phản ánh khi liên tục phải chi tiền cho việc kiểm tra nguy cơ mắc Covid-19 cho cả gia đình.
Xét nghiệm Covid-19 cho người dân. Ảnh: VietNamNet |
Từ khi học sinh THPT trở lại trường, chị Nguyễn Thị Thơm (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cũng đã phải chi số tiền không nhỏ để mua kit test nhanh. Lo lắng con mắc Covid-19 trong những ngày đầu trở lại trường học, ngày nào chị Thơm cũng test cho con.
“Mỗi que test nhanh giá 70.000 đồng, ngày nào con đi học về tôi cũng test cho con để chắc chắn cháu chưa bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, gia đình bán hàng tạp hóa, tiếp xúc với nhiều người nên một tuần, gia đình gồm 5 người lại test nhanh một lần. Tôi nghĩ việc test nhanh là cần thiết vì hiện tại ở Hà Nội đang rất nhiều F0, cẩn thận vẫn hơn”, chị Thơm chia sẻ.
Chị Lê Thùy (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng không nhớ nổi số tiền mình chi ra cho việc xét nghiệm. Lần gần nhất, gia đình có người tiếp xúc với F0 dù đã đeo khẩu trang và thời gian tiếp xúc ngắn nhưng vì lo lắng, chị Thùy đã gọi dịch vụ test PCR tại nhà đến xét nghiệm cho cả gia đình.
“Gia đình tôi gồm 7 người, chi phí xét nghiệm hết 550.000 đồng/người”, chị nói. Không chỉ vậy do các con đi học, lớp thường xuyên xuất hiện F0 nên dù các con không được xác định là F1 nhưng chị Thùy vẫn test cho con thường xuyên. “Mỗi hộp gồm 25 que test, cứ gần hết tôi lại mua dự phòng. Gia đình có người già, trẻ em nên dù tiếc tiền tôi vẫn không thể chủ quan. Nếu phát hiện sớm tôi sẽ chủ động để đối phó”, chị lý giải dù thừa nhận việc xét nghiệm này quá tốn kém.
Không chỉ mua để test nhanh, nhiều gia đình cũng tích trữ kit test để dự phòng vì vậy những ngày gần đây tình trạng “cháy’’ hàng đã diễn ra tại nhiều nhà Thu*c ở Hà Nội.
Cách đây 1 tuần, cửa hàng Thu*c trên đường Chiến Thắng (quận Hà Đông) ngày nào cũng có sẵn 100 kit test nhanh. Tuy nhiên, đến nay chỉ bán cho mỗi người 1 kit để chờ hàng về.
"Giờ chỉ còn chục kit xét nghiệm nhanh thôi, để mỗi người lấy 1 kit dùng chứ tôi không bán nhiều. Nếu muốn lấy nhiều thì để lại số điện thoại, khi nào có hàng thì tôi gọi", chủ cửa hàng nói.
Tương tự một cửa hàng Thu*c ở Phú Lương, Hà Đông cũng chỉ còn 3 hộp cuối cùng. Khi được hỏi về giá, chủ cửa hàng này cho biết: “Giờ có lấy luôn thì lấy, hàng còn không có mà bán chứ lăn tăn giá làm gì”.
Một số quầy Thu*c tại quận Cầu Giấy cũng cho biết hiện tại chỉ bán 1 loại kit xét nghiệm nhanh có xuất xứ từ Đức, mỗi bộ giá 75.000 đồng. Chủ một cửa hàng Thu*c trên phố Trần Sâm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ loại kit xét nghiệm nhanh của Hàn Quốc có giá rẻ hơn (70.000 đồng/bộ) nhưng đã hết hàng từ tuần trước.
Trong khi đó, trên mạng không khó để mua kit xét nghiệm nhanh Covid-19. Các loại kit được rao bán với đủ mức giá, cam kết hàng chuẩn. “Nhà có người F0 nên tôi đành mua luôn trên mạng cho nhanh, chẳng còn thời gian mà lăn tăn về giá hay chất lượng”, chị H., một người dân ở Hà Đông nói sau khi hỏi vài quầy Thu*c quen nhưng nhận được thông báo hết hàng. Việc người dân đổ xô tets nhanh, làm các loại kit cháy hàng khiến các chuyên gia lo ngại.
Trao đổi với VietNamNet, BS Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết, người dân chỉ thực hiện việc test nhanh tại nhà khi có nguy cơ, triệu chứng. Theo BS Khanh, khi tiếp xúc F0 nhưng bạn giữ khoảng cách (trên 2m), đeo khẩu trang và không có các triệu chứng như (ho, sốt, khó thở…) không cần xét nghiệm.
Chúng ta phải lắng nghe cơ thể mình để quyết định có cần thiết test nhanh hay không. Ví dụ là một người trẻ, khỏe không có dấu hiệu để bị cảm (như không thức khuya, không đi ra nắng, mắc mưa hoặc không giải thích được bằng các lý do khác gây nên triệu chứng cảm, sốt), lúc này mình nên tets nhanh để kiểm tra nguy cơ mắc Covid-19.
“Việc test nhanh nhiều, không cần thiết sẽ làm mất thời gian và lãng phí”, BS Khanh khẳng định.
Theo các bác sĩ, người dân nên chủ động thực hiện các khuyến cáo 5K, hạn chế đi lại, tụ tập nơi đông người để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm. Trong trường hợp mình cố gắng phòng chống nhưng vẫn nhiễm thì bình tĩnh theo dõi, điều trị theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế.
Trong trường hợp mắc Covid-19, người dân thực hiện việc xét nghiệm theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Cụ thể, theo quy định mới nhất của Bộ Y tế, F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà thực hiện test nhanh vào ngày thứ 7. Trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vắc xin.
Với F1 cần thực hiện xét nghiệm vào ngày cách ly thứ 5. Nếu kết quả âm tính, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo. F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vắc xin, thực hiện cách ly 7 ngày, thực hiện xét nghiệm vào ngày cách ly thứ 7.