Kinh tế xã hội hôm nay

Sợ như ở... biệt thự cổ

Nghịch lý này lại là một thực tế khá buồn, bởi nhiều “biệt thự” ở đây chỉ còn là những phế tích và tên gọi mà thôi
Nghịch lý này lại là một thực tế khá buồn, bởi nhiều “biệt thự” ở đây chỉ còn là những phế tích và tên gọi mà thôi, đằng sau những bức tường mục nát ấy là biết bao hộ gia đình đang hàng ngày thấp thỏm sống trong nỗi lo. Vụ sập ngôi nhà số 107 Trần Hưng Đạo, làm 2 người ch*t và nhiều người bị thương vừa qua đã khiến các cơ quan chức năng quản lý và đặc biệt là nhiều bà con đang sống trong những “ngôi biệt thự” Pháp cổ hoang mang...

Vừa khổ, vừa sợ vẫn phải “bám”

Vào lúc 12h45’ ngày 22/9/2015, tại Hà Nội đã xảy ra vụ sập tòa biệt thự Pháp cổ tại 107 Trần Hưng Đạo, làm 2 người ch*t, 6 người bị thương. Đây là sự cố công trình xây dựng nghiêm trọng (sự cố cấp II), gây thiệt hại về người và tài sản. Sau sự cố đáng tiếc này, người ta mới giật mình khi biết rằng ngôi biệt thự trên đã có khoảng 110 năm tuổi. Trải qua bao biến cố, thăng trầm lịch sử và thời tiết khắc nghiệt, ngôi nhà đã trở thành hiểm họa chực chờ.

Theo thống kê của thành phố Hà Nội, Thủ đô hiện còn hàng trăm căn biệt thự xây dựng từ trước 1954 được chia thành nhiều nhóm. Với biệt thự nhóm 1, khi xây dựng, cải tạo lại phải giữ nguyên như ban đầu. Với biệt thự nhóm 2, khi cải tạo thì phải giữ lại những tiêu chuẩn cơ bản như mật độ, chiều cao, bên trong có thể sửa chữa. Với biệt thự nhóm 3 thì có thể được phá dỡ để xây dựng nhà mới. Các trường hợp muốn phá dỡ, cải tạo đều phải được cơ quan chuyên môn thẩm định về mức độ nguy hiểm. Căn biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo vừa sập đổ một phần thuộc nhóm 2.

Vấn đề đáng lo ngại là hầu hết biệt thự Pháp cổ đều nằm ở những vị trí trung tâm, đất vàng của Thủ đô. Người dân sinh sống ở đây đã lâu và tận dụng từng mét đất để ở, quyết “sống mãi” với biệt thự để trông chờ những quyền lợi của mình. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình cũng không có điều kiện kinh tế để chuyển đi nơi khác mặc dù chỗ ở đã xuống cấp nghiêm trọng. Thêm vào đó là tình trạng “cha chung không ai khóc”. Mỗi căn biệt thự có rất nhiều hộ sinh sống, ngoài vấn đề vệ sinh môi trường ô nhiễm, chỗ sinh hoạt chật chội, người dân còn tận dụng làm chỗ để xe, gửi xe, phơi đồ, bán hàng nước và kinh doanh nhỏ phục vụ dân xung quanh. Mật độ người qua lại và sinh hoạt tại khu vực này khá đông nên không gian nhếch nhác. Không ai đứng ra kêu gọi sửa chữa và cũng chẳng ai “tội gì” bỏ tiền ra sửa chữa ngoài khu vực riêng của mình.

Những ngôi biệt thự cổ xuống cấp nghiêm trọng có thể được dễ dàng thấy qua mắt thường như số 45 Trần Quốc Toản bị nghiêng khoảng 15 độ; biệt thự cổ 45A Lò Đúc; số 70 phố Ngô Quyền (được xây từ năm 1888); biệt thự số 65 phố Nguyễn Thái Học bị biến dạng như tổ chim; biệt thự ở số 333 Hoàng Hoa Thám được xây từ năm 1935; số 8 Tăng Bạt Hổ; số 3 Trần Nguyên Hãn... là những điểm mà người dân vừa ở vừa... nơm nớp.

Cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc

Liên quan đến thực trạng nguy hiểm ở những ngôi biệt thự cổ, Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị UBND TP. Hà Nội nhanh chóng chỉ đạo gải quyết, khắc phục sự cố đối với công trình này, đồng thời đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát các công trình xây dựng có dấu hiệu nguy hiểm hoặc hết niên hạn sử dụng trong nước. Theo đó, nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, giảm thiểu thiệt hại, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP. Hà Nội yêu cầu chủ sở hữu, người quản lý, khai thác sử dụng công trình tại 107 Trần Hưng Đạo tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, hạn chế, ngăn ngừa các nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra; tổ chức bảo vệ hiện trường sự cố và thực hiện báo cáo theo quy định.

Căn cứ theo mức độ và phạm vi sự cố để xem xét, quyết định tạm dừng khai thác, sử dụng đối với các hạng mục công trình lân cận.

Xem xét, quyết định việc phá dỡ, thu dọn hiện trường sự cố trên cơ sở đáp ứng yêu cầu; đảm bảo an toàn cho người, tài sản, công trình và các công trình lân cận. Hiện trường sự cố phải được các bên liên quan chụp ảnh, quay phim, thu thập chứng cứ, ghi chép các tư liệu cần thiết phục vụ cho công tác giám định nguyên nhân sự cố và lập hồ sơ sự cố trước khi phá dỡ, thu dọn.

Tổ chức giám định nguyên nhân sự cố theo quy định tại Điều 49 của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP. Thông báo kết quả giám định nguyên nhân sự cố cho chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan; các yêu cầu đối với chủ đầu tư hoặc các bên liên quan phải thực hiện để khắc phục sự cố...

Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Xây dựng cũng đề nghị tiến hành rà soát, phát hiện các công trình, hạng mục công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác sử dụng; khẩn trương tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình, hạng mục công trình này và có biện pháp xử lý theo đúng quy định. Người dân đang mong mỏi cơ quan quản lý sớm có những giải pháp triệt để nhằm tránh những T*i n*n đáng tiếc tương tự xảy ra.

Bình An

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-so-nhu-o-biet-thu-co-18205.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY