Bệnh nhân nhập viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí trong tình trạng sốt, đau thắt lưng, cơn đau âm ỉ liên tục. Kết quả siêu âm, CT phát hiện ở đài bể thận trái của cụ bà có sỏi san hô phủ kín gần hết bể thận, đài bể thận giãn, ứ mủ, làm mất chức năng thận.
Bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ thận trái, lấy khối sỏi ra ngoài.a Sau mổ, người bệnh hồi phục tốt, tình trạng nhiễm trùng cải thiện dần.
Bác sĩ nguyễn như trung, khoa ngoại thận - tiết niệu bệnh viện, ngày 16/8 cho biết không ít người bị sỏi thận hoặc có tiền sử sỏi thận nhưng ít đau đớn gây hiểu lầm tình trạng sỏi đã tốt lên và không đến viện điều trị. trong khi đó, sỏi vẫn âm thầm tàn phá trong thời gian dài, khiến thận bị suy yếu hoặc mất chức năng hoàn toàn, buộc phải cắt bỏ thận.
Sỏi san hô có hình dạng đặc biệt, gai góc tương tự như cây san hô. Quá trình hình thành sỏi thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng. Khi sỏi san hô có kích thước lớn, người bệnh có triệu chứng đau lưng, âm ỉ, dai dẳng, có thể đi tiểu gắt hoặc nước tiểu có máu. Nếu không điều trị, sỏi san hô sẽ làm suy giảm chức năng của thận bên có sỏi do thận ứ nước, nhiễm trùng...
Sỏi trong thận bệnh nhân được bác sĩ phẫu thuật lấy ra ngoài. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Đối với những viên sỏi kích thước lớn, bác sĩ phải có biện pháp can thiệp như tán sỏi, phẫu thuật để loại bỏ. Phẫu thuật loại bỏ sỏi làm giảm các triệu chứng, giúp khôi phục dòng chảy bình thường của nước tiểu.
Khi có dấu hiệu sỏi thận, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám, đánh giá kích thước, số lượng, vị trí của sỏi, từ đó có hướng điều trị phù hợp.
Sau điều trị sỏi thận, người bệnh cần có chế độ ăn uống lành mạnh, uống trên hai lít nước một ngày và đi khám định kỳ nhằm phát hiện sỏi thận tái phát hoặc các biến chứng, di chứng sau can thiệp.