Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Sóng gió không thể làm khó tôi đến với Trường Sa...

(MangYTe) Đó là điều mà nhà báo Nguyễn Minh Trường - Báo Quân đội nhân dân chia sẻ về những chuyến hành trình ra Trường Sa.

Vừa qua với tác phẩm ảnh mang tên "Trường Sa ngày mới' đã đoạt Giải C tại Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ IV - năm 2019, nhà báo Minh Trường đã chia sẻ về chuyến hành trình dài ngày của mình để thực hiện những bức ảnh giàu cảm xúc ấy.

Thưa anh, với kinh nghiệm nhiều năm tác nghiệp, chắc hẳn đây không phải là lần đầu tiên anh đến với Trường Sa?

Đúng vậy, đây không phải lần đầu tôi đi Trường Sa, trước đó tôi có 2 chuyến công tác đi Trường Sa vào năm 2005 và năm 2012. Tuy nhiên năm 2019 vừa rồi lại là chuyến công tác đem lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất, bởi tôi thấy có rất nhiều sự đổi mới, từ những công trình được xây dựng khang trang, hiện đại, cây xanh được trồng nhiều hơn và các chiến sĩ và nhân dân tại nơi đây đã có một cuộc sống được cải thiện tốt hơn, đầy đủ hơn. Chuyến đi đã giúp tôi càng hiểu hơn về biển đảo, cuộc sống của những chiến sĩ cũng như người dân ngoài đó. Qua tác phẩm của mình, tôi luôn nhắc nhở bản thân phải nỗ lực truyền tải thật nhiều thông tin, hình ảnh nơi "đầu sóng" tới cho bạn đọc cả nước.

Nỗ lực ấy dường như đã đền đáp. Với đứa con tinh thần mang tên "Trường Sa ngày mới", anh muốn truyền tải tới bạn đọc thông điệp gì, thưa nhà báo?

Đúng như tên gọi của tác phẩm, tôi muốn mang đến cho công chúng một góc nhìn thật mới mẻ về Trường Sa với những đổi thay tươi mới từng ngày. Ở tác phẩm tôi gửi dự thi bao gồm 10 ảnh, mỗi ảnh là hoạt động cụ thể được diễn ra tại các đảo Sinh Tồn Đông, Nam Yết, Sơn Ca và Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ngày xưa cuộc sống ở trên các đảo rất thiếu thốn và khó khăn, nhưng nay đã thấy nơi đây thực sự đổi thay rất lớn, đầy sức sống và màu sắc tươi mới hơn rất nhiều.

Vì vậy, ra Trường Sa công tác lần này, chúng tôi đều có chung cảm nhận, đảo nhỏ giữa bốn bề sóng vỗ, nhưng cuộc sống thực sự đã đổi thay rất lớn. Sức sống đang tràn trề với quân, dân trên quần đảo giữa trùng khơi – một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Xuân mới đã đến, trên khắp các đảo nổi, đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa; cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng ngoài đảo đang ra sức thi đua lập nhiều thành tích xuất sắc “Mừng Đảng, mừng Xuân” kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2) và đón chào Xuân mới Kỷ Hợi năm 2019. 

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự đùm bọc của nhân dân, nhất là những năm gần đây, Trường Sa đã thay da đổi thịt. 100% các đảo nổi, đảo chìm có điện thắp sáng bằng máy phát, pin năng lượng mặt trời, điện gió, phủ sóng Đài Truyền hình Việt Nam và sóng điện thoại di động. Tất cả các đảo đều được bê tông hóa kiên cố sạch đẹp; đặc biệt trên các nổi có rất nhiều cây xanh, phủ bóng mát cho toàn đảo. Cán bộ, chiến sĩ trên các đảo đều là những đảng viên, đoàn viên ưu tú, cơ bản đã được học qua lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, được lựa chọn từ các đơn vị trong đất liền và phần nhiều là tình nguyện ra đảo; 100% yên tâm công tác, xác định “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Ngoài nhiệm vụ canh giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, họ còn là điểm tựa cho ngư dân trong đất liền ra đánh bắt thủy hải sản xa bờ.

Không chỉ say sóng, tôi có cảm giác chuyến công tác lần thứ ba này dường như anh đã "say" Trường Sa thì phải?

Hành trình đi Trường Sa luôn dài ngày và mệt mỏi vì say sóng. Những lần trước tôi đi đều vào tháng tư, biển rất êm đềm và nhẹ nhàng. Lần thực hiện tác phẩm này diễn ra vào tháng một, khác ở chỗ sóng rất to và gió lớn, cùng với đó thời gian lênh đênh trên biển thật là sâu thăm thẳm, tôi cũng như các thành viên trên tàu đều say sóng. Những đợt sóng cuồn cuộn làm các thành viên của đoàn say sóng muốn xỉu luôn nhưng có lẽ tình yêu hòa chung với nhịp đập con tim đã làm cho mỗi phóng viên chúng tôi "say" và càng muốn háo hức đến thật nhanh để khám phá cũng như cá nhân tôi rất muốn quay trở lại để xem những đổi thay về cuộc sống tại nơi đó.

Có rất nhiều kỷ niệm, vậy đâu là khoảnh khắc trong chuyến đi mà anh nhớ nhất?

Khoảnh khắc ấy đã được tôi gửi gắm trong bức ảnh thứ hai với chú thích ảnh là “Cán bộ, chiến sĩ dầm mình giữa trùng khơi phân luồng dẫn đoàn công tác vào đảo” khi đoàn công tác di chuyển đến đảo thứ ba là đảo Sơn Ca. Khi thấy rằng thuyền mình còn ở xa không vào được bờ do lúc này đang là thời điểm thủy triều xuống, nếu không cẩn thận tàu sẽ bị mắc cạn, thời khắc đó các bộ đội Hải quân đã dầm mình lội nước ra rất xa để đưa chúng tôi vào bến an toàn. Sự nhiệt tình và thái độ niềm nở, nụ cười rạng rỡ trên từng khuôn mặt các chiến sĩ đã khiến cho các thành viên của đoàn công tác rất cảm động, và đó là khoảnh khắc tôi không bao giờ quên.

Với Trường Sa, mùi cát, hương gió mặn của biển, các hoạt động lễ hội, tiếng cười nô đùa trẻ nhỏ tại đảo, sự gắn bó keo sơn và niềm vui chung của bộ đội hải quân với nhân dân,... những khoảnh khắc khó quên thật ấm áp đó tại Trường Sa đã làm tôi càng thấy yêu và gắn bó với nơi này. Cùng với đó tôi tự nhắc nhở bản thân mình phải có trách nhiệm với nghề góp sức giữ gìn biển đảo từng tấc đất, và với việc truyền tải về đất liền những thông điệp qua chữ viết, hình ảnh sẽ tiếp thêm sức mạnh góp phần xây dựng quân đội nhân dân vững mạnh hơn, vững tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong phóng sự ảnh, bức ảnh cuối cùng anh chụp là hình ảnh Quân, dân nô nức đi lễ chùa, với những đứa trẻ nô đùa đầy sức sống. Hình ảnh này có sức gợi, cứ khiến tôi nghĩ đến mãi, vì sao anh lựa chọn là bức ảnh kết thúc tác phẩm?

Đó là chủ ý của tôi, với bức này tại đảo Song Tử Tây tôi cố gắng chụp ảnh theo chiều dọc để tạo điểm nhấn cho tác phẩm, các hoạt động ở trên đảo cũng rất sôi nổi và tươi vui không thua kém gì đất liền. Vào dịp Tết, hình ảnh quân đội và nhân dân cùng nhau đi lễ chùa, tổ chức các hoạt động lễ hội cũng để lại dấu ấn đáng nhớ. Sau khi xem qua tác phẩm trên, người đọc có thể thấy được tình đoàn kết quân dân được thắt chặt, được sự quan tâm sát sao của Đảng và Nhà nước, từ đó sẽ tạo được sức mạnh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Vâng, xin cảm ơn anh! 

Huy Hoàng (Thực hiện)

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/song-gio-khong-the-lam-kho-toi-den-voi-truong-sa-post73193.html)

Tin cùng nội dung

  • Sang ngày thứ 7, tàu của chúng tôi chính thức đặt chân lên Cô Lin, điểm đảo chỉ nhỏ như một vết chấm trên bản đồ, song đã đi vào lịch sử nước nhà
  • Mình hiểu tâm trạng của một người vợ cảnh sát biển đang công tác tại nơi đầu sóng ngọn gió, nơi Trường Sa thân yêu
  • Người càng hiểu biết càng điềm đạm, chín chắn và sâu sắc trước một biến cố. Ngược lại, người càng nông cạn càng tỏ ra hiếu chiến và phản ứng dữ dội theo một chiều hướng mà có thể đúng hoặc sai.
  • Nhà báo Hoàng Thảo Minh tâm sự: “Chúng tôi không hề ép buộc các con điều gì. Tất cả đều từ sở thích và khả năng của các cháu.
  • Ngay trước hôm mổ, tôi phát hiện bệnh nhân đó là phóng viên của tờ báo đã đăng cả loạt bài về tôi. Tôi quyết định không mổ cho nhà báo đó. Tôi đã nói thẳng mọi chuyện với anh ta và thân nhân. Tôi chọn giải pháp ít xấu nhất cho mình, và cả cho bệnh nhân..
  • Ðầu tư cho y tế cơ sở (bao gồm y tế tuyến xã, phường, thị trấn và y tế thôn, bản) gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế dự phòng là chiến lược chăm sóc sức khỏe đỡ tốn kém
  • Khi bước chân lên đảo Song Tử Tây, một hòn đảo lớn ngự phía cực Bắc quần đảo Trường Sa, điều đầu tiên khiến tôi reo lên một cách ngỡ ngàng...
  • Giữa muôn trùng sóng gió, quân và dân huyện đảo Trường Sa vẫn tràn đầy niềm tin canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
  • Vượt ra ngoài ranh giới của Thánh địa Mỹ Sơn, của văn hóa Chăm, khèn Saranai đã đến với mảnh đất Trường Sa hết sức tình cờ. Chính sự tình cờ này đã tạo nên một món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa và đặc biệt.
  • Cán bộ Trạm Khí tượng hải văn Trường Sa Lớn là những người không thể thiếu trong việc góp phần giúp ngư dân yên tâm bám biển
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY