Pháp luật hôm nay

Suýt ẵm 507 tỷ tiền thuế

Việc báo lỗ triền miên của Công ty TNHH Metro Cash Carry Vietnam (Metro Việt Nam) đã buộc Thanh tra của Tổng cục Thuế phải vào cuộc.

Việc báo lỗ triền miên của Công ty TNHH Metro Cash & Carry Vietnam (Metro Việt Nam) đã buộc Thanh tra của Tổng cục Thuế phải vào cuộc. Qua thanh kiểm tra chống chuyển giá tại Metro Việt Nam, cơ quan thuế đã phát hiện nhiều vi phạm và đề nghị truy thu thuế với số tiền lên tới 507 tỷ đồng nộp vào ngân sách Nhà nước.

Vạch trần vi phạm

Theo kết luận của Thanh tra Tổng cục Thuế, Metro Việt Nam bắt đầu đi vào kinh doanh từ ngày 28/3/2002 với số vốn ban đầu là 120 triệu USD, vốn pháp định 36 triệu USD. Trải qua 6 lần thay đổi giấy phép, tổng vốn đầu tư bổ sung đến tháng 5/2013 là hơn 301 triệu USD. Mạng lưới hệ thống bao gồm 1 trụ sở chính, 15 chi nhánh (bao gồm 19 trung tâm) và 1 kho trung chuyển trải dọc 16 tỉnh, thành cả nước. Tuy nhiên, từ năm 2002 đến 2013, đơn vị này kê khai lỗ với tổng số tiền 1.657 tỷ đồng và chỉ duy nhất 1 năm lãi 173 tỷ đồng. Qua thanh tra đã yêu cầu công ty điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu tổng số tiền 507 tỷ đồng.

Cụ thể, khoản thứ nhất Thanh tra Thuế buộc điều chỉnh thuế nhà thầu nước ngoài đối với các khoản chi phí bồi hoàn tiền trả lương cho Công ty Metro Cash & Carry Đức để trả cho các nhân viên nước ngoài làm tại Metro Việt Nam là 62 tỷ đồng. Thứ hai, điều chỉnh giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào đối với khoản tiền thu hỗ trợ quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi từ nhà cung cấp (như chi phí in mã vạch, vận chuyển, lắp đặt sản phẩm…). Các khoản thu này đã không được kê khai nộp thuế GTGT với tổng số tiền 110 tỷ đồng. Thứ ba, buộc điều chỉnh giảm lỗ đối với khoản chi phí nhượng quyền thương mại, chi phí không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho, chi phí trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi chưa đảm bảo điều kiện thủ tục là 335 tỷ đồng.

Trong 3 khoản trên, đáng chú ý nhất nằm ở khoản tiền 335 tỷ đồng được xác định là hành vi chuyển giá. Thủ đoạn của Metro Việt Nam là thực hiện giao dịch liên kết với công ty mẹ. Cụ thể, chi phí nhượng quyền thương mại giai đoạn 2001 - 2013 lên tới 731 tỷ đồng. Thanh tra đã bóc tách và loại khỏi chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi phí nhượng quyền thương mại cho Công ty Metro AG (Đức) số tiền 7,5 tỷ đồng trong năm 2012 - 2013. Tiếp đó, Thanh tra phát hiện trong vòng 3 năm, Metro Việt Nam đã cố tình không đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với Bộ Công Thương nhưng vẫn đưa vào hạch toán chi phí này. Từ đó, Thanh tra Thuế buộc phải điều chỉnh giảm chi phí này với số tiền 245 tỷ đồng. Cùng với đó, Thanh tra cũng buộc truy thu thuế hàng tỷ đồng khi Metro Việt Nam nộp thay nhà thầu nước ngoài năm 2012 - 2013 đối với khoản chi lương, thưởng và phụ cấp cho các chuyên gia, lãnh đạo nước ngoài…

Chớ “thả gà ra đuổi”

Nghi án chuyển giá tại Metro Việt Nam được đặt ra khi công ty liên tục báo lỗ nhưng vẫn tiếp tục mở rộng mạng lưới. Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị cho biết, trong vấn đề doanh nghiệp không đóng thuế suốt một thời gian dài, sai lầm của chúng ta là không tổ chức điều tra sớm. Metro đã vào đây hơn chục năm, đến bây giờ mới “thả gà ra đuổi” nhưng nếu không sớm có ràng buộc gì thì họ sẽ rút rất nhanh. Không quá khi nói rằng Việt Nam đã mất cả chì lẫn chài khi cùng lúc ưu đãi mời gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này khiến thị trường của doanh nghiệp nội địa bị ảnh hưởng dẫn đến sản xuất trong nước gặp khó cùng lúc lại không thu lợi cho ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế.

Trao đổi về vụ việc này, ông Nguyễn Đẩu - Phó Chánh thanh tra Tổng cục Thuế cho biết, trong quá trình thanh tra, cơ quan thuế đã phát hiện một số vấn đề của Metro Việt Nam, trong đó đáng kể là vấn đề nhượng quyền thương mại. Cụ thể, trong giai đoạn 2006-2009, Metro vẫn chưa có giấy phép của Bộ Công Thương về nhượng quyền. Thế nhưng Metro Việt Nam vẫn thực hiện bồi hoàn, chi trả cho công ty liên kết tại Đức và chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Khi cơ quan Thuế thanh tra, Metro không chứng minh được thủ tục đầy đủ.

Liên quan đến vấn đề trong suốt một thời gian dài (từ 2002 - 2011), dù đã thực hiện nhiều đợt kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế của Metro Việt Nam nhưng không phát hiện ra những sai sót, những con số bất hợp lý khiến dư luận đặt dấu hỏi, theo ông Nguyễn Đẩu, nguyên nhân nằm ở luật. “Như vấn đề nhượng quyền thương mại, ví dụ tại Đức, công ty mẹ không được phép nhượng quyền cho công ty con. Nhưng Việt Nam vẫn cho phép vì vậy, không thể cấm được doanh nghiệp nhượng quyền. Sau vụ Metro, cơ quan thuế cũng rút ra được bài học: nếu không quy định tỷ lệ nhất định nào đấy, các công ty sẽ chuyển nhượng lung tung”, ông Đẩu chia sẻ.

Khi được hỏi, Metro Việt Nam đã thua lỗ trong thời gian dài nhưng tại sao đến năm 2014, ngành thuế mới thanh tra toàn diện, ông Đẩu cho biết, việc thanh tra các công ty này do đơn vị quản lý làm. Với Metro, khi dư luận xôn xao rằng Metro Việt Nam sẽ được bán cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan với mức giá 879 triệu USD, cơ quan thuế mới quyết định thanh tra toàn diện.

Tuấn Phong

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-suyt-am-507-ty-tien-thue-10170.html)
Từ khóa: tiền thuế

Chủ đề liên quan:

tiền thuế

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY