Tr. T. T. Tr. (28 tuổi, Hà Nội) chia sẻ trên trang tiktok cá nhân của mình, vào ngày 31/5, Tr. đi tắm nước ấm lúc 23h30 tối rồi đi ngủ trong phòng bật máy lạnh. “Lúc tắm xong mình cảm giác mắt bên phải không khép được hết nhưng mình đã nghĩ là do mỏi mắt nên nhỏ thuốc mắt rồi đi ngủ tiếp. Sáng hôm sau ngủ dậy vào đánh răng thì mình phát hiện một bên mặt bị cứng đờ không thể hoạt động được”, Tr. cho biết.
Vào giai đoạn sau khi bị liệt nửa mặt, Tr. kể về những khó khăn của mình: “Mình không nhai được hàm bên phải, môi không hoạt động được nên thức ăn bị mắc trong hàm. Uống nước cũng bị chảy ra nên phải uống bằng ống hút và uống từng ít một. Đánh răng cũng phải dùng tay bóp môi bên phải lại thì mới súc miệng được. Nói chuyện cũng bị khó nghe hơn do khẩu hình miệng. Cũng vì không chớp mắt được nên mắt bên phải rất khô cay và luôn trong tình trạng đỏ, chảy nước mắt".
Giải thích về vấn đề liên quan đến dây thần kinh số 7, bác sĩ - Ths.Bs. Nguyễn Mạnh Hùng (khoa Phẫu thuật thần kinh - BV Đa khoa Xanh Pôn) cho biết: “Liệt VII có 2 loại: Liệt VII trung ương và liệt VII ngoại biên.
Liệt VII trung ương: nguyên nhân có thể do tai biến mạch não (nhồi máu não hoặc xuất huyết não), u não, áp xe não…
Liệt VII ngoại biên: Do u góc cầu tiểu não, do chấn thương, vết thương, tổn thương sau phẫu thuật vùng có liên quan đến dây VII do virus, chưa xác định được nguyên nhân (các trường hợp liệt mặt ngoại biên chưa xác định được nguyên nhân thì có nhiều giả thiết về cơ chế bệnh sinh: theo tây y: do phản ứng viêm – theo đông y: do chứng hàn (do lạnh)”.
Tuy nhiên, theo bác sĩ, hiện nay chưa có cơ sở khoa học để kết luận về việc tắm đêm có liên quan đến liệt mặt.
Đồng thời, khi nghe về những bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 sau khi tắm đêm, bác sĩ hùng cũng đã đưa ra những giải pháp tránh nguy cơ liệt dây thần kinh số 7:
Với những nguyên nhân không thể tránh và nhóm bệnh nhân liệt VII chưa xác định nguyên nhân: Không có giải pháp nào phòng tránh, cần tập trung vào phát hiện sớm và điều trị tối ưu.
Với nhóm liệt mặt trung ương liên quan đến nguyên nhân tai biến mạch não: Điều trị dự phòng tốt các yếu tố nguy cơ tai biến: tiểu đường, HA, mỡ máu… Tầm soát các nguyên nhân, yếu tố nguy cơ tai biến mạch não khác: dị dạng mạch máu não, u não và có kế hoạch điều trị. Trường hợp BN đã bị tai biến có liệt mặt cần tập trung điều trị, giảm thiểu di chứng và tăng khả năng hồi phục.
Liên quan đến liệt VII do u góc cầu: phát hiện sớm phẫu thuật kịp thời, phẫu thuật sử dụng phương tiện hiện đại theo dõi thần kinh trong mổ, giúp hạn chế tổn thương gây liệt thần kinh VII và bảo tồn chức năng dây VII.
Liệt vii ngoại biên do chấn thương, vết thương: bn cần được theo dõi, phát hiện sớm tại các cơ sở chuyên khoa về thần kinh để được phát hiện sớm, thực hiện điều trị và can thiệp kịp thời để giúp tăng cơ hội hồi phục, giảm di chứng liệt mặt.
Với các trường hợp liệt VII không rõ nguyên nhân, không có giải pháp phòng tránh nhưng hiện tại phối hợp điều trị tây y và đông y, kết quả hồi phục đạt khoảng 70-80%.
Viêm kết mạc, viêm giác mạc, loét giác mạc, lộn mí. Các biến chứng này có thể phòng tránh bằng nhỏ mắt bảo vệ, đeo kính, khâu sụn mí hoàn toàn hay một phần.
Co thắt nửa mặt sau liệt mặt: Biến chứng này gặp ở các thể nặng do tổn thương dây thần kinh với phân bố lại thần kinh một phần.
Đồng vận: Biểu hiện co cơ không tự chủ phối hợp với các hoạt động tự chủ như mép bị kéo khi nhắm mắt. Thất bại trong điều trị, phục hồi chức năng có thể giảm bớt khó chịu này.
Hội chứng nước mắt cá sấu: Hiếm gặp, biểu hiện chảy nước mắt khi ăn.