Chiều 27-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP HCM, cho biết: "Ban Giám đốc Công an TP đánh giá cao những điều tra của Báo Người Lao Động và sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng xác minh, điều tra những sai phạm mà báo nêu".
Trước đó, liên quan đến loạt bài "Thâm nhập thế giới làm đẹp" do Báo Người Lao Động thực hiện, ngay buổi sáng 25-12, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế TP HCM đề nghị khẩn trương xem xét, xác minh những thông tin được nêu trong nội dung bài báo. Ngay sau đó, Sở Y tế TP đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế và UBND TP HCM.
Theo báo cáo, cuối tháng 11-2019, Thanh tra Sở Y tế phối hợp Công an TP HCM xác minh hoạt động khám chữa bệnh tại phòng P7-30-10 và P7-34-15 chung cư Vinhomes Central Park (đường Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh) do bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền làm chủ. Tại đây phát hiện một số Thu*c không có nguồn gốc, xuất xứ, Thu*c hướng thần, gây nghiện... Đặc biệt, còn phát hiện tại cơ sở tàng trữ một khẩu súng bằng kim loại nên đã thu giữ, bàn giao cho Công an quận Bình Thạnh.
Làm việc với đoàn kiểm tra, bà Tuyền cung cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh do bộ trưởng Bộ Y tế cấp, chứng chỉ hành nghề do giám đốc Sở Y tế TP HCM cấp. Tuy nhiên, cơ quan chức năng xác định có dấu hiệu giả mạo chữ ký, mẫu. Vụ việc đã chuyển Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh. Thời điểm hiện nay, cơ sở bà Tuyền đã ngưng hoạt động.
Đối với cơ sở Thẩm mỹ viện Linh Anh (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3), trong năm 2018 và 2019, Sở Y tế và phòng y tế quận đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính với hành vi không thực hiện trực khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; quảng cáo khám bệnh, chữa bệnh chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung.
Riêng tại cơ sở không tên tại căn hộ chung cư Prosper Plaza (22/14 Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM), Sở Y tế phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương và Phòng Y tế quận 12 tiến hành kiểm tra nhưng hiện chưa phát hiện có cơ sở hoạt động khám chữa bệnh không phép. Thanh tra Sở Y tế đã đề nghị UBND quận 12 tiếp tục chỉ đạo Phòng Y tế và các cơ quan chức năng trên địa bàn giám sát, nếu phát hiện có vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Liên quan đến việc 2 bác sĩ (BS) thẩm mỹ Đ.P.Đ và V.T.T.N của Bệnh viện (BV) Trưng Vương tổ chức hội thảo, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật tiêm filler, "mách nhỏ" sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu khi xảy ra sự cố, biến chứng… (phản ánh trong loạt bài này - PV), BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV Trưng Vương, cho biết đã xác nhận được 2 BS này. Trước mắt, yêu cầu cả hai viết giải trình rồi sẽ báo cáo lên Sở Y tế TP HCM.
Nói về việc bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền gọi điện thoại đe dọa phóng viên ngay khi bài viết đang khởi đăng cũng như việc đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở thẩm mỹ của bà Tuyền có súng, Trung tướng Lê Đông Phong khẳng định: "Chúng tôi sẽ làm việc với những đối tượng có hành vi không đúng, nếu sai phạm thì xử lý nghiêm".
Theo luật sư (LS) Huỳnh Ái Chân (Đoàn LS TP HCM), từ tư liệu của phóng viên cung cấp về những lời đe dọa của bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền, có thể thấy bà Tuyền đã có hành vi đe dọa người khác. Hành vi này được hiểu là đe dọa Gi*t người được quy định tại điều 133 Bộ Luật Hình sự.
Về mặt khách quan của tội này, hành vi đe dọa có thể thực hiện bằng lời nói, hành động, cử chỉ... không nhằm mục đích Gi*t người bị hại mà chỉ nhằm làm người bị hại phải lo lắng, sợ hãi, hình thành trong tư tưởng rằng người phạm tội sẽ thực hiện hành vi Gi*t người bị hại như đã đe dọa.
"Phóng viên có thể làm đơn trình báo sự việc và yêu cầu được bảo vệ; đồng thời, xem xét làm rõ động cơ, mục đích của những lời đe dọa nếu việc đe dọa lặp lại nhiều lần gây hoảng loạn về mặt tinh thần. Về việc phát hiện súng tại cơ sở thẩm mỹ, nếu súng được tàng trữ trong phòng khám là vũ khí hoặc công cụ hỗ trợ thì sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật" - LS Huỳnh Ái Chân nói.
Phân tích về trách nhiệm quản lý của các cơ quan liên quan, LS Võ Đan Mạch (Đoàn LS TP HCM) cho rằng: "Từ những sự cố đau lòng trong thời gian vừa qua, có thể thấy trách nhiệm được đặt ra đối với các cơ quan, ban ngành trong lĩnh vực y tế nói chung và các cơ quan có trách nhiệm hỗ trợ, phối hợp là rất quan trọng. Đối với trách nhiệm thì các quy định hiện hành đã điều chỉnh khá rõ. Vấn đề là làm thế nào để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động của các dịch vụ, cơ sở thẩm mỹ".
Theo LS Võ Đan Mạch, giải pháp trước mắt là Sở Y tế và các cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các BV thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (kể cả có phép và không phép) để kịp thời xử lý và ngăn chặn những cơ sở cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh không phép; quảng cáo không đúng quy định; chăm sóc da nhưng thực hiện dịch vụ xâm lấn trá hình; liên kết với các BS chạy "sô", mổ "dạo", mổ "chui"...
"Các cơ quan chức năng liên quan cần đề xuất thay đổi, sửa luật ngay hòng "bịt" những lỗ hổng các quy định của pháp luật để việc quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn. Cũng cần thay đổi cách thức tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, hiểu biết của người dân. Nếu chỉ tuyên truyền trên trang web của Sở Y tế thì chưa đủ, vì có bao nhiêu người biết để vào đó? Nhu cầu làm đẹp tăng cao, thị trường làm đẹp bát nháo. Trách nhiệm của cơ quan quản lý là làm sao cho người dân hiểu và biết "gạn đục khơi trong" bởi suy cho cùng, không ai bảo vệ bản thân an toàn bằng chính mình. Khi nhận thức của người dân nâng cao, các cơ sở không tốt, làm chui sẽ tự nhiên biến mất" - LS Võ Đan Mạch phân tích.
TS-BS Lê Hành, Chủ tịch Hội Thẩm mỹ Việt Nam, cho rằng thực tế trong ngành y, tai biến, biến chứng là điều chắc chắn xảy ra. Tuy vậy, đối với những người hành nghề thẩm mỹ, nếu làm đúng quy trình thì sự cố không nặng. Vấn đề đáng báo động là y đức trong phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) quá bị xem nhẹ. Sau lưng BS thẩm mỹ còn có những nhà tài trợ. Tiền nhiều đã đẩy BS thẩm mỹ đi chệch con đường.
BS Lê Hành đưa ra nhiều cảnh báo đáng ngại. Đó là nhóm BS thẩm mỹ không có giấy phép hành nghề; thị trường quảng cáo thẩm mỹ (cả con người và sản phẩm) loạn; không học thẩm mỹ vẫn đứng lớp giảng dạy...
Còn theo BS Lưu Kính Khương, Trưởng Khoa Gây mê - Hồi sức BV Nhân dân 115, BV tiếp nhận nhiều ca tai biến từ các BV, cơ sở thẩm mỹ chuyển qua thường ở giai đoạn muộn, do sốc phản vệ với các Thu*c đã dùng hoặc ngộ độc Thu*c tê hoặc có những bệnh lý nội khoa kèm theo mà không được phát hiện...
Đề cập về những lưu ý khi đi làm PTTM, PGS-TS-BS cao cấp Đỗ Quang Hùng - Trưởng Khoa Tạo hình thẩm mỹ BV Chợ Rẫy, Tổng Thư ký Hội PTTM TP HCM - cảnh báo không nên dựa vào website mạng xã hội để tìm địa chỉ làm PTTM. Nên đến các BV trung tâm, BV đa khoa có chuyên khoa PTTM. Tìm hiểu kỹ BS sẽ phẫu thuật (tên, bao nhiêu năm trong nghề tạo hình thẩm mỹ, kỹ thuật chuyên môn đã được đào tạo và thực hành trong cuộc đời của BS thẩm mỹ). Khi cần thiết, nên xem xét các giấy tờ được nhà nước công nhận chính thức. Đừng để các giấy tờ của các hội nghị ở nước ngoài làm mờ mắt mình...
Giới chuyên môn cũng lưu ý phải phân biệt thẩm mỹ viện khác phòng khám PTTM được Sở Y tế công nhận có chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động. Có quyền yêu cầu chủ phòng khám PTTM trình chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động với hình ảnh kèm theo. Danh sách các cơ sở thẩm mỹ được cấp phép luôn cập nhật thường xuyên trên website của Sở Y tế.