GD&TĐ - Chứng kiến cảnh học sinh bị hỏng xe đạp, phải dắt bộ về nhà và nhiều em loay hoay khi đồ dùng học tập, đồ cá nhân bị hỏng, thầy giáo ở Lào Cai quyết định “mở quán” trong trường để giúp đỡ học trò. Thầy Toàn dán đế giày cho học sinh. Ảnh: NVCC
Dòng tin nhắn giản dị 20 năm gắn bó với nghề, thầy Nguyễn Đức Toàn (giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng, TP Lào Cai, Lào Cai) đã chứng kiến biết bao thế hệ học sinh “đến và đi” dưới mái trường, rồi đỗ đạt, trưởng thành. Và cũng ngần ấy thời gian, thầy chứng kiến cảnh học sinh trong trường bị hỏng xe hay đồ dùng học tập bị hỏng mà các em không tự khắc phục được.
Thầy Toàn chia sẻ: “Nhiều hôm tôi thấy cảnh học sinh bị hỏng xe đạp và phải dắt bộ về nhà. Thương nhất những hôm nắng gắt hay trời đổ mưa nên tôi nảy ra ý tưởng mở quán trong trường để sửa giúp”.
Nghĩ là làm, sau khi đề xuất và nhận được sự ủng hộ của nhà trường, thầy Toàn mua một số dụng cụ như: Cờ lê, mỏ lết, bơm xe, kìm, kéo, băng dính, keo dán, kim, chỉ... để phục vụ khi “quán nhỏ” đi vào hoạt động.
Nói là “quán nhỏ” nhưng thực chất là một góc của sân trường với một số đồ nghề sửa chữa. Phía trước có treo tấm biển với nội dung: “Thầy Toàn - Sửa xe đạp, đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân cho học sinh miễn phí”.
“Tôi xin địa điểm nằm ở góc sân trường để khi học sinh nào có việc cần giúp đỡ có thể nhìn thấy thầy ngay”, thầy Toàn nói.
Cô Hoàng Thị Hương Giang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sau khi thầy Toàn đề xuất ý tưởng, thấy đây là mô hình, việc làm có ý nghĩa nên ban giám hiệu đồng thuận cao và nhiệt tình ủng hộ.
“Hôm nay đẹp ngày, thầy Toàn khai trương cái quán nhỏ - đặt trước cửa văn phòng, sau sẽ chuyển sang đầu nhà để xe. Kính mong các bậc phụ huynh thông báo đến con em mình nếu cần giúp đỡ thì giờ ra chơi và sau giờ tan học về ra quán của thầy, thầy giúp! Hân hạnh được giúp đỡ” - dòng tin nhắn thông báo giản dị đến từ thầy Toàn khiến nhiều phụ huynh, học sinh cảm thấy ấm lòng.
Ngoài thông báo cho học sinh biết, thầy Toàn còn nhắn gửi đến phụ huynh để dặn dò con em mình đến gặp khi cần hỗ trợ. Đó là những lúc thầy rảnh, trò cũng không bận việc học. Bất cứ sự cố nào về phương tiện hay đồ dùng cá nhân của học sinh hư hỏng, thầy giúp cả.
Không chuyên có thể học Việc lập “quán nhỏ” sửa chữa đồ cho học sinh trong trường không mất quá nhiều thời gian của thầy Toàn. Nó cũng không ảnh hưởng đến công việc chuyên môn. “Tôi dạy Thể dục nên hầu như ngày nào cũng có tiết. Thường thì tôi tranh thủ 2 khung giờ để “vận hành quán”: Đó là lúc ra chơi và sau mỗi buổi học. Giờ ra chơi tôi tranh thủ 20 phút ngắn ngủi để nhận sửa chữa giúp các em. Nếu sự cố lớn, phức tạp, không sửa kịp, tôi sẽ hẹn các em sau giờ tan học buổi chiều”, thầy Toàn nói.
Mặc dù không chuyên nghề sửa chữa nhưng theo thầy Toàn, điều gì chưa biết có thể học. Từ suy nghĩ đó, thầy đã tự học hỏi, mày mò để có thể vá xăm, sửa phanh, thay nhông xích.
Tiếng là “Quán sửa xe”, song từ ngày khai trương đến giờ, “chủ quán” Nguyễn Đức Toàn đã kiêm luôn cả việc thông tắc mực bút cho trò, rồi dán giầy, khâu cúc áo... “Mới đây, tôi xin được một chiếc máy khâu. Sang tuần có thể bổ sung cho quán được rồi. Lúc đó, mình có thể may, khâu vá cho những học sinh chẳng may rách quần, áo, cặp sách. Dù không có chuyên môn cao, song mình cũng có khả năng sử dụng máy khâu cơ bản”, thầy Toàn phấn khởi nói.
Không dừng lại ở đó, thầy Toàn cũng đang “thai nghén” ý tưởng hình thành một câu lạc bộ, rồi sẽ kết nạp thêm nhiều thành viên mới. Đối tượng mà thầy hướng tới đó là học sinh các khối lớp 4 và 5. Những thành viên này sẽ đảm đương các phần việc dễ như: Hỗ trợ sửa bút, thông mực… cho các bạn chưa biết và cả em ở lớp nhỏ hơn. Hoạt động trên được tổ chức chỉ với mong muốn học sinh hỗ trợ lẫn nhau, tạo môi trường đoàn kết, thân thiện. Qua đó, giáo dục học sinh kỹ năng sống và biết cách lan tỏa tình yêu thương.
“Tôi rất vui khi học sinh tin tưởng, biết đến và nhận được nhiều “đơn hàng” nhờ giúp đỡ. Biết đến quán của tôi, nhiều phụ huynh cũng có nhã ý ủng hộ các đồ dùng phục vụ cho việc sửa chữa”, thầy Toàn chia sẻ.
Từng được thầy Toàn sửa xe giúp, em Nguyễn Thị Kim Ngân, học sinh lớp 2A2 tâm sự: Thầy không chỉ dạy em cách tham gia giao thông an toàn mà còn sửa xe giúp em. Không có thầy, em phải dắt xe về nhà vì không có quán sửa xe gần đó.