Bệnh nhân COVID-19 nặng hồi phục tốt, được ra viện. Ảnh: Đặng Thanh
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vừa công bố khỏi bệnh cho 2 ca bệnh COVID-19 từng diễn biến rất nguy kịch; các bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe tốt, được ra viện.
Bệnh nhân thứ nhất là H.T.L, nữ, 53 tuổi, ở địa chỉ Hữu Lũng, Lạng Sơn. Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 28/5, với các biểu hiện sốt cao liên tục, ho khan, khó thở tăng dần.
Sau 4 ngày điều trị ở tuyến dưới bệnh nhân tiến triển nặng và được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào ngày 1/6.
Tại khoa Cấp cứu, mặc dù bệnh nhân đã được thở oxy lưu lượng cao qua máy HFNC với dòng khí oxy lên đến 50 lít/phút, nồng độ oxy cung cấp lên đến 95% nhưng bệnh nhân ngày một yếu hơn.
Đến 21 giờ ngày 3/6, bệnh nhân mệt nhiều, co kéo toàn bộ cơ hô hấp, đã được can thiệp đặt ống nội khí quản, sau đó được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực.
Tại khoa Hồi sức tích cực các bác sĩ thăm khám, đánh giá bệnh nhân chi tiết, tổng thể, với chẩn đoán suy hô hấp cấp, viêm phổi ARDS trên người mắc COVID 19. Bệnh nhân được can thiệp thở máy thông số kỹ thuật cao ARDS, đặt catheter tĩnh mạch, lọc máu hấp thụ Cytokin, sử dụng Thu*c vận mạch nâng huyết áp, Thu*c bổ trợ...
Qua lần lọc máu thứ nhất, bệnh nhân được can thiệp lọc máu tiếp tục các ngày từ 5- 9/6. Sau 5 lần lọc máu hấp thụ độc tố, chăm sóc tích cực, thở máy thông số kỹ thuật cao... Bệnh nhân có dấu hiệu tốt hơn, đã giảm được nồng độ oxy máy thở xuống 25%. Bệnh nhân tiếp tục được chăm sóc, theo dõi sát sao, điều trị các dấu hiệu loạn thần, kết hợp Thu*c bổ trợ, vitamin, vỗ rung, dẫn lưu tư thế giải phóng đờm ứ đọng sâu.
Đến ngày 12/6, sau 12 ngày thở máy và chăm sóc tích cực cùng 5 lần lọc máu hấp phụ độc tố bằng màng lọc đặc biệt; bệnh nhân tiến triển tốt lên rõ rệt, có khả năng ho khạc, thể trạng tốt. Các bác sĩ cho bệnh nhân thôi thở máy, sau bỏ máy thở, bệnh nhân được rút nội khí quản thành công, chuyển sang thở oxy kính. Sau rút ống thở bệnh nhân được đánh giá theo dõi tình trạng sát về dấu hiệu lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng.
Trong đêm 15/6, bệnh nhân lại có tình trạng mất máu tối cấp, chảy máu *m đ*o, bàng quang với số lượng nhiều, bác sĩ đã chỉ định truyền 500ml khối hồng cầu cấp cho bệnh nhân. Đồng thời áp dụng các biện pháp dùng Thu*c, nội soi bàng quang lấy máu cục, rửa bàng quang liên tục trong nhiều ngày liên tiếp.
Sau 3 ngày cấp cứu về tình trạng chảy máu, bệnh nhân đã tạm thời an toàn, tuy nhiên bệnh nhân còn mệt nhiều, da niêm mạc nhợt Hb dưới 110g/l.
Ngày 25/6, sau 10 ngày theo dõi, điều trị tích cực, can thiệp kịp thời, bệnh nhân đã thoát hỏi tình trạng nguy hiểm do mất máu, siêu âm ổ bụng bình thường, bệnh nhân cũng được bỏ oxy kính.
Đến ngày 2/7, sau 31 ngày nhập viện với tình trạng nguy kịch, bệnh nhân có sức khỏe tốt, tự đi lại bình thường, xét nghiệm âm tính 3 lần liên tiếp với SARS-CoV-2, bệnh nhân được cho ra viện, về tuyến cơ sở để tiếp tục dưỡng sức.
Bệnh nhân nặng thứ 2 là bệnh nhân nam T.V.Đ 74 tuổi, ở Lý Nhân, Hà Nam. Đây là ca bệnh nhân cao tuổi, nhiều bệnh lý nền, được chuyển tuyến cơ sở theo dõi điều trị tiếp sau 45 ngày hồi sức tích cực và xét nghiệm SARS-CoV-2 nhiều lần âm tính.
TS.BS Vũ Đình Phú, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Đến ngày 2/7, tại Khoa còn tổng số 26 bệnh nhân, trong đó 8 ca phải chạy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) trong số 22 ca thở máy, và 4 bệnh nhân thở oxy.
Chủ đề liên quan:
bệnh nhân COVID-19