Người dân đưa chó đi tiêm phòng bệnh Dại |
Thống kê trong năm 2019, cả nước có 77 trường hợp người Tu vong do bệnh dại, giảm 19 trường hợp so với năm 2018 (năm có 105 trường hợp). Số người phải đi điều trị dự phòng sau phơi nhiễm khoảng 400.000 người. Tính từ tháng 1/2020 đến nay, cả nước ghi nhận 4 ca bệnh dại trên người, tương đương cùng kỳ năm 2019.
Thực hiện công tác phòng chống bệnh dại, Cục Thú y đã tham mưu cho Bộ NN&PTNT cấp miễn phí 90.000 liều vaccine phòng bệnh dại trên động vật cho 24 tỉnh, TP tiến hành tiêm phòng cho đàn chó. Đồng thời, tổ chức tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm và tổ chức giám sát bệnh Dại tại tỉnh như: Nghệ An, Phú Thọ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kon Tum, Lào Cai,…
Theo Cục Thú y, tỷ lệ tiêm phòng Dại trên đàn chó có sự tăng mạnh, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đặt ra. Cụ thể, năm 2016: Đạt 38,5%; năm 2017: Đạt 51,0%; năm 2018: Đạt 55,0%; năm 2019: Đạt 46,0%. Trong đó, có 14/63 tỉnh, TP có tỷ lệ tiêm phòng trên 70% gồm: Hà Nội, Sơn La, Bắc Kạn, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Sóc Trăng.
Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh Dại tại TP Hồ Chí Minh; huyện Côn Đảo và TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Nhiều tỉnh, TP khác không có bệnh dại xuất hiện từ nhiều năm qua có thể xây dựng thành vùng an toàn dịch bệnh dại trong thời gian tới như quận Thanh Xuân (TP Hà Nội).
Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo giám sát các ca dại trên động vật từ các tỉnh, TP. Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để xác định các điểm nóng về bệnh dại.
Cùng với đó, tập trung triển khai các nội dung của “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017 - 2021”. Trọng tâm là tăng cường công tác quản lý đàn chó nuôi và tiêm phòng dại cho chó...