Nếu như mọi năm, giai đoạn nước rút này, học sinh lớp 12 đã hòm hòm kiến thức với khối thi ĐH của mình, thì năm nay các em "vắt chân lên cổ" học từ đầu thêm mấy môn. Điều đáng nói là việc thay đổi cách tính điểm môn thi ĐH của Bộ GD-ĐT đến đột ngột, chỉ cách kỳ thi mấy tháng, khiến nhiều học sinh không kịp chuẩn bị từ trước.
Đã có nhiều ý kiến trái chiều từ thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh, đa phần các ý kiến đều đồng tình với việc điều chỉnh kỳ thi là hợp lý sau 3 tháng bị gián đoạn việc học tập. Tuy nhiên, việc thay đổi này ít nhiều cũng gây sự hoang mang, lo lắng cho các học sinh về việc thời gian quá ngắn để thay đổi và ôn tập, đặc biệt là ôn tập thêm các môn để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp. Thiệt thòi với các thí sinh năm nay chính là sự ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 khiến thời gian học của các học sinh bị thu hẹp lại, nhiều bạn rơi vào trạng thái ngại học, giảm động lực. Vì thế, điều cần thiết với thí sinh bây giờ là vực dậy tinh thần chiến đấu và chuẩn bị một kế hoạch ôn tập phù hợp với những thay đổi mới để tự tin đối đầu với kỳ thi sẽ diễn ra vào tháng sắp tới.
Chia sẻ với phóng viên, em Minh Hoàng (Trường THPT Cầu Giấy, TP.Hà Nội) cho biết: "Khi xác định thi vào các trường ĐH em đã chủ động học và ôn thi ngay từ đầu, tuy nhiên việc ôn thi có phần cập rập vì thời gian quá ngắn so với các năm. Thêm nữa việc học ôn luyện thi trên truyền hình chúng em không học được vì không có tính tương tác, có nhiều lúc em toàn phải gọi điện thoại hỏi cô giáo hoặc tạo nhóm chat để trao đổi bài vở với các bạn trong thời gian nghỉ dịch COVID-19. Giờ đi học lại thì nhà trường cũng tạo điều kiện hết sức để học toàn bộ các môn lại, tăng cường các môn chính nhưng dù sao vẫn lo lắng vì với khoảng thời gian 2 tháng nữa chúng em khá lo lắng khi chưa ôn tập hết các kiến thức khi bước vào kỳ thi THPT 2020".
Theo thầy Nguyễn Văn Thắng - Phó hiệu trưởng Trường THPT Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ), hiện nay các công tác ôn luyện cho học sinh lớp 12 cũng đã vào giai đoạn nước rút. Nhà trường chỉ đạo các thầy cô giáo điều chỉnh kế hoạch ôn thi, xây dựng lại nội dung ôn tập cho các học sinh, mặt khác chỉ đạo tổ nhóm chuyên môn tập trung biên soạn 1 bộ tài liệu (bộ đề chung) bám theo đề của Bộ. Bên cạnh đấy, nhà trường cũng thường xuyên cung cấp thông tin, định hướng cho cho học sinh để các em có sự lựa chọn, ôn luyện cho phù hợp. "Ngay khi học sinh đi học lại, nhà trường đã tổ chức ôn thi theo nguyện vọng của các em học sinh, phân lớp sao cho phù hợp. Tổ chức thực hiện chương trình theo kế hoạch với hình thức vừa học vừa ôn, học đến đâu chắc đến đó. Các giáo viên cho học sinh làm các đề thi thử của Bộ GD-ĐT, do Sở GD-ĐT cung cấp và do giáo viên bộ môn xây dựng theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT".
Bày tỏ sự lo lắng về kỳ thi sắp tới, em Ngô Thiên Anh (Trường THPT Nguyễn Tất Thành, TP.Hà Nội) cho biết: "Điều khiến chúng em lo lắng nhất chính là cách tính điểm của các trường ĐH năm nay không xét theo 3 môn của khối thi nữa mà chỉ tính chung một điểm. Nếu tính điểm như việc xét tốt nghiệp THPT là 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn tổ hợp thì bọn em sẽ phải ôn thi 6 môn là Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lý, Hóa, Sinh. Còn nếu tính điểm từ môn Toán và tổ hợp tự nhiên thì bọn em sẽ phải ôn Toán, Lý, Hóa, Sinh. Điều này đã gây áp lực không nhỏ lên chúng em khiến việc học thật sự quá tải, không biết với 2 tháng học ôn chúng em có đủ điểm trung bình các môn học khác không".
Cô Lê Hoài Nga, giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, nhìn ở góc độ khác, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn cơ bản giữ ổn định cách thức thi cử như các năm trước. Đồng thời, các trường ĐH tự chủ tuyển sinh có nghĩa các trường vẫn sẽ sử dụng kết quả thi này để xét tuyển. Với những thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào các trường tổ chức thi riêng thì thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, các trường sẽ công bố đề minh họa để các em sớm có hướng ôn tập. Còn lại phần lớn các trường ĐH vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh thì các em vẫn thực hiện đăng ký như các năm trước. Ở thời điểm này các em tránh hoang mang, đánh mất tâm lý ôn thi để ảnh hưởng đến kế hoạch vào ĐH.
Được biết, để tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ học sinh trong kỳ thi THPT năm 2020 này, Bộ GD-ĐT cũng như các trường đại học, cao đẳng đã có kế hoạch điều chỉnh phù hợp với tình hình. Với quan điểm cố gắng tối đa bảo đảm công tác tuyển sinh diễn ra thuận lợi, công bằng, khách quan, Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học và thí sinh trong công tác tuyển sinh. Kết quả của kỳ thi cũng sẽ được các trường đại học xem xét, xử lý trong tuyển sinh, sẽ không có tình trạng thí sinh đổ dồn về các thành phố lớn dự thi. Bộ GD-ĐT cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác tuyển sinh trong các khâu tổ chức đăng ký xét tuyển và lọc ảo như năm 2019.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) khẳng định đề thi tốt nghiệp THPT 2020 vẫn sử dụng dạng thức đề thi trắc nghiệm khách quan. Riêng với môn Ngữ văn sẽ thi hình thức tự luận. Mỗi thí sinh sẽ có một mã đề riêng. "Về công tác coi thi khi kỳ thi được tổ chức ở địa phương thì các học sinh và phụ huynh hoàn toàn yên tâm, bên cạnh cán bộ coi thi trong mỗi phòng thi sẽ có thêm lực lượng giám sát ở bên ngoài phòng thi. Về công tác chấm thi, thực hiện quy trình chấm chặt chẽ, nghiêm túc. Qua năm 2019, chúng ta thấy hiệu quả đã khẳng định được sự nghiêm túc của quy trình này. Chúng ta tiếp tục hoàn thiện và phát huy quy trình đó cả trong chấm tự luận và trắc nghiệm".
Chủ đề liên quan:
chuẩn bị giáo viên học sinh kỳ thi kỳ thi THPT 2020 năm học nghiệp ôn luyện ôn tập sĩ tử thi tốt nghiệp thi tốt nghiệp thpt thi tốt nghiệp THPT 2020 THPT 2020 tốt nghiệp tốt nghiệp thpt