Cha mẹ sẽ giúp con loại bỏ những lo âu, căng thẳng trong mấy tháng cật lực ôn luyện.
Theo bác sĩ tâm lý Hoàng Nam, Trung tâm Tư vấn tâm lý và sức khỏe Hà Nội, xây dựng kế hoạch
xả stress cho con sau kì thi là rất có lợi.
Bỏ bớt những ưu phiền
Cũng theo bác sĩ Hoàng Nam, sau mùa thi, cha mẹ nên chú ý quan sát xem con mình vui hay buồn.
Nếu thấy con vui thì có thể đi du lịch xa hay gần tùy điều kiện kinh tế gia đình. Nhưng nếu con buồn thì càng cần phải đi du lịch để cha mẹ có thời gian trấn an trẻ.
Thậm chí, có thể đặt ra tình huống nếu con không thi đậu đại học thì vẫn có nhiều con đường khác để lựa chọn như: Ôn luyện để năm sau thi tiếp hoặc thi vào các trường cao đẳng, học nghề...
Chị Minh Giang, Trung tâm Tư vấn gia đình (Trung ương Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam) khuyên, đi chơi, đi du lịch, tham quan, dã ngoại, mua sắm... sau những kỳ thi là cách tốt để giúp con có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, lấy lại trạng thái cân bằng tâm lý.
Không nên để con chìm đắm một mình trong sự hồi hộp chờ đợi kết quả thi kéo dài từ 15 - 30 ngày.
BS Hoàng Nam lưu ý một số cha mẹ có kiến thức hay quan tâm hỏi xem con làm bài thi giải thế nào? Sai hay đúng?... vào thời điểm này là không nên. Cũng không nên nhắc lại những sai lầm đáng tiếc mà con đã mắc phải trong những kỳ thi đã qua.
Cố gắng hạn chế để trẻ không ngồi quá lâu với máy tính chỉ để vào các trường tìm điểm, xem tỷ lệ chọi rồi so sánh với bài thi mà lại rơi vào tình trạng buồn lo.
"Thời gian đi chơi, du lịch là cơ hội tốt để cha mẹ khuyến khích và chuẩn bị tâm lý cho con vững vàng đón nhận kết quả thi dù tốt hay không tốt", bác sĩ Hoàng Nam khẳng định.
Trong điều kiện không thể đi du lịch, các bậc cha mẹ nên để con được giao lưu với bạn bè như đi hát karaoke, dã ngoại...
Ngoài ra, bản thân các sĩ tử cũng nên tự tạo tinh thần thoải mái cho mình bằng cách
xả stress tại gia như: Ngủ nướng, nằm xem tivi, nghe nhạc, đọc sách báo.
Là con gái, có thể dẹp hết sách vở và vào bếp "trổ tài" làm những món ăn ưa thích, giúp mẹ nấu nướng "bù" cho thời gian ôn thi không động tay đến chuyện bếp núc.
Con trai có thể đi bơi, đá bóng cùng bạn bè nhưng không nên nói nhiều đến chuyện thi cử kẻo lại lâm vào tình trạng lo âu.
Chuẩn bị tâm lý: “Thua keo này, bày keo khác”
"Cha mẹ nên nói cho con hiểu rằng, kết quả dù thế nào cũng không quan trọng. Có thể đặt ra tình huống nếu con không thi được đại học thì vẫn có nhiều con đường khác để lựa chọn như: Ôn luyện để năm sau thi lại hoặc thi vào các trường cao đẳng, học nghề…để trẻ không bị áp lực về tâm lý".
BS Hoàng Nam, Trung tâm Tư vấn tâm lý và sức khỏe Hà Nội
|
Chị Hà Thị Vi (phố Linh Lang, Hà Nội) khoe rằng, chị đã thu xếp nghỉ phép để đưa cô con gái đi nghỉ mát hẳn 10 ngày ở Nha Trang (Khánh Hòa) để có nhiều cơ hội trò chuyện với con về những con đường mới đang mở rộng ở phía trước và cả... tư vấn lỡ con thi trượt.
Chị Thu Hà (Định Công, Hà Nội) cũng khoe đã thu xếp cho cả nhà đi du lịch Cửa Lò (Nghệ An) 5 ngày để giải tỏa căng thẳng.
Chị Minh Giang khuyên, biển là nơi thư giãn,
xả stress tốt nhất. Sau 1-2 ngày cho trẻ ngủ bù thỏa thuê, hãy đưa con ra biển. Không gian thoáng đãng, lạ lẫm của biển sẽ nhanh chóng giúp con lấy lại cân bằng tinh thần và gột bỏ hết những lo lắng, buồn bã.
Với những tour du lịch mạo hiểm đang được nhiều sĩ tử ưa thích hiện nay, chị Minh Giang khuyến cáo: Dù các công ty du lịch cam kết rằng sẽ cung cấp các biện pháp bảo vệ cần thiết cho người tham gia nhưng bố mẹ cần cân nhắc kỹ.
Các sĩ tử đang ở tuổi "già trẻ con, non người lớn" rất dễ bốc đồng và gặp rủi ro. Vì vậy, cho con đi chơi xa, đi chơi mạo hiểm ở đâu cũng phải giám sát được, hoặc phải có đoàn thể, có ban tổ chức để giúp đỡ con kinh nghiệm. Tốt nhất nên chọn những địa điểm an toàn, không nên chọn những nơi xa xôi, khó quản lý và giám sát.
Theo các chuyên gia tâm lý, sau kì thi, cha mẹ hãy luôn bên con để ổn định tinh thần. Chia sẻ, động viên kịp thời, để con luôn cảm thấy được sự quan tâm giúp đỡ của người thân, có ý thức vượt qua những bất ổn tinh thần lỡ kết quả không như mong muốn và ý chí sẵn sàng "thua keo này, bày keo khác".
Theo Trà Giang - Giađình.net