Thành tựu của các nhà khoa học tại Đại học bang Pennsylvania và Đại học New York (Mỹ) công bố ngày 23/12 trên kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ. Giáo sư Mauricio Terrones thuộc Đại học bang Pennsylvania, cho biết thiết bị sử dụng các ống nano được thiết kế có kích thước tương đương với nhiều loại virus.
Các hạt nano vàng được gắn vào thiết bị để tăng cường tín hiệu, phát hiện các phân tử virus nhạy hơn. Ảnh: TERRONES LAB |
Thiết bị sử dụng phương pháp quang phổ Raman để xác định virus dựa trên rung động của chúng. Các nhà khoa học còn gắn thêm các hạt nano vàng giúp tăng cường tín hiệu Raman, giúp phát hiện phân tử virus ở nồng độ rất thấp. Sau đó, họ sử dụng kỹ thuật học máy để tạo ra một thư viện các loại virus.
Thiết bị VIRRION, có phạm vi sử dụng rộng rãi. Ví dụ, đối với người nông dân, việc phát hiện sớm virus trên đồng ruộng có thể giúp cứu toàn bộ cây trồng. Trong chăn nuôi, nó có thể cứu một đàn gia súc, gia cầm khỏi lây lan bệnh. Con người cũng có thể phát hiện virus trong vài phút thay vì trong vài ngày với các phương pháp hiện tại.
Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ sử dụng thiết bị này để thu thập và giải trình tự các virus đơn lẻ, giúp xử lý tốt hơn sự phát triển của virus trong thời gian thực.
Ước tính khoảng 1,67 triệu virus chưa được biết đến có nguồn gốc từ động vật, một số trong đó có thể lây truyền sang người. Các loại virus được biết đến như H5N1, Zika, Ebola đã lây lan thành dịch bệnh và gây Tu vong trên diện rộng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phát hiện sớm các loại virus có thể giúp sớm triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của chúng.