Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo về phòng chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Đặc biệt là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở thời kỳ “bình thường mới” sau đại dịch Covid-19.
Trình bày Báo cáo về phòng chống dịch Covid-19 trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, dịch bệnh Covid-19 là đại dịch đặc biệt nguy hiểm, đã lan rộng ra 213 quốc gia, vùng lãnh thổ với gần 5 triệu người nhiễm và khoảng 330.000 người Tu vong, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu.
Hiện nay vẫn chưa có vaccine, Thu*c đặc trị và chưa dự báo chính xác được thời điểm kết thúc dịch. Nước ta có độ mở và mức độ giao lưu quốc tế cao nên nguy cơ dịch bùng phát là rất lớn. Việc phòng chống đại dịch này là chưa có tiền lệ, đòi hỏi các biện pháp mạnh, đồng bộ, chủ động ứng phó nhanh, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc trong công tác phòng chống dịch bệnh. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt; ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Ngay những ngày trước, trong Tết Nguyên đán và trong những tháng qua, Thường trực Chính phủ họp một tuần 2 - 3 lần để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.
Tinh thần chỉ đạo chung là chủ động đánh giá đúng tình hình, đưa ra các giải pháp quyết liệt, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế và thực lực của đất nước.
Quan điểm xuyên suốt là “chống dịch như chống giặc”; huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội; “lấy phòng dịch làm ưu tiên”, “khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, kiên quyết cách ly tập trung, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả”, “chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân”.
Trình bày báo cáo tại Kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong những tháng đầu năm 2020, tình hình quốc tế, trong nước có những biến động lớn, chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch Covid-19.
Kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái; các nước, đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề; nhiều hoạt động kinh tế - xã hội (KTXH) ngưng trệ.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động KTXH và bảo đảm đời sống của nhân dân.
Chính phủ đã chỉ đạo phòng chống dịch một cách toàn diện theo các kịch bản đề ra, phù hợp với diễn biến tình hình.
Các biện pháp ứng phó được triển khai sớm hơn và cao hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); cách ly và giãn cách xã hội được triển khai kiên quyết, kịp thời, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Các đại biểu Quốc hội họp tập trung tại Hội trường Diên Hồng trong kỳ họp thứ 9. |
Ngay từ đầu, Ban Chỉ đạo quốc gia, các lực lượng y tế, quân đội, công an và các lực lượng khác đã khẩn trương vào cuộc, ngày đêm bám trụ ở tuyến đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh như phát hiện nhanh, cách ly tập trung, xét nghiệm, khoanh vùng, chỉ đạo dập dịch và điều trị hiệu quả...
Kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh từ bên ngoài, nhất là tại các sân bay, cửa khẩu, đường mòn, lối mở... Toàn tuyến biên giới trên đất liền được chốt chặt bởi trên 1.600 tổ đội, 11 nghìn cán bộ chiến sỹ quân đội, công an, dân quân.
Thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” đã phát huy được tính chủ động, trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực.
Hệ thống chính trị cơ sở và các lực lượng chức năng đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, kịp thời xác định những người có nguy cơ lây nhiễm và thực hiện cách ly phù hợp. Vai trò quan trọng của hệ thống y tế công lập ở nước ta được khẳng định.
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Chúng ta đã chủ động sản xuất sinh phẩm chẩn đoán; cập nhật, hoàn thiện phác đồ điều trị.
Kết quả điều trị bệnh nhân COVID-19 rất khả quan, số ca được chữa khỏi ngày càng tăng nhanh, kể cả những ca tuổi cao, bệnh nền rất nặng cũng phục hồi tích cực. Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên phân lập, nuôi cấy thành công virus SARS-CoV-2.
Lực lượng chuyên gia, nhà khoa học các lĩnh vực được huy động và tích cực tham gia, sản xuất thành công bộ KIT xét nghiệm COVID-19 trong thời gian ngắn, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận, đạt tiêu chuẩn EC; nghiên cứu sản xuất nhiều thiết bị, vật tư y tế, phần mềm phục vụ phòng, chống dịch, trong đó đã sản xuất được máy thở.
Nhiều ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại được triển khai trong phòng chống dịch COVID-19 như phần mềm ứng dụng khai báo y tế, truy vết người nghi nhiễm, khám chữa bệnh từ xa...
Chúng ta đã làm tốt công tác truyền thông, thông tin công khai, minh bạch, kịp thời tới mọi người dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức và sự chủ động của nhân dân trong phòng chống dịch.
Các cơ quan báo chí đã tích cực, chủ động tuyên truyền, đưa tin với nhiều hình thức phong phú. Xuất hiện nhiều đơn vị, cá nhân xuất sắc, tận tụy, trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch.
Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, đạt kết quả tốt và khống chế việc lây lan các ổ dịch.
Về tinh hình ở Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đã gửi Công hàm lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phản đối những yêu sách, hành động sai trái, vi phạm chủ quyền của nước ta trên Biển Đông./.
Chủ đề liên quan:
chủ tịch quốc hội Dịch viêm phổi Corona 2019 nCoV giảm đau kinh tế họp quốc hội kịch bản kịch bản tăng trưởng kinh tế xã hội Nguyễn Xuân Phúc phát triển kinh tế Phi Long/VOV.VN phòng chống dịch quốc hội tăng trưởng thủ tướng thủ tướng chính phủ