Tâm linh hôm nay

Tiểu sử HT.Thích Chánh Thành - Tổ Vạn An (1872-1949)

Đại lão Hòa thượng thuộc dòng Lâm Tế Chánh tông đời thứ 38 pháp húy Đạt Thới hiệu Chánh Thành. Tục danh Phạm Văn Vịnh, sinh năm Quý Dậu (1872), niên hiệu Tự Đức năm thứ 26, tại làng Tân Nhuận Đông, tỉnh Sa Đéc, (Đồng Tháp),

Tiểu sử

Hòa thượng Thích Chánh Thành (Tổ Vạn An)

(1872-1949)


Dịp kỷ niệm ngày viên tịch lần thứ 64 (1949-2013) cố Đại lão Hòa thượng Thích Chánh Thành (Tổ Vạn An) là một trong những vị tiền bối thạch trụ tòng lâm, góp phần đào tạo tăng tài và chấn hưng Phật giáo vào đầu thế kỷ XX. Chúng ta cùng nhau ôn lại hành trạng của Ngài để nêu gương sáng cho nhiều thế hệ theo bước chân các Ngài trên bước đường hoằng pháp lợi sinh.


Đại lão Hòa thượng thuộc dòng Lâm Tế Chánh tông đời thứ 38 pháp húy Đạt Thới hiệu Chánh Thành. Tục danh Phạm Văn Vịnh, sinh năm Quý Dậu (1872), niên hiệu Tự Đức năm thứ 26, tại làng Tân Nhuận Đông, tỉnh Sa Đéc, (nay là tỉnh Đồng Tháp), trong một gia đình Nho học kiêm lương y đương thời.


Xuất thân trong một gia đình trung lưu phúc hậu, được phụ thân hướng dẫn theo Phật học. Sẵn có thiên tư đĩnh ngộ, lại được sự chăm sóc chu đáo của nghiêm đường, thuở nhỏ đã tỏ ra phi thường và miệt mài đèn sách, ôn cố tri tân, thông minh xuất chúng, được mọi người khen ngợi và quý mến.

HT.Thích Chánh Thành - Tổ Vạn An (1872-1949)


Năm Quý Mùi (1883) niên hiệu Tự Đức năm thứ 37, song thân lần lượt qua đời, trong lúc việc học hành tiến triển, bỗng nhiên Ngài lâm vào hoàn cảnh côi cút, tràn ngập đau thương và thắm thía câu:


Đã sinh trong cõi vô thường,

Thì ai thoát khỏi con đường tử sinh,

Bầu trời lồng lộng cao xanh,

Xoay mưa trở nắng tan tành gió mây,

Mênh mông đất nước trời dài;

Còn đâu bể thẳm luân đầy chiều mai.


Liễu ngộ lý vô thường, sinh diệt tử sinh. đất Bồ đề hoa tâm khai phát, vườn Bát nhã thêm hương sắc, Ngài liền nghĩ việc xuất gia đầu Phật, đến Tổ đình Hội Phước, Rạch Nha Mân, tỉnh Sa Đéc, đảnh lễ Tổ sư Liễu Ngọc hiệu Châu Hoàn thượng nhân để xin cạo tóc xuất gia.


Với bản chất thông minh, lại thêm quyết chí tu học, ngoài những thời công phu hàng ngày và chấp tác phụng sự Bổn sư, Ngài dành cả thì giờ còn lại cho việc nghiên cứu kinh điển, tìm hiểu những điều cao siêu thâm thúy của Phật pháp. Nhờ vậy việc tu học của Ngài rất tiến triển, giới luật càng tinh nghiêm, được các bậc tôn túc thương yêu và đại chúng quý mến. Chẳng bao lâu Ngài đã trở thành một vị Pháp sư tài đức vẹn toàn.


Năm 23 tuổi, Ất Mùi (1895) Niên hiệu Thành Thái năm thứ 7, Ngài được Sư tổ Liễu Ngọc truyền trao Chánh pháp Nhãn tạng với bài kệ như sau:


Đạt đắc Bồ đề trí huệ khai

Thới nhiên tâm địa xuất trần ai

Chánh pháp tạng trung chơn thật nghĩa

Thành năng tham thấu tức Như Lai.


(Tư Chỉ tạm dịch)

Đắc quả Bồ đề trí huệ khai

Hoát nhiên tâm địa vượt trần ai

Trong lòng chánh pháp chơn thật nghĩa

Năng sở vô nghì rõ Như Lai


Năm Năm Bính Thân (1896) Niên hiệu Thành Thái năm thứ 8, Ngài được Hòa thượng Bổn sư bổ xứ về trụ trì chùa Vạn An, Rạch Cái Xếp (nay Xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đống Tháp). Về sau tăng tín đồ thường gọi Ngài là Hòa thượng Vạn An.


Năm Nhâm Dần (1902) Niên hiệu Thành Thái năm thứ 14, sau khi Đại lão Hòa thượng Bổn sư Liễu Ngọc thị tịch, Ngài đến y chỉ với Sư tổ Minh Thông hiệu Hải Huệ ở Tổ đình Bửu Lâm (nay thuộc Xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) và được ban pháp danh Như Vịnh hiệu Diệu Liên, nối pháp dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 39.


Năm Giáp Dần (1914) Niên hiệu Duy Tân năm thứ 8, hưởng ứng phong trào yêu nước chống thực dân Pháp do Kỳ Ngoại Hầu Cường Để hô hào ở Nam bộ, Ngài bị người Pháp bắt giam 9 tháng, sau vì không có chứng cớ, chúng phải trả tự do cho Ngài.


Năm Quý Dậu (1933) Ngài được cung thỉnh đương vi Đàn đầu Hòa thượng tại Đàn giới Chùa Kinh Huê, Sa Đéc.


Năm Giáp Tuất (1934), Niên hiệu Bảo Đại năm thứ 10, Đại Giới đàn khai mở tại Bổn tự Vạn An do Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng. Kế đến phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ phát triển mạnh. Chư tôn đức Hòa thượng Khánh Hòa, Khánh Anh, Huệ Quang, Pháp Hải v.v... thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học ở Trà Vinh, mở Phật học đường để đào tạo tăng tài, Ngài được mời làm Pháp sư tham gia giảng dạy.


Năm Bính Tý (1936) niên hiệu Bảo Đại năm thứ 12, Đại Giới đàn tại chùa Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Hòa, tỉnh Bạc Liêu do Hòa thượng Huệ Viên tổ chức và cung thỉnh Ngài đương vi Chứng minh, Hòa thượng Bửu Chung chùa Phước Long đương vi Pháp sư, Hòa thượng Chánh Quả chùa Kim Huê đương vi Bố tát.


Năm Đinh Sửu (1937) niên hiệu Bảo Đại năm thứ 13, Phật học Đường Lưỡng Xuyên gặp khó khăn về tài chính phải đóng cửa. Ngài quay về bổn tự mở trường gia giáo tại Bổn tự Vạn An, tiếp tục truyền đạt giáo lý cho tăng sinh.


Năm Canh Thìn (1940) niên hiệu Bảo Đại năm thứ 16, Ngài lại mở Phật học Ni trường ở Tây đường bổn tự Vạn An để đào tạo ni chúng. Số tăng, ni sinh xuất thân từ trường gia giáo Vạn An rất nhiều, trong số đó có những vị danh tiếng như chư vị Hòa thượng Kiểu Lợi, Huệ Hưng, Phước Cần... các vị Ni trưởng Chí Kiên, Như Hoa, Huyền Học, Như Chơn...


Năm Tân Tỵ (1941) niên hiệu Bảo đại năm thứ 17, Ngài được cung thỉnh đương vi Đàn đầu Hòa thượng tại Đàn giới chùa Kinh Huê, Sa Đéc.


Năm Nhâm Ngọ (1942) niên hiệu Bảo đại năm thứ 18, Đại Giới đàn tổ chức tại Bổn tự Vạn An do Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng truyền giới. Đàn giới này có chư giới tử đắc giới như các vị Hòa thượng Huệ Hưng, Hòa thượng Phước Cần...


Năm Ất Dậu (1945) cuối triều Vua Bảo Đại, Đàn giới khai mở tại Chùa Thới Long, Cao Lãnh, Ngài được cung thỉnh đương vi Đàn đầu Hòa thượng.


Những năm thực dân Pháp xâm lược Nam kỳ, Gia Định lại là trung tâm dấy lên phong trào Phật giáo cứu quốc. Ngôi chùa giai đoạn này tuy chưa trở thành một nơi hoạt động cách mạng, nơi hội họp, nuôi chứa cán bộ… như những giai đoạn sau này, nhưng cũng là nơi liên lạc giữa các tăng sĩ yêu nước từ Gia Định có quan hệ với các nơi khác vùng đồng bằng sông Cửu Long...


Quần chúng phật tử hết lòng tham gia việc nước, hăng hái gia nhập các tổ chức cứu quốc: Thanh niên Tiền phong, Thiếu niên Tiền phong, Phụ lão cứu quốc, Tăng già cứu quốc, Phật giáo cứu quốc… Nhiều chư tăng trong thành phố Sài gòn đã tham gia Mặt trận Việt Minh, nhiều chùa như chùa Long An, Giác Lâm, Giác Viên, Sùng Đức, Long Vân, Giác Hoàng hưởng ứng … Chùa Linh Thứu (Tiền Giang) là trạm liên lạc giữa Xứ ủy và Tỉnh ủy Mỹ Tho. Sư cụ Thái Không, trụ trì chùa Phật học Lưỡng Xuyên (Trà Vinh) đã âm thầm hoạt động và hô hào tăng sinh trường hãy:


“Cởi áo cà sa khoác chiến bào,

Giã từ thiền viện lướt binh đao,

Câu kinh tiếng kệ chờ khi khác;

Cứu nước thương dân dễ đợi nào”


Cũng trong năm này Liên đoàn Phật giáo Cứu quốc Nam bộ được thành lập (do Thích Minh Nguyệt hiệu Tam Không làm Chủ tịch, Thích Huệ Phương hiệu Bạch Vân làm phó chủ tịch và có tờ báo mang tên Tinh Tấn là tiếng nói của cơ quan ngôn luận Liên đoàn Phật giáo Cứu quốc Nam bộ), phát triển các chi hội khắp các địa phương, trong đó có huyện Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), mặc dầu tuổi cao sức yếu (lúc đó Ngài đã 73 tuổi, Ngài vẫn hăng hái lãnh nhiệm vụ cố vấn, động viên tinh thần yêu nước cho hàng ngũ Tăng tín đồ ở huyện nhà).


Năm Đinh Hợi (1947), chiến tranh lan khắp nơi. Quân viễn chinh Pháp mở các cuộc càn quét vùng nông thôn. Khu vực chùa Vạn An mất an ninh, Ngài phải cùng các đệ tử lánh cư về Tổ đình Hội Phước, Nha Mân.


Nhân duyên Ta bà quả mãn, hạnh nguyện lợi tha hóa duyên ký tất:


Chân không biển giác ngập tràn,

Có không, không, có Niết bàn thảnh thơi,

Dọc ngang góc biển chân trời;

Vô sinh trổi khúc an vui chân thường.


Ngài thị hiện chút bệnh duyên và an nhiên thu thần Tịch diệt vào lúc 3 giờ khuya ngày 25 tháng 6 Năm Kỷ Sửu (20-07-1949).


Trụ thế 77 Xuân.

An cư 54 Hạ lạp.

Trụ trì 47 Đông.


Đương thời những pháp lữ đồng hành và thường chia sẻ Phật sự như các vị tiền bối : Hòa thượng Bửu Phước, chùa Phước Ân, Rạch Cai Bường, Xã Vĩnh Thạnh, Huyện Lấp Vò, nay tỉnh Đồng Tháp, Hòa thượng Bửu Chung, chùa Phước Long, Rạch Ông Yên, xã Tân Nhuận Đông, huyện châu, nay tỉnh Đồng Tháp, Hòa thượng Thới Ba, chùa Phước Long, Cái Tàu Hạ, Huyện Châu Thành, nay tỉnh Đồng Tháp, Hòa thượng Chánh Tín, chùa An Phước, Rạch Rắn, Sa Đéc . . . Và mỗi khi có công việc Phật sự cần bàn thì hẹn cùng nhau đi ghe thuyền về chùa Phước Ân ít nhất cũng vài hôm để soạn thảo kế hoạch giáo dục đào tạo Tăng tài. Tổ đình Vạn An trở thành một trong những nơi giáo dục đào tạo Tăng tài nổi tiếng của Phật giáo Đồng bằng sông Cửu long vào đầu thế kỷ 20, góp phần khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam và được truyền tụng câu :”Sa Đéc là đất Phật”.


Trong cuộc đời hoằng pháp lợi sanh của Ngài, ngoài việc tham gia giảng dạy ở các Phật học đường, Ngài còn có công lớn trong việc diễn Nôm một số kinh lưu hành ở miền Nam thời bấy giờ. Các tác phẩm của Ngài hiện còn lưu giữ tại Tổ đình Vạn An (Sa Đéc) gồm có:


Kinh:

- Di Đà Sớ Sao.

- Pháp Hoa

- Pháp Bảo Đàn.

- Phật Tổ Tam Kinh

- Quy Nguyên Trực Chỉ.

- Long Thơ Tịnh Độ.

Luật:

-Đại học Hoằng giới

- Tứ Phần Như Thích

- Bồ Tát Giới Kinh

- Tỳ Kheo Giới Kinh.

- Sa Di Sớ.

- Tỳ Ni Hương Nhũ.


Sám:

- Quy Mạng

- Khể Thủ v.v...

Thích Vân Phong kính biên tập



Thích Vân Phong

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/tieu-su-htthich-chanh-thanh--to-van-an-1872-1949-d11589.html)
Từ khóa: tiểu sử

Chủ đề liên quan:

tiểu sử

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY