Tâm linh hôm nay

Tiểu sử Trưởng lão Ni Đạo hiệu Huyền Huệ

Tiểu sử Trưởng lão Ni Đạo hiệu Huyền Huệ Trưởng Phân ban Ni giới T.Ư GHPGVN Viện chủ Tổ đình Hải Ấn

I. Thân thế:

Ni trưởng tên thật là Huỳnh Thị Chín, pháp danh Nhựt Định tự Huyền Huệ, sanh năm 1924, tại thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Thân phụ húy Huỳnh Văn Có, thân mẫu húy Đặng Thị Trí, gia đình trung lưu, gia phong cổ kính nghiêm nhặt. Gia đình có tám anh chị em, Ni trưởng là người con út. Ni trưởng sớm chịu cảnh mồ côi, 5 tuổi phụ thân mất, 12 tuổi mẫu thân lìa trần, Ni trưởng sống với anh chị. Tuổi nhỏ Ni trưởng thông minh thuần hậu, thi đậu Sơ Học Yếu Lược tại trường bổn sở. Sớm có nhân duyên với Phật pháp, năm 14 tuổi Ni trưởng muốn xuất gia cầu học đạo giải thoát nhưng các anh chị không cho phép. Chùa Bình Quang là ngôi chùa ni đầu tiên tại thị xã Phan Thiết, hình ảnh chư ni trang nghiêm thuần hậu đã thôi thúc chí nguyện mạnh mẽ, Ni trưởng lui tới chùa Bình Quang công quả tập sự. Năm 15 tuổi, nhờ tấm lòng tín thành và nhân duyên hội đủ, Ni trưởng được Sư cụ bổn sư là ngài Hòa thượng Ni thượng Diệu hạ Tịnh chấp nhận cho nhập chúng xuất gia, chính thức là con cháu trong dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41. Ni trưởng học Phật pháp sơ cơ với nhị vị đại tỷ Huyền Tông, Huyền Học.

II. Thời kỳ tu học:

Năm 1942, sau khi Sư cụ bổn sư viên tịch, Ni trưởng có chí cầu học Phật pháp nên xin phép các đại tỷ rời Bình Quang vào chùa Kim Sơn – Gia Định nhập trường ni. Với căn bản gia giáo có sẵn từ chùa nhà, Ni trưởng mau chóng lãnh thọ các môn học. Tại Ni trường Kim Sơn, Ni trưởng thọ Thức-xoa. Tuy tuổi nhỏ, Ni trưởng đã có sẵn phẩm chất giáo thọ, vừa học kinh Lăng Nghiêm với cụ Trần Huỳnh, học Duy Thứcc Tam Thập Tụng với Sư cụ Kim Sơn, Ni trưởng trùng tuyên lại các bộ kinh Di-đà, Phổ Môn cho lớp học ni mới. Sư cụ Kim Sơn hoan hỷ trước tư cách và học hạnh của Ni trưởng.

Năm 1944, Ni trưởng thọ cụ túc giới tại chùa Bình Quang, mùa an cư năm đó Ni trưởng nhập hạ tại chùa Hội Sơn – Thủ Đức nghe thọ bộ luật Tứ Phần Tỳ Kheo Ni với ngài Hòa thượng ni Như Thanh. Suốt ba tháng theo nghi khóa thiền môn, học ròng rã đêm ngày đến khi mãn hạ thì bộ luật cũng vừa kết thúc. Nếu tính theo thời gian bình thường thì bộ luật này phải học trong chín tháng mới xong. Thầy dạy nghiêm túc, trò học dũng mãnh, tinh thần đó Ni trưởng vẫn giữ gìn trước sau như một.

Năm1945, Sư cụ Kim Sơn viên tịch, Ni trưởng trở về chùa Bình Quang, gặp những năm tiêu thổ kháng chiến, trải mấy xuân thu lận đận vì chiến tranh. Ni trưởng cùng các huynh đệ chạy sâu vào vùng núi Phú Hội, Đại Nẩm, Xuân Phong, Mương Mán… Khi trở về chùa cũ chỉ đào được tượng Phật bằng đồng, Ni trưởng cùng chư pháp tỷ chung tay xây dựng lại ngôi chùa Bình Quang, gìn giữ gia phong bổn sư muôn thuở.

Năm 1947, Hòa thượng Đông Hưng thành lập Ni trường Tăng Già (nay là chùa Kim Liên) ở Khánh Hội. Ni trưởng vào đó lưu học ba năm. Lớp học Tăng Già có các ni chúng sơ đẳng, Ni trưởng được cử làm Tri chúng và Giáo thọ dạy các môn Sa Di Luật Giải, Phật Tổ Tam Kinh, Duy Thức Tam Thập Tụng. Ni trưởng học thêm kinh Lăng Nghiêm, Quy Nguyên Trực Chỉ, Di Đà Sớ Sao với Hòa thượng Đông Hưng, kiến thức Phật pháp càng lúc càng tinh chuyên.

III. Thời kỳ hành đạo:

Thấm thoát mười ba năm trôi qua, kể từ khi xuất gia đến lúc dự học các lớp trường ni, trải quâ Bình Quang, Hải Ấn, Kim Sơn, Hội Sơn, Tăng Già… Ni trưởng nghiễm nhiên thành tựu chí khí bậc ni lưu giải thoát. Do đầy đủ túc thế nhân duyên, Ni trưởng luôn luôn ở trong các môi trường trang nghiêm thanh tịnh. Với tư chất thông minh cầu học, lại sớm thấm nhuần Phật pháp, đã đến lúc Ni trưởng phát huy sở trường.

Năm 1952, Ni trường Dược sư bắt đầu thành lập dưới sự lãnh đạo của chư tôn trưởng lão Phật học đường Ấn Quang, Ni trưởng xin vào nhập học. Chỉ vài tháng sau với tư cách học hạnh kiêm ưu, Ni trưởng được quý Hòa thượng Ban Giám đốc Ni trường đề cử chức vụ Tri chúng. Cũng năm đó, Giáo hội Tăng Già Nam Việt mở Đại giới đàn tại Dược Sư, Ni trưởng được đề nghị dự vào hàng Giới sư ni nhưng khiêm tốn từ chối.

Năm 1956, Đại hội Ni bộ Nam Việt tổ chức tại chùa Huê Lâm, Ni trưởng là một trong các thành viên của Ban Quản trị Ni bộ, tuy nhỏ tuổi nhưng được tín nhiệm vào chức Tổng Thư ký. Xây dựng và thành lập tổ chức ni chúng thành một đoàn thể tu học nghiêm trang, Ni trưởng chung vai gánh vác Phật sự cùng với chư vị tôn đức ni tiền bối, luôn khiêm cung kính nhường và toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ của mình.

Năm 1970, Ni trưởng soạn thảo nội quy Ni chúng bộ Bắc tông, căn cứ theo nội quy Ni chúng bộ 1957 của Giáo hội Tăng già Nam Việt.

Tại hai ni trường lớn của miền Nam thời bấy giờ là Dược Sư và Từ Nghiêm, Ni trưởng thường là vị Giáo thọ kiêm Giám thị, Giám luật, thành viên của Ban Lãnh đạo. Tại các Đại Giới đàn ni mở ra từ Dược Sư, Từ Nghiêm, Huê Lâm, Ni trưởng chứng dự hàng Giới sư uy nghiêm đức độ. Trong thiền đường đại chúng, hình ảnh Ni trưởng với đầy đủ uy nghi để nhiếp chúng.

Lời huấn thị đầy từ mẫn, không quên nhắc nhở nêu cao bổn phận Thích nữ thanh tu, Ni trưởng sống một đời mô phạm giữ gìn nét đẹp thiền gia. Một đời truyền thừa tông chỉ của Ân sư, một đời gìn giữ chấn hưng giới luật, Ni trưởng là bậc thầy tái lai, ủng hộ dắt dìu ni giới nước nhà.

Năm 1963, Ni trưởng được chư huynh đệ tông môn mời về trụ trì Hải Ấn ni tự đời thứ ba, cùng với nhị vị Ni trưởng Huyền Đoan, Huyền Đức trùng hưng Tam Bảo. Tại đây Ni trưởng luôn dạy dỗ ni chúng đệ tử để giữ gìn truyền thống của Tổ đình Hải Ấn là luôn luôn có lớp gia giáo, đó là gia phong của Thầy Tổ để lại. Ngoài ra, trong thời gian này, người còn là giáo thọ cho hai Ni trường Dược Sư và Từ Nghiêm. Ni trưởng là bậc mô phạm xuất chúng, người luôn mong muốn Ni chúng và đệ tử là những bậc pháp khí để nối thạnh dòng Thích tử. Trong hàng đệ tử của Ni trưởng có nhiều vị thành tựu sự nghiệp, trở thành pháp khí trong ngôi nhà chánh pháp, và là cộng sự cần mẫn của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.

Sau ngày hòa bình thống nhất hai miền Nam Bắc thiết lập, Ni trưởng cùng chư vị Tôn đức ni trưởng lão của miền Nam, là những cội tre già che chở cho ni chúng, bền lòng truyền trao kiến thức Phật học, Luật học để mạng mạch ni lưu tiếp nối. Thời gian càng in đậm nét bền chắc, đạo phong sâu dày của bậc Hòa thượng Ni thế kỷ 20, Ni trưởng là bậc thầy cố vấn giáo dục, thiền chủ, luật sư của Trung ương Ni bộ, là bậc Ni trưởng đệ nhất của Giáo hội huyện nhà. Ngài luôn ưu tư, nhắc nhở ni chúng tu học, gìn giữ tư cách phẩm hạnh của Ni lưu thế hệ mới.

Các bậc Ni trưởng một thời vang bóng đã lần lượt quy tịch. Ni trưởng là cội cổ thụ còn lại, người nghiễm nhiên gánh vác trọng trách Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương thuộc Ban Tăng sự của Giáo hội PGVN từ năm 2009 đến nay. Tuy tuổi cao sức yếu, thân tứ đại không khỏi bệnh duyên nhưng tinh thần minh mẫn, trí tuệ quang huy, Ni trưởng thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong phong thái ung dung, lấy từ bi tiếp đãi ni chúng, lấy giới luật trí tuệ làm tiêu chí ứng xử.

Ni chúng mọi nơi quy ngưỡng về Ngài như muôn dòng sông hướng về biển. Mọi dịp lễ Tết, An cư, Tự tứ cùng hân hoan tề tựu về ngôi chùa Hải Ấn thọ lời giáo dưỡng thâm trầm, hàng môn đệ và ni chúng hậu bối luôn cảm niệm vô vàn hạnh phúc được sống dưới ánh tâm linh rạng ngời của Ni trưởng.

IV. Công trình dịch thuật:

Ni trưởng dịch thuật các tác phẩm: Kinh Bách Dụ, Duy Thức Chương (1990), Bát Thức Quy Củ Tụng Trang Chú (1992), Luật Tứ Phần (1996), San Bổ Thọ Chư Giới Đàn Ni Tập (2000), Tỳ Kheo Ni Giới Bổn, Duy Thức Tam Thập Tụng, Thành Duy Thức Luận, Kinh Nhật Tụng, Nghi Thức An Cư, Tự Tứ.

Ngoài ra Ni trưởng còn một tuyển tập các bài giảng, trong đó bàn về vấn đề xung quanh cái ch*t, vấn đề tiến bộ của phụ nữ.

V. Thời kỳ lâm bệnh và viên tịch:

Với tuổi 92, tháng 4 năm 2005 Ni trưởng lâm trọng bệnh, hàng môn đệ đưa người vào bệnh viện Thống Nhất điều trị, nhưng tuổi cao sức yếu, dầu được các bác sĩ tận tình chữa trị, nhưng cỗ xe tứ đại đã mòn nên bệnh không thuyên giảm. Mặc dầu thân mang nhiều bệnh, nhưng tinh thần Ni trưởng lúc nào cũng minh mẫn, người luôn giữ gìn câu niệm Phật, tâm chuyên hướng về cảnh giới Cực lạc Tây phương, lúc khỏe người luôn dặn dò hàng đệ tử phải hòa hợp, trên kính dưới nhường, cùng nhau chung lo giữ gìn và phát triển ngôi Tổ đình Hải Ấn, tinh tấn tu tập để nối tiếp con đường truyền thừa mạng mạch.

Người để lại lời di chúc dặn dò hàng đệ tử phải hòa hợp thương yêu nhau, trên kính dưới nhường, cùng nhau chung lo giữ gìn, phát triển ngôi tổ đình Hải Ấn. Điều cần thiết là phải tinh tấn tu tập, nối tiếp truyền thừa mạng mạch tông môn.

Vì sự tha thiết của hàng Ni giới luôn hướng về Người như ánh sao Bắc Đẩu, với sự hiếu thuận chăm sóc của đệ tử và các bác sĩ là cháu ruột trong gia đình. Ni trưởng lưu thân tứ đại bất an trong cõi huyễn mộng với thời gian gần mười năm. Vào ngày Rằm tháng Bảy năm Ất Mùi (28.08.2015) Ni trưởng thâu thần viên tịch lúc 5g sáng, hưởng thọ 92 tuổi, hạ lạp 71.

Xá lợi nhập bảo tháp tại Hải Ấn Ni Tự, kính lưu dấu bậc trưởng lão ni đức hạnh sâu dày, Phật pháp uyên thâm, bậc thầy muôn thuở của ni giới nước Việt.

Tổ đình Hải Ấn

PGVN

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/tieu-su-truong-lao-ni-dao-hieu-huyen-hue-d19301.html)
Từ khóa: tiểu sử

Chủ đề liên quan:

tiểu sử

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY