Đã từ lâu, chuyện thuê trọ ở ghép trong giới sinh viên là hết sức bình thường, bởi tiền trọ, tiền cho các chi phí sinh hoạt phụ khác ở thành phố luôn khá cao...
Đã từ lâu, chuyện thuê trọ ở ghép trong giới sinh viên là hết sức bình thường, bởi tiền trọ, tiền cho các chi phí sinh hoạt phụ khác ở thành phố luôn khá cao nên việc ở ghép là sự chia sẻ với nhau những chi phí đắt đỏ ấy cho “nhẹ gánh”. Tuy nhiên, lợi dụng điều này mà nhiều đối tượng đã khiến “khổ chủ” phải gánh chịu hệ lụy thay vì nhẹ gánh. Những trường hợp L*a đ*o gần đây là điều cảnh báo cho những người đang tìm kiếm bạn cùng trọ...
Thông thường, để dẫn tới việc thuê trọ ở chung thì sinh viên thường tìm kiếm tiêu chí theo ý mình, nghĩa là người cùng quê, học cùng trường hay chỗ bạn bè đã chơi thân quen từ trước... Tuy nhiên, không phải sinh viên nào muốn có những bạn trọ theo tiêu chí đó đều có được, vì nhiều điều, nhiều tình huống bất khả kháng khác, mà có không ít người vẫn phải kiếm tìm những người bạn chưa từng quen biết để ở trọ chung. Khi thuê được những căn phòng trọ ưng ý mà phải ở một mình, hoặc ở với số lượng người còn ít, tiền nhà chia ra vẫn còn khá... nặng, điều đầu tiên sinh viên nhờ bạn bè trong lớp, bạn bè chơi thân, hay bạn bè cùng quê... giới thiệu xem có ai cần ở ghép chung thì giới thiệu hộ! Nếu các “kênh” này vẫn chưa được thì họ phải đăng tin lên mạng, dán quảng cáo nơi cổng trường học, vỉa hè, lề phố... để tìm kiếm xem ai có nhu cầu ở ghép? Thực ra, ở vào thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay thì chuyện đăng tin, dán quảng cáo để
tìm người ở ghép là khá hiệu quả, khá nhanh, khi chỉ một vài hôm là đã có nhiều thông tin phản hồi qua điện thoại gọi tới người “chủ” cần người ở ghép để hỏi han...
Chuyện sinh viên
tìm người ở ghép là không khó, nhưng tìm được bạn trọ tâm đầu ý hợp về nhiều mặt trong cuộc sống, nhất là vấn đề an toàn, cũng như an ninh lại là vấn đề không hề dễ, bởi thực tế đã xảy ra khá nhiều chuyện bi hài, thậm chí là quá “đau” mà những người ở trọ ghép gây ra cho nhau. Xin kể ra một câu chuyện xảy ra từ tháng 10/2014, khi người xin trọ ghép là một cô gái tên Nguyễn Anh Linh, quê Thái Nguyên, đã đóng giả trai để tìm những người bạn nam sinh viên có nhu cầu cần người ở ghép. Bằng thủ đoạn như vậy, Linh đã qua mắt được mấy nam sinh, khi chuyển tới ở cùng vài bữa, rồi đợi bạn trọ sơ hở là khoắng đồ đạc tài sản và... chuồn mất tăm! Vụ đầu trót lọt, đến vụ thứ hai Linh đã bị tóm gọn bởi công an phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Thực ra chuyện sinh viên tìm kiếm bạn ở ghép và bị chính người bạn mà mình kiếm tìm đến ở trọ cùng ấy L*a đ*o, trộm cắp tài sản đã là những câu chuyện không còn mới, vậy mà không hiểu sao vẫn có nhiều bạn sinh viên còn quá chủ quan, quá mất cảnh giác trong vấn đề này.
Mới đây, cháu một người bạn tôi, quê Sơn La, sinh viên năm nhất một trường đại học tại Hà Nội cũng đã mắc mưu một người bạn trọ cùng. Tài sản bị mất chỉ là chiếc điện thoại vài triệu bạc, cùng hơn triệu tiền mặt, cũng không quá to tát nên người cháu này đã không báo công an, mà coi là bài học nhớ đời. Người cháu này kể: “Cháu thuê được một căn phòng trọ ở khu Cầu Giấy khá đẹp, có gác xép, đi về tự do nhưng khốn nỗi giá cao quá, những 2 triệu đồng. Rủ mãi chưa được bạn nào trọ cùng nên cháu đăng tin lên mạng
tìm người ở ghép. Ngay tức thì hôm sau có một cô nữ sinh nói là học ở Đại học Luật, cũng năm thứ nhất tới xin ở cùng. Thấy cô bé cũng hiền, mặt mũi dễ thương nên chưa kịp hỏi han nhiều thì đêm đầu tiên, nhân lúc cháu ngủ say cô ta đã biến mất cùng điện thoại và tiền trong ví của cháu. May mà chiếc xe đạp điện khóa cẩn thận cô ta không tìm được chìa khóa, không thì...”.
Kể ra đây vài câu chuyện mà bọn lưu manh núp bóng việc ở ghép để trộm cắp, lừa gạt chiếm dụng tài sản, để các bạn sinh viên nói chung và các bạn sinh viên có nhu cầu cần người ở ghép nói riêng lưu ý để nâng cao tinh thần cảnh giác. Các bạn phải thật thận trọng trong việc tìm kiếm người ở ghép, điều không bao giờ được bỏ qua là phải nắm được các thông tin cơ bản trong giấy tờ, bản sơ yếu lý lịch của người bạn mới lạ xin tới ở ghép đó. Đồng thời ngay tức thì đề nghị người bạn trọ phải tới chính quyền địa phương mình thuê trọ để đăng ký tạm trú. Ngoài ra, việc biết tới trường mà người bạn trọ học, hay địa điểm, tên cơ quan, công ty mà người bạn làm việc cũng cần phải nắm rõ. Trong cuộc sống hàng ngày, bạn cũng cần phải có những lưu ý, quan sát, thậm chí là “thử” sự trung thực, lòng thật thà của người bạn trọ cùng còn chưa thật hiểu hết này. Điều đặc biệt là với các thứ tài sản có giá trị của mình bạn cũng phải luôn có phương kế trông coi cẩn thận, chứ không thể lơ là... Tôi nghĩ, chỉ cần chú ý tới những điều cần phải lưu ý trên thì sẽ tránh khỏi những điều đáng tiếc phát sinh từ chuyện tìm bạn ở ghép.
Nguyễn Duy Hoàng (Đại học Luật, Hà Nội)