Huyết áp , Tim mạch hôm nay

Tôi không phải là virus

Buổi sáng đi làm bỗng trở nên căng thẳng, uất nghẹn tột cùng đối với một cô gái châu Á khi nhận được câu hỏi từ một phụ nữ da trắng ngồi bên cạnh: Bạn không nghĩ mình nên ra khỏi chuyến xe này hay sao?

Lấy cảm hứng từ các sự kiện gần đây, họa sĩ người Thụy Điển gốc Hàn Lisa Wool-Rim Sjöblom đã cố gắng truyền tải sự miệt thị mà người châu Á phải đối mặt ngày càng nhiều trong đại dịch toàn cầu COVID-19 bằng một thứ ngôn ngữ đặc biệt: truyện tranh. Những hình ảnh của Sjöblom được chia sẻ trên tài khoản Instagram của cô đã góp phần giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc nhắm vào cộng đồng châu Á kể từ khi các trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19 mới được báo cáo vào cuối năm 2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Họa sĩ người Thụy Điển gốc Hàn Lisa Wool-Rim Sjöblom

Tiêu đề của bộ truyện bắt nguồn từ một hashtag #IamNotAVirus, được khởi xướng bởi những người gốc Á nhằm phản ứng với các vụ việc phân biệt chủng tộc trên phương tiện giao thông công cộng và mạng xã hội. Phong trào cũng đã truyền cảm hứng cho những người vẽ tranh minh họa khác trên Instagram sáng tạo nghệ thuật cùng hưởng ứng. Sjöblom cho biết, cộng đồng châu Á đã ‘từ vô hình’ thành ‘siêu hiển thị, nhưng là một virus hoặc vật mang virus’.

Ngay khi COVID-19 lan truyền trên toàn cầu, những thông tin sai lệch, quấy rối, phân biệt đối xử và lăng mạ bắt đầu xuất hiện. Khách hàng biến mất khỏi các khu phố Tàu ở một số quốc gia phương Tây, các vụ hành hung đối với cộng đồng người châu Á ngày càng trầm trọng hơn. Những cuộc tẩy chay và phá hoại kinh doanh vô căn cứ cũng nhắm vào các cộng đồng Đông Á khác. 

Sjöblom nhấn mạnh, phân biệt chủng tộc đối với người châu Á không chỉ giới hạn ở các cuộc tấn công bằng lời nói, bạo hành thể chất, mà còn là những hành động tinh vi hơn. ‘Nó là một cảm giác rất khó mô tả, bạn sẽ cảm nhận được điều đó khi bạn đã từng bị phân biệt chủng tộc, đó là những cái nhìn đầy miệt thị và sau đó mọi người rời đi’, Sjöblom nói.

Là một họa sĩ hoạt hình và nhà thiết kế đồ họa, công việc của Sjöblom nhằm mục đích mở rộng hình ảnh đại diện cho người da màu, đặc biệt tập trung vào người Đông Á. Cuốn hồi ký truyện tranh của cô tựa đề Palimpsest, kể về quá trình cô được nuôi dưỡng với tư cách là một người Hàn Quốc được nhận làm con nuôi ở Thụy Điển đã được The Guardian vinh danh là một trong những tiểu thuyết đồ họa hay nhất năm 2019. Hiện tại, Sjöblom đang thực hiện một cuốn sách dành cho trẻ em Thụy Điển về ‘trải nghiệm kinh khủng khi là trẻ em POC (người da màu) duy nhất trong một lớp học’.

PBS NewsHour đã thực hiện cuộc trò chuyện với Sjöblom, hiện sống ở New Zealand, về nguồn cảm hứng của cô đằng sau loạt tranh minh họa Tôi không phải là virus, cũng như cách cô đã tiếp cận vấn đề phân biệt chủng tộc.

Cuộc sống và công việc hiện tại của bạn ra sao?

Chúng tôi bị khóa chặt, mọi thứ đều đóng cửa và mọi người đang làm việc ở nhà. Nếu chúng tôi không thể làm việc ở nhà, chúng tôi vẫn phải ở nhà. Có lẽ chúng tôi đang gặp một chút khủng hoảng. Hy vọng chúng tôi có đủ sự kiên nhẫn để chờ đợi một điều gì đó tốt đẹp trong thời gian tới. Nhưng tôi nghĩ rằng Chính phủ đã có những hành động thực sự tuyệt vời.

Động lực nào khiến bạn thực hiện bộ hình minh họa Tôi không phải là virus?

Một trong những bức vẽ là cuộc trò chuyện giữa một phụ nữ da trắng và một thiếu nữ châu Á đang sống ở Thụy Điển. Người phụ nữ yêu cầu cô gái rời khỏi xe điện chỉ vì cô ấy là người châu Á. Tôi đã đọc được bài báo và suy nghĩ, điều đó thật ngu ngốc. Nhưng thay vì chỉ viết về nó, tôi thực sự có thể tái hiện điều này bằng hình ảnh. Tôi thấy rất nhiều điều mà tôi nhận xét, thường được coi là khá tranh cãi, mọi người đều có xu hướng hiểu nó tốt hơn hoặc thể hiện sự đồng cảm hơn khi nhìn thấy các bức vẽ của tôi.

Là một nghệ sĩ và một nhà hoạt động, bạn đã lên tiếng về việc thiếu đại diện của người Đông Á ở phương Tây. Và bạn đã nói rằng bạn chưa bao giờ cảm thấy mình được quan sát, theo dõi nhiều hơn bây giờ. Bạn có thể cung cấp một ví dụ gần đây nhất về việc đại diện Đông Á trên các phương tiện truyền thông phương Tây?

Ngay cả ở Thụy Điển, nơi tôi vừa nói có rất ít người châu Á, khi họ nói về những người bị ảnh hưởng bởi virus, họ vẫn đang sử dụng hình ảnh của một người châu Á, thường là đeo khẩu trang. Vì vậy, từ trạng thái vô hình, chúng ta đã trở nên siêu hiển thị, nhưng với tư cách là một virus hoặc vật mang virus.

 Mọi người đã phản hồi như thế nào về bộ hình minh họa của bạn? Những sản phẩm nghệ thuật của bạn đã từng nhận được phản ứng kiểu này trước đây chưa?

Tôi nghĩ rằng khi tôi đăng bức hình đầu tiên, tôi có thể có khoảng 3.000 người theo dõi. Thông thường, một hình ảnh có thể tạo ra 200 đến 300 lượt ‘thích’, nếu đó là hình ảnh về chính trị. Khi tôi đăng bộ hình minh họa Tôi không phải là virus, nó đã được chia sẻ rất nhiều, thậm chí rất nhiều người đã chọn nó và viết về nó. Nhưng nó cũng là mục tiêu để những bình luận tiêu cực nhắm vào. Chúng thực sự rất kinh khủng, tôi đã phải xóa bình luận vì có quá nhiều sự phân biệt chủng tộc trong đó. Thực sự thì tôi đã bị tấn công trên mạng xã hội.

Nhờ những bức vẽ của bạn, nhiều người đã chia sẻ với bạn trải nghiệm của họ với nạn phân biệt chủng tộc. Cảm giác của bạn như thế nào?

Điều đó khiến tôi cảm thấy việc mình tạo ra những bức vẽ này có ý nghĩa đối với mọi người. Đặc biệt là trong những lúc như thế này, giống như khi bạn ước mình là y tá hay bác sĩ và thực sự có thể làm được điều gì đó thực tế. Tôi cố gắng làm những gì có thể với những thứ mình có, đó là làm nghệ thuật. Mọi người có xu hướng tìm đến nghệ thuật khi họ cảm thấy chán nản, cô đơn, buồn bã hoặc vì ý thức cộng đồng. Vì vậy, ngoài tất cả các bình luận phân biệt chủng tộc, tôi cảm thấy hạnh phúc khi biết rằng mọi người đang phản hồi tốt về những hình ảnh mà tôi đang làm vào lúc này. Nó khiến tôi muốn tiếp tục công việc của mình.

Thủy Kiều

(Theo PBS)

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe toàn dân (http://suckhoetoandan.vn/p/609540e3f8ec6e62e0107712)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY