Huyết áp , Tim mạch hôm nay

TP.HCM phải quyết liệt, sớm dập tắt dịch

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình tại cuộc họp giữa Đoàn công tác của Chính phủ và lãnh đạo các cấp, ban ngành TP.HCM về các biện pháp phòng, chống COVID-19 trên địa bàn, sáng 1/6.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp

Có thể phát triển các chuỗi lây nhiễm không rõ nguồn lây

Tại TP.HCM, tính đến nay, có 538 trường hợp mắc bệnh COVID-19 được phát hiện. Trong đó, có 336 trường hợp nhiễm trong cộng đồng (chiếm tỷ lệ 58,5%). Hiện đang điều trị 272 ca bệnh.

Riêng từ ngày 26/5, tại thành phố xuất hiện ổ dịch liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp. Thông tin truy vết, 1 bệnh nhân từng di chuyển ra Hà Nội từ ngày 23/4 đến 29/4, có triệu chứng bệnh từ ngày 13/5. Đến nay phát hiện 200 bệnh nhân thuộc ổ dịch này. Kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2 của 5 người bệnh đầu tiên trong ổ dịch này đều thuộc biến chủng Ấn Độ, B.1.617.2. Hiện nay, tổng cộng 20/22 địa phương có ca bệnh cư trú trên địa bàn.

Liên quan đến ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định rằng, từ thời điểm ca bệnh đầu tiên có triệu chứng (13/5) đến thời điểm TP.HCM phát hiện ra chuỗi ca bệnh đã 14 ngày. 

Về chủng virus biến thể của Ấn Độ, chu kỳ lây nhiễm rất ngắn (có thể từ 2 đến 3 ngày thậm chí còn sớm hơn), nguy cơ đã phát tán mầm bệnh ra môi trường bên ngoài trong thời gian rất ngắn rất nhanh. Như vậy, TP.HCM đã chậm mất khoảng 4 đến 5 chu kỳ. Mỗi chu kỳ, virus lây lan theo cấp số nhân. Sắp tới, thành phố có thể phát triển các chuỗi lây nhiễm không rõ nguồn lây. Do đó, đây là một trong những ổ dịch nguy hiểm nhất, khó kiểm soát nhất trong phòng chống dịch bệnh ở TP.HCM.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định về mức độ nguy hiểm của ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục Hưng được phát hiện ngày 26/5

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, sau khi phát hiện chuỗi ca bệnh, TP.HCM đã thực hiện rất tốt trong việc tăng cường các biện pháp, đặc biệt là áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố theo chỉ thị 15, ở khu vực nhiều ca bệnh giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.

“Các đồng chí đã thực hiện rất tốt. Thành phố đã có rất nhiều kinh nghiệm trong  sự phối hợp với các ban ngành quận, huyện trong thời gian qua… Tuy nhiên, thành phố cần xác định từ nay trở đi phải tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hơn nữa” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Quyết liệt dập dịch

Về các biện pháp phòng chống COVID-19 trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu TP.HCM cần tăng cường hơn nữa các biện pháp. Trong đó, tăng cường lấy mẫu tầm soát, phát hiện ca bệnh. Trọng điểm là tầm soát, nhận diện sớm, khoanh vùng sớm, phòng chống dịch bệnh xâm nhập vào khu công nghiêp và cộng đồng.

Tất cả các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở khi đến tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn cần phải được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 100%, tránh bỏ sót ca bệnh. Để nâng cao năng lực xét nghiệm, thành phố cần nghiên cứu thêm việc tổ chức cho các nhà Thu*c, bệnh viện tư nhân, công ty trực tiếp lấy mẫu test nhanh đối với các trường hợp nghi ngờ.

Về năng lực điều trị, thành phố đã chuẩn bị phương án điều trị cho 5.000 người. Tuy nhiên, thành phố cần phải có phương án cao hơn nữa, nhất là chuẩn bị tốt cho ICU, điều trị những bệnh nhân nặng. Bộ Y tế đã giao cho BV Chợ Rẫy tăng cao năng lực điều trị, chuẩn bị phương án điều trị tích cực cho 200 bệnh nhân, 50 bệnh nhân rất nặng.

Để huy động tổng lực cho phòng, chống dịch, thành phố cần huy động tất cả các bệnh viện, các trường đại học y dược, yêu cầu cung cấp nhân lực cùng thành phố chống dịch. Bộ Y tế cũng đề nghị thành phố khẩn trương đàm phán để có vắc xin sớm nhất, có nhiều nguồn vắc xin. Bộ Y tế sẽ thẩm định và tạo điều kiện tối đa trong việc cấp phép, đốc thúc nguồn vắc xin sớm được đưa về nước.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao những giải pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của TP.HCM trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Phó Thủ tướng yêu cầu thành phố phải quyết liệt, sớm dập tắt điểm dịch tại phường 3, Q.Gò Vấp; không được lơ là, chủ quan để mất kiểm soát tình hình.

Thành phố cần kiểm tra, kiểm điểm đánh giá lại hoạt động của các điểm, nhóm trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý nhà nước; xử lý nghiêm những điểm, nhóm hoạt động trái pháp luật. Thành phố đã ban hành nhiều bộ tiêu chí an toàn ở các lĩnh vực. Phó Thủ tướng lưu ý, các quận, huyện, TP. Thủ Đức cần rà soát lại các bộ tiêu chí, bổ sung những tiêu chí sao cho phù hợp với tình hình hiện nay. Các bộ tiêu chí phải được triển khai xuống cơ sở, thành kế hoạch hành động, có giám sát kiểm tra thường xuyên, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các đơn vị.

Về vấn đề tiêm vắc xin COVID-19, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị TP.HCM phải đi đầu trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa tìm nguồn nhập khẩu vắc xin dưới sự kiểm soát chất lượng của Bộ Y tế; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được hiệu quả của việc tiêm vắc xin trong phòng, chống dịch COVID-19.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị thành phố tập trung huy động nhiều lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 để thành phố sớm vượt qua đợt dịch này, bảo đảm thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. 

Hoài Thương

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe toàn dân (http://suckhoetoandan.vn/p/60b61c9bf8ec6e04af6a5cb2)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY