Bà bầu hôm nay

Chăm sóc bà bầu

Trẻ 2 tuổi mà có các dấu hiệu điển hình này, có thể bé nhà bạn đang bị chậm nói

Trẻ chậm nói thường phát triển bình thường ở tất cả các kỹ năng khác, trừ khả năng nói.

Tất cả các bậc phụ huynh đều hào hứng và vui sướng tột cùng khi nghe những từ đầu tiên của con. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu con bạn vẫn chỉ tạo ra những âm thanh vô nghĩa? Bạn tự hỏi liệu khả năng nói và phát triển ngôn ngữ của trẻ có bị chậm hay không?

Có khả năng do quá háo hức mong chờ nên bạn cảm thấy lo lắng khi con chưa biết nói. Cũng có thể con bạn rơi vào trường hợp trẻ chậm nói - thuật ngữ chuyên môn là Late Language Emergence (tạm dịch: Sự xuất hiện ngôn ngữ muộn - LLE).

LLE, theo định nghĩa của Hiệp hội Nghe - Nói - Ngôn ngữ Hoa Kỳ (ASHA), là "sự chậm phát triển ngôn ngữ mà không có khuyết tật nào khác được chẩn đoán hoặc chậm phát triển trong các lĩnh vực vận động nhận thức khác. Trẻ mới biết đi có thể được chẩn đoán mắc LLE khi mức độ phát triển ngôn ngữ thấp hơn mức kỳ vọng ở độ tuổi tương ứng".

Rebecca Hass, nhà bệnh lý học ngôn ngữ, viết trong cuốn sách "Talking With Toddlers" (tạm dịch: Trò chuyện với trẻ nhỏ): "Những đứa trẻ biết nói muộn thường phát triển ở tất cả các kỹ năng khác (vận động tinh, vận động thô, nhận thức và xã hội/cảm xúc), trừ khả năng nói".

Dấu hiệu con bạn chậm nói

Các dấu hiệu và triệu chứng của LLE có thể khác nhau vì các nghiên cứu chủ yếu dựa trên báo cáo của phụ huynh do ASHA thu thập. Một số dấu hiệu trẻ 2 tuổi chậm nói là:

- Không tự nói ra được thành lời mà chỉ nhại lại lời người khác.
- Nếu đến 2 tuổi, trẻ biết ít hơn 50 từ.
- Nếu đến 2 tuổi, trẻ không xâu chuỗi 2 từ lại với nhau được như từ "mẹ bế", "uống nữa"...
- Không biết công dụng của các đồ vật trong nhà.
- Khi xem sách, tranh, bé không thể chỉ vào đối tượng khi mẹ gọi tên.
- Không muốn hoặc không dùng các cử chỉ để giao tiếp.
- Không biết bắt chước hành động hoặc lời nói của người khác.

Lưu ý rằng, các dấu hiệu trên tương tự dấu hiệu cảnh báo của tình trạng chậm phát triển ở trẻ. Khoảng 50% trẻ chậm nói sẽ bắt kịp các bạn cùng tuổi và lớn lên vẫn có sự phát triển ngôn ngữ và giọng nói bình thường, nhưng một số trẻ biết nói muộn vẫn được chẩn đoán là mắc chứng chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ.

Các yếu tố khác có thể góp phần vào chẩn đoán trẻ chậm nói còn có: giới tính, tiền sử gia đình, hoàn cảnh ra đời và sự phát triển vận động. Trẻ trai có nhiều nguy cơ bị chậm nói hơn trẻ gái. Trẻ sinh non và trẻ chậm phát triển vận động cũng có nhiều khả năng mắc chứng chậm nói hơn. Tiền sử gia đình và trình độ học vấn của người mẹ cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ bắt đầu nói sớm hay muộn. Trong một nghiên cứu, các gia đình có thu nhập và trình độ học vấn thấp có thể ít hỗ trợ và cung cấp ít nguồn lực cho việc phát triển và học ngôn ngữ ở trẻ.

Phải làm gì nếu bạn nghi ngờ con chậm nói?

Đầu tiên, hãy kiểm tra thính giác của con nếu bạn chưa tiến hành việc này. Nếu lần kiểm tra thính lực cuối cùng của con là sau khi bạn sinh, hãy kiểm tra lại.

Thứ hai, hãy tiếp tục khuyến khích trẻ nói chuyện bằng cách tương tác thật nhiều với con. Nói chuyện, hát và tạo ra những âm thanh khác nhau cùng con. Sử dụng cử chỉ, nét mặt để làm cho việc tương tác trở nên vui vẻ và thoải mái. Bạn cũng không nên quá gay gắt với việc cho con xem tivi, điện thoại, miễn là có kiểm soát.

Thứ ba, hãy chú ý đến các mốc phát triển ngôn ngữ của con - hiểu về một ngôn ngữ, sử dụng cử chỉ và học từ mới. Hãy ghi lại những quan sát của bạn để dễ dàng truyền tải chúng cho bác sĩ nhi khi cần thiết.

Cuối cùng, hãy đưa con tới gặp bác sĩ nhi hoặc nhà nghiên cứu bệnh học về ngôn ngữ. Họ có thể đưa ra các bài tập hoặc các cách để khích lệ bé tập nói. Họ cũng có thể khuyên bạn quay lại sau một vài tháng hoặc lâu hơn. Trị liệu lúc đó là chưa cần thiết, dù bạn nghĩ nó hữu ích.

Hãy nhớ rằng, mọi đứa trẻ đều phát triển theo tốc độ của riêng mình. Nhận thấy một số chậm trễ ở con không phải lúc nào cũng có nghĩa là con bị chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ. Tốt nhất bạn nên tham vấn bác sĩ chuyên môn để con có thể được can thiệp sớm, nếu cần.

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/tre-2-tuoi-ma-co-cac-dau-hieu-dien-hinh-nay-co-the-be-nha-ban-dang-bi-cham-noi-20200816153826624.chn)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY