Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Trẻ em có bị mắc hội chứng COVID kéo dài hay không? Tôi phải làm gì nếu con mắc COVID-19?

Các bậc phụ huynh đang tỏ ra quan tâm hơn về bệnh COVID-19 xảy ra ở trẻ em. Có một câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra là liệu trẻ em có thể bị nhiễm hội chứng COVID kéo dài hay không.

Trẻ em có thể bị mắc hội chứng COVID kéo dài, nhưng tỉ lệ ít hơn so với người lớn. Và trẻ em thường có xu hướng phục hồi nhanh hơn. Hãy cùng nhìn vào những dữ liệu sau:

Hội chứng COVID kéo dài là gì?

Tính tới thời điểm này, vẫn chưa có một định nghĩa tiêu chuẩn nào về hội chứng covid kéo dài và thực tế là bản thân hội chứng này cũng thường có sự biến đổi.

Mặc dù không có một định nghĩa nhất định nào, nhưng hầu như khi mắc hội chứng này sẽ xuất hiện 3 nhóm triệu chứng chủ yếu sau:

- Ảnh hưởng về nhận thức như suy nghĩ chậm lại hay hội chứng "sương mù não" (brain fog).

- Các triệu chứng về thể chất bao gồm mệt mỏi, khó thở và đau người.

- Các triệu chứng về tinh thần như tâm trạng hay thay đổi và cảm thấy lo lắng.

Trong các tài liệu y khoa, với các triệu chứng như trên kéo dài hơn 28-30 ngày sau khi bắt đầu nhiễm COVID-19 người ta gọi đó là COVID kéo dài

Những ảnh hưởng của các triệu chứng COVID kéo dài có thể có tác động lớn đến khả năng hoạt động của người bị nhiễm bệnh trong sinh hoạt hàng ngày, công việc hoặc trong học tập.

Hội chứng COVID kéo dài có xảy ra ở trẻ em không?

Hội chứng COVID kéo dài có thể xảy ra ở trẻ em nhưng với tỉ lệ thấp hơn so với người lớn.

Có 2 nghiên cứu của Úc đã thống kê lại điều này. Trong một nghiên cứu về người lớn và trẻ em ở New South Wales, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng: 20% trong số hơn 2.000 trường hợp mắc COVID có các triệu chứng kéo dài sau 30 ngày. Sau 90 ngày thì con số này đã giảm xuống còn 5%. Nhóm tuổi trẻ nhất (0-29 tuổi) có khả năng phục hồi nhanh hơn so với các nhóm tuổi lớn hơn.

Còn trong nghiên cứu chỉ về trẻ em ở Victoria thì chỉ có 8% trong số 151 trẻ em nhiễm bệnh thể nhẹ có các triệu chứng kéo dài đến 8 tuần. Tuy nhiên phải mất 3-6 tháng để trẻ hồi phục hoàn toàn.

Nghiên cứu toàn diện nhất cho đến nay là một nghiên cứu lớn ở trẻ em từ 5-17 tuổi bị mắc COVID thể nhẹ ở Vương quốc Anh. Theo nghiên cứu đó thì có 4% trong số 1.734 trẻ em xuất hiện các triệu chứng kéo dài 28 ngày sau khi khởi phát bệnh.

Trong số những trẻ này, các triệu chứng xảy ra ở ngày thứ 28 ít hơn so với những tuần đầu tiên bị bệnh.

Nghiên cứu cho thấy có 1,8% trẻ em có các triệu chứng ở ngày thứ 56, các triệu chứng chủ yếu là: Đau đầu, mệt mỏi và mất khứu giác.

Có 3/4 số trẻ với các triệu chứng kéo dài được theo dõi đã hồi phục hoàn toàn. Nhưng 1/4 còn lại không được theo dõi, vì vậy người ta không xác định được chính xác có bao nhiêu trẻ trong nhóm nhỏ này có thể gặp các vấn đề lâu dài hơn.

Trong một nghiên cứu tương tự về những trẻ em mắc các bệnh do các loại virus khác gây ra, không phải do COVID cho thấy có 0,9% xuất hiện các triệu chứng kéo dài sau 28 ngày. Điều này cho thấy có một "tỷ lệ nền" của các triệu chứng không cụ thể như đau đầu và mệt mỏi xảy ra ở trẻ em - đây là một yếu tố quan trọng cần lưu ý.

Đối với biến thể Delta thì sao?

Những nghiên cứu này được thực hiện trước khi có những tác động của các biến thể mới đáng lo ngại mà đáng chú ý nhất là biến thể Delta.

Biến thể Delta có thể dẫn đến tình trạng gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID ở người lớn. Nhưng vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy biến thể Delta gây ra diễn biến bệnh nặng hơn ở trẻ em.

Tỷ lệ nhập viện hiện tại trong đợt bùng phát dịch do biến thể Delta năm 2021 ở New South Wales không cao hơn so với tỷ lệ ở trẻ em trên cả nước Úc trong năm 2020. Cả người lớn và trẻ em có khả năng nhiễm COVID nặng trong giai đoạn đầu (cấp tính) của bệnh dường như đều có nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài.

Các nhà khoa học cần phải có một định nghĩa đồng thuận về hội chứng covid kéo dài và tiêu chuẩn hóa để xác định nó. do tính chất không cụ thể của các triệu chứng covid kéo dài, các nghiên cứu cũng cần hướng tới một nhóm kiểm soát những trẻ chưa mắc covid để thực sự xác định được những ảnh hưởng của covid-19.

Các triệu chứng kéo dài có xảy ra sau khi nhiễm vi-rút khác không?

Câu trả lời là "có". Các trường hợp phổ biến bao gồm sốt viêm tuyến bạch cầu (glandular fever).

Theo các nghiên cứu báo cáo có đến 10-15% trẻ em và người lớn mắc các bệnh này xuất hiện các triệu chứng mãn tính bao gồm mệt mỏi, đau đớn, suy nghĩ chậm chạp và tâm trạng thay đổi.

Điều gì thực sự đã gây ra các triệu chứng kéo dài sau khi nhiễm virus, bao gồm cả COVID, vẫn đang là mối quan tâm lớn của các nhà nghiên cứu bao gồm viêm mãn tính, rối loạn lưu lượng máu hoặc tổn thương hệ thần kinh.

Tôi sẽ phải làm gì nếu con tôi mắc COVID?

Một số trẻ đã bị ho dai dẳng và cảm thấy mệt mỏi trong khoảng 4 tuần sau khi mắc COVID-19. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không nên lo lắng quá vì hầu hết trẻ em sẽ bình phục hoàn toàn.

Nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục kéo dài sau 4 tuần, cha mẹ nên liên hệ với bác sĩ hoặc nhân viên y tế.

Đối với các triệu chứng kéo dài, kể cả sau khi mắc COVID hay là bệnh nào khác, cha mẹ cần làm những việc sau để giúp quá trình phục hồi của trẻ được nhanh hơn:

- Đảm bảo cho trẻ những giấc ngủ ngon.

- Hướng dẫn trẻ dần dần trở lại các hoạt động bình thường.

- Khi trẻ cảm thấy mệt mỏi, hãy để trẻ nghỉ ngơi đầy đủ, trong các khoảng thời gian ngắn và sau khi vận động.

Cần có kế hoạch cho việc quay trở lại các hoạt động bình thường, bao gồm cả việc liên lạc với giáo viên của con để đi học trở lại, điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh học tập trực tuyến hiện nay.

Hãy hướng tới những kết quả đạt được, hãy lạc quan về khả năng phục hồi và luôn tìm kiếm sự trợ giúp nếu bạn không biết phải làm gì.

Theo Conversation

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/tre-em-co-bi-mac-hoi-chung-covid-keo-dai-hay-khong-toi-phai-lam-gi-neu-con-mac-covid-19-20210908114541409.chn)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY