"Tôi không thể chịu nổi tiếng hát từ nhà hàng xóm, mỗi lần trúng đề hay có gì vui, bên đó lại bật loa lên hát. Hát không hay, giọng ầm ầm nhưng bật loa hết công suất. Để trốn tiếng ồn, tôi đóng cửa, nhét bông gòn vào tai hoặc bỏ đi chỗ khác. Bức xúc lắm nhưng vì là hàng xóm của nhau, tôi không thể góp ý trực tiếp" - chị Nguyễn Thu Thanh (ấp 7, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM) bức xúc nói.
Xóm nhỏ nơi chị Thanh ở toàn những người quen biết nhau từ bao đời nên việc góp ý hay tố nhau ra ấp, ra tổ dân phố là chuyện bất đắc dĩ, hiếm hoi. Chính vì vậy, ô nhiễm tiếng ồn có cơ hội phát triển, không có điểm dừng. Không chỉ hát trong đám tiệc như hiếu hỷ, tang ma mà lúc ăn nhậu, tụ tập bạn bè, nhiều người cũng kéo loa ra đường bật hết công suất.
Đáng nói là mỗi khi nhận phản ánh của người dân, chính quyền địa phương cũng chỉ nhắc nhở, không xử phạt hành chính như quy định. Do đó, người gây tiếng ồn tiếp tục vi phạm; người phản ánh thấy không được giải quyết mà còn mích lòng nên cũng nản, cố chịu trận.
Để tránh tình trạng cả nể, sợ mất lòng nhau, chị Thanh cho rằng mỗi khu phố cần có hộp thư kín để người dân góp ý những vấn đề liên quan đến cư dân, nhất là việc gây tiếng ồn trong khu dân cư. Song song đó, UBND phường, xã phải xử lý nghiêm khi đối tượng vi phạm, không nên chỉ nhắc nhở làm "lờn Thu*c". Riêng với các trường hợp hát trong đám tang, tiệc cưới, tiệc sinh nhật…, địa phương nên nhắc nhở chủ tiệc bật âm thanh vừa phải, lưu ý thời gian sau 22 giờ để tránh ảnh hưởng đến khu dân cư.
Không chỉ lập hộp thư kín, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (quận Gò Vấp, TP HCM) cho rằng nên lập nhóm Zalo giữa người dân với tổ trưởng, công an khu vực, trưởng khu phố, để người dân phản ánh tình hình an ninh trật tự và những bức xúc về tiếng ồn. Việc lập nhóm sẽ làm tăng hiệu quả tương tác, khi một vụ việc được phản ánh, không thể cả ba bên đều ngó lơ không xử lý.
Hát karaoke là thú vui giải trí nhưng nếu bật loa lớn và hát bất kể giờ giấc thì lại là tra tấn người nghe Ảnh: Hoàng Triều
Có thể thấy, liều Thu*c trị tiếng ồn đã được quy định cụ thể trong các luật, nghị định và thông tư. Cụ thể, hành vi hát karaoke gây ầm ĩ, ảnh hưởng hàng xóm từ sau 22 giờ đến 6 giờ hôm sau là vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung của khu vực được quy định tại điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người vi phạm bị phạt từ 100.000 - 300.000 đồng.
Ngoài ra, hành vi sản xuất - kinh doanh, sinh hoạt gây ra tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép tại khu dân cư cũng bị xử phạt theo điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP phụ thuộc vào mức dBA tiếng ồn vượt quá bao nhiêu so với quy chuẩn tiếng ồn (quy định tại Thông tư 39/2010/TT-BTNMT quy định quy chuẩn quốc gia về môi trường). Nếu gây tiếng ồn trên 40 dBA, người vi phạm có thể bị phạt cao nhất lên đến 160 triệu đồng. Thẩm quyền xử phạt các nội dung trên thuộc chủ tịch UBND các cấp; công an các cấp; thanh tra chuyên ngành tài nguyên - môi trường và một số bộ phận khác.
Để luật thực sự phát huy tác dụng, chị Trần Thị Thúy Vân (quận 10, TP HCM) cho rằng phải tăng cường trách nhiệm của địa phương, gồm tổ dân phố, khu phố và công an phường. Bên cạnh đó, địa phương cần tuyên truyền tác hại của tiếng ồn, việc xử phạt ra sao để người dân nắm rõ. Đặc biệt với những nhà thường xuyên tổ chức tiệc tùng, hát karaoke, địa phương cần lên danh sách để tiếp xúc, tuyên truyền thường xuyên kiểu "mưa dầm thấm đất". "Tôi nghĩ bị công an khu vực nhắc nhở chừng 2 lần là chủ nhà phải suy nghĩ mỗi khi bật loa hoặc nếu vi phạm bị địa phương đến lập biên bản xử phạt thì chắc chắn chủ nhà sẽ sợ. Quan trọng là địa phương có chịu làm không. Nếu không làm thì người dân phản ánh lên cấp trên. Nếu phường nào, khu phố nào bị dân phản ánh nhiều thì trừ điểm thi đua cuối năm. Có như vậy, nạn tra tấn tiếng ồn mới mong giảm được" - chị Vân chia sẻ.
Còn theo anh Trần Trung (quận 8, TP HCM), xử lý tiếng ồn nên bắt đầu từ chủ nhà trọ bởi cuối tuần, công nhân thường tụ tập hát karaoke, có lúc vui chơi quá lố làm ảnh hưởng hàng xóm. Do đó, chủ nhà trọ nên nhắc nhở thường xuyên, thậm chí phát tờ rơi ghi rõ các quy định, mức phạt ra sao nếu vi phạm để nâng cao ý thức người ở trọ.
Thực trạng việc ca hát, mở loa lớn, sản xuất gây tiếng ồn tại các khu dân cư ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân đã xảy ra từ lâu và ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc xử lý hầu như chỉ dừng lại ở hình thức nhắc nhở. Nguyên nhân do tâm lý ngại va chạm, hơn nữa, chính quyền địa phương cũng không quyết liệt, hình thức xử phạt chưa đủ tính răn đe dẫn tới hành vi vi phạm diễn ra và thường xuyên tái phạm.
Trị tiếng ồn trong khu dân cư, dễ hay khó? Mời bạn đọc hiến kế giải pháp để có thể xử lý tốt nhất tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, để TP HCM ngày càng văn minh hơn.
Chủ đề liên quan:
biên bản xử phạt dân cư đối tượng vi phạm hát karaoke khu dân cư ô nhiễm tiếng ồn phát tờ rơi tiếng ồn tình làng nghĩa xóm tình trạng ô nhiễm