Trong cuộc sống hiện đại, có một căn bệnh gọi là bệnh vô tâm, nó như một loại virus lây lan khiến con người ta trở lên lãnh đạm, thờ ơ và thiếu đi những tấm chân tình với nhau. Cảm nhận được điều ấy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua nhạc phẩm ‘Để gió cuốn đi’ để gửi đi thông đến chúng ta thông điệp hãy sống thật lạc quan và bớt tham, sân, si để cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhấn mạnh, con người sống không chỉ để tồn tại mà còn: ‘‘Cần có một tấm lòng’’ cũng chỉ để gió cuốn đi. Cuộc đời vốn dĩ công bằng, không cho ai tất cả nhưng cũng chẳng lấy đi của ai tất cả vì thế “dù đau buốt trái tim” nhưng “còn cuộc đời ta cứ vui”.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhấn mạnh, con người sống không chỉ để tồn tại mà còn: ‘‘Cần có một tấm lòng’’ cũng chỉ để gió cuốn đi
‘Để gió cuốn đi’ là ca khúc giàu triết lý nhân sinh, phảng phất tinh thần của đạo Phật, như cố nhạc sĩ đã từng nói: “Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau…”.
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi… Câu ca ngắn gọn nhưng đầy sâu sắc, đâu đó là dư âm của cơn sóng lòng. Có lẽ ‘tấm lòng’ mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn muốn nói chính là tấm lòng yêu thương, sự quan tâm đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ người khác với tất cả chân thành.
Câu hát ngân vang như lời khuyên nhủ với người đời, hãy mở rộng tâm hồn, mở rộng lòng mà trao đi yêu thương, sẻ chia giúp đỡ nhau bằng cả tâm cả sức, cho đi mà không mong được nhận lại, hi sinh mà không mong được đền đáp.
Con người ngay từ khi được sinh ra đã được tạo hóa ban tặng cho một trái tim biết yêu thương, sự bao dung vị tha, hay những phẩm chất đạo đức tuyệt vời. Lớn lên, trải qua sự nhào nặn tôi tạo của xã hội, họ đã bị mất dần đi những điều tốt đẹp nhất, viên ngọc trong tâm đã bị bụi của cõi phàm trần che đi mất.
Để rồi từ khi nào trái tim họ như đóng băng, tâm họ như vô cảm, thờ ơ lạnh lùng. Con người trở nên bon chen, chà đạp lên nhau mà sống. Khi đau khổ hay thất bại họ luôn thấy mình cô đơn, trống vắng ngay cả khi họ ở giữa biển người, họ như bế tắc tới cùng quẫn. Tất cả cũng chỉ bởi vì người ta đã quên cho đi yêu thương, cảm thông hay chia sẻ. Chính vì thế mà ‘‘Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng’’.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn muốn truyền tải một thông điệp: “Người với người sống để yêu thương”. Đó là những tình cảm thiêng liêng, chân thành, xuất phát từ trái tim tự nguyện trao đi, nên tấm lòng ấy như ngọn lửa sưởi ấm nhau, nó phá đi khoảng cách ranh giới giữa con người.
Khi yêu thương được lan tỏa, những điều tốt đẹp được gió mang đi, thì khi ấy người ta thấy cuộc sống là niềm vui, là sự thanh thản và cũng hiểu được một góc của ý nghĩa cuộc đời.
Gió trong góc nhìn của nhạc sĩ, là những thứ có thể lan tỏa đi những giá trị tốt đẹp của con người, mang yêu thương mà gieo tới nhân gian, để rồi nó thổi cho niềm vui ấy, hạnh phúc ấy nhân lên gấp bội.
Gió của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không chỉ là như vậy, nó cũng cuốn đi cả những muộn phiền bay đi xa, đi xa nhường lại cho nhân gian là tiếng cười rộn rã lúc chiều tà, nó đủ sức phá tan đi sự cô quạnh.
Có rất nhiều người yêu nhạc Trịnh đã tìm thấy ở bài hát này một hình ảnh mà họ cho rằng, đây là những triết lý sâu sắc của nhà Phật. Đó chính là hình ảnh cuộc đời cũng như dòng nước cuốn trôi.
Phải chăng với nhạc sĩ, dòng đời luôn cuồn cuộn chảy, và những được mất ở thế gian cũng chỉ như chữ ghi trên mặt nước, sẽ bị xóa nhòa đi hết thảy, sẽ bị cuốn trôi hết thảy trong đó có cả những buồn đau. Thế nên ông vẫn nói, ông và đời là tha thứ cho nhau.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tài hoa, mang trong mình cả những nỗi đau đời. Người ta thường nói ông luôn ấp ủ những giấc mơ đẹp về những mối tình dang dở, thế nhưng chẳng ai có thể tìm thấy trong ông sự cay đắng với đời hay ông bắt âm nhạc phải chịu đựng những tủi hận, nỗi lòng của riêng ông.
Phải chăng ông muốn nói rằng, ta nên nhìn đời bằng mọi góc độ, ở nơi cùng cực hay ở tận cùng của tuyệt vọng, thì đâu đó luôn có một lối thoát cho ta. Muốn thấy được điều ấy, thì phải thực sự tĩnh lặng mà nhìn. Dẫu đời là những đau khổ, thì ta cũng trân trọng biết bao những năm tháng được sống trên đời. Nên ông nghiêng đời để thể hiện sự khiêm nhường và cũng là để tưởng nhớ cho những nỗi đau:
Một lần nữa ta lại thấy cơn gió kia cuốn đi mọi đau thương hay nỗi sầu. Hãy để gió cuốn đi, để rồi ta lại quên đi những thương tổn trong tâm hồn, lại tiếp tục sống, tiếp giống như con chim kia khi đau thì nằm im và rồi một ngày nó lại bay đi và cất tiếng hót. Cuộc sống vẫn cứ trôi đi, và ta vẫn phải sống. Cũng phải tạm biệt những nỗi đau, xoa dịu những vết thương lòng để bước cho trọn một đời người.
Ông luôn hy vọng, luôn nhìn đời bằng góc nhìn tích cực, chẳng ai thấy ông bi quan mặc dù đời là bể khổ. Có lẽ với nhạc sĩ, chuyện hôm nay chỉ là hôm nay, ngày mai sẽ lại tới, và ngày mai lại là câu chuyện của ngày mai. Cho nên hãy cứ vui đi, hãy cứ yêu đi bởi còn nhiều lắm những yêu thương ở đời. Chỉ cần ta không thôi hy vọng, chỉ cần ta còn có một ‘‘tấm lòng’’ thì gió kia sẽ lại mang đi những yêu thương tốt đẹp mà lan tỏa khắp nhân gian.
Những ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã giúp ta hiểu sâu sắc hơn về giá trị của “tấm lòng” trong cuộc đời. Mỗi con người sống trong xã hội, trong một cộng đồng, nếu chúng ta ai ai cũng đánh thức lòng trắc ẩn bên trong bản tính thuần thiện nguyên sơ của mình, người với người gắn bó với nhau bằng những yêu thương, thì có lẽ căn bệnh vô cảm kia sẽ không có chỗ đứng nào trong xã hội này.
‘Để gió cuốn đi’ là một nhạc phẩm chứa đựng rất nhiều triết lý nhân sinh, mà cái hay, cái tài của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là đem những tư tưởng triết lí ấy thổi hồn vào từng nốt nhạc mà đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng và ngự trị ở đó từ lúc nào không hay. Ta tìm thấy ở ca khúc này một chiếc chìa khóa để mở rộng cánh cửa tâm hồn, để được yêu thương và trao yêu thương và cũng để tình người còn mãi. Và, một lần nữa ta lại thả hồn mình vào với những âm sắc sâu ngọt của ca sĩ Khánh Ly, ‘để gió cuốn ta đi..’