Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Trung Quốc cách ly y tế lâu nhất thế giới

Trung Quốc quy định cách ly khách nhập cảnh ít nhất 21 ngày xuất phát từ chính sách “Zero Covid”, lo sợ rủi ro nếu mở cửa vội vàng.

Trung Quốc là một trong những nước có quy định cách ly người mắc Covid-19 lâu nhất thế giới, một phần của chính sách dập dịch "không khoan nhượng". Theo chính sách này, ca nhiễm cộng đồng và người tiếp xúc gần nhanh chóng được đưa đi cách ly. Giới chức địa phương sẽ phong tỏa khu vực nguy cơ cao, xét nghiệm liên tục hàng triệu người để tìm F0.

Du khách đến Trung Quốc cũng phải tự cách ly lâu hơn so với nhiều quốc gia khác. Thời gian tùy thuộc vào thành phố và tỉnh, nhưng ít nhất là 21 ngày. Ví dụ, người đến Bắc Kinh cách ly 14 ngày trong khách sạn, sau đó 7 ngày tại nhà, cuối cùng được "theo dõi sức khỏe" trong 7 ngày nữa. Ở Thâm Quyến, người dân cần cách ly 14 ngày, sau đó theo dõi triệu chứng 7 ngày (có thể ở nhà). Nhiều khu vực yêu cầu cách ly lâu hơn, như Thẩm Dương là 28 ngày trong khách sạn và 28 ngày tại nhà.

Theo các nhà khoa học, Trung Quốc ước tính thời gian cách ly dựa trên thời kỳ ủ bệnh của Covid-19. Chủng nCoV ở Vũ Hán có thời gian ủ bệnh là khoảng 6 ngày, trong khi biến thể Alpha là khoảng ba ngày.

Theo nghiên cứu về đợt bùng phát ở Quảng Đông từ tháng 5 đến tháng 6, công bố trên tạp chí EClinicalMedicine, biến thể Delta dễ lây lan có thời gian ủ bệnh trung bình là 4 ngày. Cơ quan Y tế Hong Kong cho biết hầu hết người mắc Covid-19 xuất hiện triệu chứng trong vòng 14 ngày kể từ khi nhiễm virus, phổ biến nhất là 5 ngày.

Chuyên gia dịch tễ Ben Cowling và nhà virus học Jin Dong-Yan của Đại học Hong Kong cho rằng cách ly 21 ngày là quá lâu. Theo Cowling, thời gian phù hợp là từ 10 ngày đến 14 ngày. Ông Jin cho rằng có thể rút ngắn cách ly với những người đã tiêm phòng đầy đủ.

"Tiêm vaccine có thể thu hẹp thời gian phát tán virus. Người được tiêm chủng có kháng thể, họ đã tự đẩy lùi được virus rồi", ông nói.

Các chuyên gia cũng cho rằng cách ly 21 ngày có thể gây ra lo ngại về vệ sinh hoặc làm tăng nguy cơ nhiễm nCoV tại khách sạn.

Dù vậy, một số nghiên cứu cho thấy có những trường hợp ủ bệnh lâu hơn 14 ngày. Hồi tháng 10, một phụ nữ Hong Kong có kết quả dương tính 5 ngày sau thời gian cách ly.

Nhân viên y tế giúp người dân di chuyển đến khu cách ly tại Bệnh viện Renji trực thuộc Trường Y Đại học Giao thông Thượng Hải, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, tháng 1/2021. Ảnh: Reuters

Chiến lược "không khoan nhượng với Covid" của Trung Quốc được người dân ủng hộ. Viện sĩ Chung Nam Sơn, cố vấn về Covid-19 cho biết quốc gia kiên định với chính sách này "một thời gian dài". Ông nhận định tỷ lệ T* vong vì Covid-19 toàn cầu là 2%, quá cao để Trung Quốc chấp nhận ngay cả khi có vaccine. Ông nói cái giá phải trả cho việc mở cửa quá nhanh là không đáng. Trung Quốc sẽ theo dõi kế hoạch "sống chung Covid-19" của các nước khác.

Theo một số chuyên gia, Trung Quốc có thể mở cửa lại đất nước, song chưa vội vàng làm điều này. Một số người tầng lớp trung lưu và thượng lưu có thể phàn nàn về những hạn chế đi lại quốc tế, phần lớn người dân hài lòng với chính phủ.

Hãng tin Tân Hoa xã nhận định nCoV là mầm bệnh khác lạ so với những virus trước đây về cả cách thức lây truyền và tỷ lệ T* vong. Theo đó, thế giới chỉ có hai lựa chọn: loại bỏ hoàn toàn Covid-19 hoặc để mầm bệnh lây lan diện rộng (nhằm đạt miễn dịch cộng đồng). Theo Tân Hoa xã, khi mùa đông đến, Bắc bán cầu và nhiều quốc gia không còn áp dụng biện pháp đeo khẩu trang, rất có thể dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo châu Âu sẽ ghi nhận thêm 500.000 ca T* vong do Covid-19 trong ba tháng tới, sau khi nới biện pháp phòng dịch. Theo chuyên gia Trung Quốc, virus không tự biến mất. Niềm hy vọng lớn nhất vẫn là tiêm chủng đầy đủ cho hầu hết dân số và tiến đến phương pháp chữa trị hiệu quả cao.

Thục Linh (Theo BBC, SCMP)

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/trung-quoc-cach-ly-y-te-lau-nhat-the-gioi-4393605.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY