Kinh tế xã hội hôm nay

Tự làm bánh Trung thu: Nhiều nguy cơ mất an toàn

Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Trung thu, tuy nhiên thị trường nhân bánh, vỏ bánh và bánh Trung thu, đặc biệt là các sản phẩm giá rẻ,
Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Trung thu, tuy nhiên thị trường nhân bánh, vỏ bánh và bánh Trung thu, đặc biệt là các sản phẩm giá rẻ, nhãn mác nhập nhằng đã được bày bán để phục vụ phong trào làm bánh trung thu handmade đang sôi động từ các gia đình đến trên mạng xã hội.

Tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội), các loại nguyên liệu phục vụ nhu cầu làm bánh trung thu đã được bày bán nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Tại đây, các nguyên liệu làm bánh dẻo, bánh nướng được bày bán với đầy đủ chủng loại. Từ các nguyên liệu làm nhân bánh như mứt bí, hạt dưa, lạp xưởng, hạt sen... đến các loại nước đường, nước hoa bưởi cùng bột bánh dẻo, bánh nướng để làm vỏ bánh..., nói chung khách hàng muốn mua thứ gì chủ hàng đều sẵn sàng cung cấp.

“Để làm nhân bánh thập cẩm, em mua mứt bí, hạt dưa, lạp xưởng, hạt sen... mỗi thứ một ít về trộn với nhau là ngon thôi”, vừa nói bà chủ một cửa hàng tại chợ Đồng Xuân vừa chỉ tay vào những túi nguyên liệu làm bánh trung thu đựng trong những chiếc túi bóng sơ sài, buộc dây chun ở đầu với nét chữ nguệch ngoạc: mứt bí, hạt dưa, bột bánh dẻo, nhân hạt sen... còn lại hoàn toàn không có thêm thông tin gì về nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng của các loại nguyên liệu này. Dù giá cả giữa các hàng đều không giống nhau, giá từ 70.000-160.000đ tùy loại nhân, song điểm chung là tất cả các nguyên liệu làm bánh đều không có hạn sử dụng. Do thời tiết mưa nắng thất thường, nhiều gói mứt bí bắt đầu có hiện tượng chảy nước. Những gói nhân đóng sẵn được bày gần sát với vỉa hè ẩm mốc, trông rất mất vệ sinh.

Theo chủ một cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh, khách mua nguyên liệu làm bánh chủ yếu là các công sở, đặc biệt là trường học, với số lượng lớn cho các em nhỏ tập làm bánh. “Chỉ cần cho bột vào khuôn, nhồi nhân vào là có ngay bánh dẻo. Cho vào lò nướng là có một mẻ bánh thơm lừng. Mỗi kg nhân làm được 20-30 chiếc bánh. Mấy hôm nay đông khách, có nhà hảo tâm còn đặt mua cả tạ bột làm nghìn cái bánh tặng trẻ em”, chủ cửa hàng này quảng cáo.

Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện Khoa học công nghệ và thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội), xu hướng tự làm bánh trung thu sẽ ngày càng phát triển và rất đáng khuyến khích, nhưng thực tế, tất cả các công đoạn làm bánh, mua nguyên liệu đều mua sẵn ngoài thị trường, rủi ro về an toàn vệ sinh thực phẩm. “Nguyên liệu làm nhân bánh như trứng muối, thịt mỡ, xúc xích, lạp sường rất dễ ôi thiu..., chưa kể người sản xuất còn sử dụng chất bảo quản, hương liệu tạo mùi. Tại sao người mua mua được, cơ quan quản lý lại không kiểm tra được? Vấn đề ở đây là chúng ta chưa có tổ chức giám sát về vấn đề an toàn thực phẩm bánh Trung thu”, ông Thịnh nói. Theo TS. Thịnh, người tiêu dùng nên tự tay chế biến nguyên liệu và kiểm soát đầu vào thực phẩm làm bánh để bảo đảm an toàn.

Tết Trung thu: Người dân có thể yên tâm?

Trên thực tế, năm nào vào dịp tết Trung thu, cơ quan quản lý cũng tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra ở cả cấp Trung ương lẫn các địa phương nhằm kiểm soát, phát hiện sớm những nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm và đương nhiên nhiều sản phẩm bánh Trung thu, nhiều loại nguyên liệu không đảm bảo đã được bắt giữ. Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, mùa Trung thu sắp tới gần, nhu cầu tiêu thụ các loại bánh kẹo tăng cao, song đây cũng là thời điểm cho các vi phạm về chất lượng thực phẩm diễn ra. Đặc biệt, nguy cơ xuất hiện bánh Trung thu không bảo đảm an toàn thực phẩm, sản phẩm giả, nhái và sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ.

Mùa Trung thu năm nay, cơ quan chức năng - Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm đã lên kế hoạch thành lập 6 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm Hà Nội, Lạng Sơn, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, An Giang, Điện Biên, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai từ ngày 31/8-25/9/2015. Đối tượng thanh tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống, tập trung ưu tiên vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát, thịt, sản phẩm từ thịt...

Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản đề nghị Giám đốc Sở Y tế - Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh/thành phố triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm.

TS. Nguyễn Thanh Phong cho rằng, thời gian Tết Trung thu rất ngắn, nhu cầu tiêu dùng của người dân tập trung gia tăng đột biến nhiều khi vượt quá cả năng lực sản xuất... Nhiều nhà sản xuất, kinh doanh bất chấp các quy định an toàn thực phẩm, chất lượng nguyên liệu để sản xuất, khai thác nguồn hàng để kinh doanh, tất cả vì mục đích lợi nhuận. “Hậu quả của việc không bảo đảm an toàn thực phẩm của một công đoạn hay nhiều công đoạn làm bánh là làm cho bánh bị ô nhiễm, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, mạn tính, bệnh truyền qua thực phẩm và làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người ăn”, ông Phong lo ngại.

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-tu-lam-banh-trung-thu-nhieu-nguy-co-mat-an-toan-16323.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY