Tâm sự hôm nay

Tu nghiệp ở nước ngoài: Nghe - Thấy - Sờ?

Sự học là công việc suốt đời của mọi ngành nghề nói chung, đặc biệt là ngành y.
Sự học là công việc suốt đời của mọi ngành nghề nói chung, đặc biệt là ngành y.

Đi tu nghiệp y lâm sàng ở nước ngoài có nhiều dạng chứ không phải cái nào cũng là tu nghiệp.

Dạng thấp nhất và phổ biến nhất là tham dự một khóa học vài tuần, 1-2 tháng, do tự bỏ tiền túi hay được tài trợ. Khóa học này có thể được tổ chức tại Thái Lan, Pháp hay Mỹ do một hội y học, do một trường đại học uy tín hay do WHO tổ chức. Học viên các nơi được tập trung về, các giảng viên được mời tới. Sau khóa học có một tờ giấy chứng nhận, thế thôi, đơn thuần lý thuyết. Dạng học này tôi gọi là dạng "nghe". Nhiều người đi học về bỗng dưng xưng tụng mình là học trò của giáo sư nào đó, rất nổi danh trên thế giới, quên sạch công lao những người thầy Việt Nam... nghe cứ tưởng như người thầy đó cầm tay chỉ việc. Thực ra, ông ấy chỉ là giảng viên được mời đến giảng 1-2 buổi rồi về, vậy thôi.

Dạng kế đến là tham quan (visitor, observer), tự bỏ tiền túi hay được tài trợ. Người học được vô bệnh viện, đi theo một ông thầy, gặp bệnh nhân, vô phòng mổ và chỉ… đứng ngó mà thôi, không bao giờ được khám, được sờ bệnh nhân chứ đừng nói tới chuyện được phụ mổ, được làm. Thời gian học linh động tùy theo khả năng tài chính của đơn vị tài trợ hay túi tiền của người đi học. Dạng học này tôi gọi là dạng "thấy". Người đi học dạng này hoàn toàn có thể tự hào nói mình đã từng được học giáo sư A, giáo sư B, nhiều người thường quá đà, bảo rằng "tôi được mổ này, mổ kia".

Dạng cao cấp nhất trong học lâm sàng là dạng được làm việc tại nơi đi thực tập, được tham gia khám bệnh, phụ mổ và thậm chí được mổ chính dưới sự giám sát, hướng dẫn của một ông thầy. Dạng này tôi gọi là dạng "sờ". Cái khác biệt cơ bản giữa dạng thấy và dạng sờ là người đi theo dạng sờ có lương chứ không phải học bổng. Tôi còn nhớ khi tôi vào học năm thứ nhất y khoa, GS. Nguyễn Quang Quyền dạy giải phẫu có nói: "Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ". Như vậy, đi tu nghiệp theo dạng sờ sẽ được học rất rất nhiều so với hai dạng kia.

Trong các nước phát triển, Tây Âu hay Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…, việc người bác sĩ nước ngoài được đụng đến người bệnh bản xứ là chuyện hiếm hoi. Nước Pháp có chương trình FFI giúp bác sĩ nước ngoài được "sờ". Tôi đến Thụy Sĩ cũng may mắn được vô dạng "sờ" nhờ 2 năm thực tập tại Pháp trước đó. Các nước khác đều đòi hỏi người bác sĩ nước ngoài có bằng tương đương mới được thực tập dạng Sờ như chứng chỉ PLAB ở Anh, ECFMG ở Mỹ. Ở Hà Lan, ở Anh, tôi chỉ được học dạng "thấy" thôi vì không có bằng tương đương của các nước này. Như vậy, không riêng gì tiết niệu mà các ngành lâm sàng khác ở Pháp đều có chương trình FFI giúp bác sĩ ngoại quốc không có bằng tương đương được thực tập lâm sàng đúng nghĩa.

Đối với một bác sĩ lâm sàng, việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn là không có điểm dừng, ngoài sự nắm vững về lý thuyết thì kỹ năng thực hành là vô cùng quan trọng cho dù là tu nghiệp nước ngoài hay trong nước.

BS. Nguyễn Thành Như

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-tu-nghiep-o-nuoc-ngoai-nghe-thay-so-8618.html)

Chủ đề liên quan:

nước ngoài tu nghiệp

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY