Tâm sự hôm nay

Khi người nước ngoài chữa bệnh tại Việt Nam

Câu chuyện về người nước ngoài chữa bệnh tại Việt Nam được dệt nên từ đôi bàn tay tài hoa và trái tim nhân hậu của những người con đất Việt.
Một luật sư người Mỹ đủ điều kiện về Mỹ chữa bệnh nhưng ông lại chọn Việt Nam để điều trị. Một chuyên gia người Nhật bị bệnh lý tim mạch tưởng không qua khỏi nhưng bác sĩ Việt Nam đã làm nên kỳ tích. Và một bác sĩ người Nga trong cơn thập tử nhất sinh đã được cứu sống một cách kỳ diệu… Câu chuyện về người nước ngoài chữa bệnh tại việt nam được dệt nên từ đôi bàn tay tài hoa và trái tim nhân hậu của những người con đất Việt. Để rồi dù ở đâu, Mỹ, Nhật, Úc hay Nga, hai tiếng Việt Nam vẫn lại được xướng lên đầy kiêu hãnh, tự hào!

Chất lượng Mỹ, chi phí Việt Nam

Ông Dale Ewards Washington (56 tuổi) là một luật sư người Mỹ làm việc tại Washington (Mỹ), đồng thời ông cũng là chuyên gia tư vấn luật quốc tế tại TP.HCM. Trong một lần đến Việt Nam, tham quan chùa Yên Tử (Quảng Ninh), ông Dale E. Wasington không may bị đứt kín gân gót chân trái 100%, bàn chân không thể đưa lên đưa xuống. Sau khi bàn bạc kỹ với gia đình, ông quyết định đến Bệnh viện Chợ Rẫy để chữa trị, dù ông hoàn toàn có điều kiện về nước điều trị.

“Vào BV. Chợ Rẫy tôi đã trao đổi với bác sĩ rất kỹ về tình trạng chấn thương. Tiếng Anh của bác sĩ Việt Nam rất tốt nên tôi dễ dàng tìm hiểu về phương pháp phẫu thuật, cách tập vật lý trị liệu và cả tham quan phòng mổ, vô trùng… Tôi hoàn toàn yên tâm khi chữa bệnh ở đây”, luật sư Dale E. Washington chia sẻ. BS. Lê Văn Tuấn - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật, cho biết: ca phẫu thuật nối gân gót chân cho luật sư kéo dài 1 giờ 20 phút bằng kỹ thuật mới với những trang thiết bị y tế sản xuất tại Mỹ.

Điều trị ở Việt Nam xong, ông Dale và vợ là bà Lê Thị Giàu đã trở về Mỹ, đến bệnh viện hàng đầu về chấn thương chỉnh hình kiểm tra lại. Tại đây, sau khi kiểm tra xong các bác sĩ ở Mỹ đánh giá: “Quy trình xử trí của các bác sĩ Việt Nam chính xác, đúng kỹ thuật. Kết quả chữa trị rất tốt”. Sau 6 tháng kể từ ngày phẫu thuật, vợ chồng luật sư Dale đã quay lại Bệnh viện Chợ Rẫy cảm ơn bác sĩ. Ông vui mừng chia sẻ, hiện giờ chân ông đã đi lại bình thường. Các bác sĩ ở Mỹ rất nể phục bác sĩ Việt Nam. Đứt gân gót chân thực sự không phải là một ca phẫu thuật quá khó. Song nếu xử lý không khéo thì người bệnh trong tương lai có khả năng không thể đi đứng được. Bà Lê Thị Giàu không giấu được sự xúc động, tự hào khi kể lại: “Khi kiểm tra cho chồng tôi, các bác sĩ ở Mỹ không ngừng khen ngợi các bác sĩ Việt Nam, họ ngỏ ý xin số điện thoại của bác sĩ Việt Nam để trao đổi thêm. Là một người Việt Nam, tôi thấy rất hạnh phúc và tự hào”.

Một điều đặc biệt, theo ông Dale, chất lượng điều trị tại Việt Nam rất tốt, ngang tầm ở Mỹ nhưng chi phí lại rất thấp. Với trường hợp của ông, từ khi nhập viện đến lúc xuất viện là hơn một tuần, tổng chi phí khoảng 1.000 USD (khoảng 21 - 22 triệu đồng). Nhưng cũng trường hợp như thế này, nếu qua Mỹ, chi phí là 15.000 USD; còn ở Singapore phải lên tới 50.000USD.

Không chỉ chữa trị tốt cho bệnh nhân nước ngoài mắc những bệnh khá phổ biến mà ngay cả những bệnh rất phức tạp, nguy hiểm đến tính mạng, các bác sĩ Việt Nam cũng điều trị thành công.

TS.BS. Nguyễn Thái An - Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, mới đây, một chuyên gia người Nhật (58 tuổi) được Bệnh viện FV chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng đau nhói ở ngực, khó thở, rất nguy kịch. Bệnh nhân được chẩn đoán bị bóc tách động mạch chủ. Diễn tiến bệnh ngày càng xấu, nguy cơ Tu vong rất cao khi động mạch chủ trái còn có dấu hiệu tràn dịch và đau ngực liên tục. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật đặt 2 stent graft động mạch chủ (từ trước tới nay chỉ đặt stent động mạch vành và động mạch nhỏ). Ca phẫu thuật đã rất thành công, bệnh nhân không có một biến chứng nào và đã khỏe mạnh. Đây là trường hợp thứ hai đặt stent graft động mạch chủ thành công, trước đó, bệnh viện đã phẫu thuật cho một bệnh nhân người Nga.

Theo BS. Nguyễn Thái An, thiết bị stent graft, Việt Nam phải nhập từ nước ngoài về. Tuy nhiên, chi phí hiện nay cho một ca đặt stent graft ở Việt Nam với 2 lần đặt chỉ khoảng 365 triệu đồng, trong khi đó, nếu ra nước ngoài đặt thì sẽ tốn trên 1 tỉ đồng.

Bác sĩ Nga cũng chữa bệnh tại việt nam

Cho tới giờ, bác sĩ Victo ShanSov - chuyên gia bệnh nhiệt đới Viện Nghiên cứu Nhiệt đới của Liên bang Nga vẫn không thể tin được là mình được cứu sống. Trong một lần đi nghiên cứu tại tỉnh Tây Ninh, ông nghỉ trưa tại chuồng trâu, bò ở cánh đồng. Và rất không may ông bị bệnh sốt mò. Tuy nhiên, khi bệnh nhân bị sốt, hôn mê đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175 thì rất khó chẩn đoán. BS.CKII. Nguyễn Đức Thành - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện 175 cho biết, đây là một ca rất khó chẩn đoán. Lúc đầu, bệnh nhân được điều trị theo hướng nhiễm trùng huyết do chẩn đoán không điển hình. Kết quả cấy máu là một loại vi khuẩn đường ruột L.Coli. Sau rất nhiều lần hội chẩn, cuối cùng các bác sĩ thống nhất điều trị theo bệnh sốt mò. Và bệnh nhân đã hồi phục nhanh chóng.

Ngày bác sĩ Victo ShanSov xuất viện, ông nghẹn ngào: “Cũng là một bác sĩ nên tôi biết trình độ chuyên môn của các bạn là vô cùng tốt. Nhưng trong trường hợp của tôi, các bạn chỉ giỏi thôi là chưa đủ; mà đó còn là trách nhiệm của bản thân với nghề nghiệp; là lương tâm của một người bác sĩ đối với bệnh nhân. Trong một tình huống vô cùng khó khăn, các bạn vẫn kiên cường đến cùng để tìm được nguyên nhân để điều trị chính xác. Lòng biết ơn và sự khâm phục xin được gửi các bạn đồng nghiệp của tôi”. Khi về Nga, chuyên gia Victo ShanSov đã kể câu chuyện này cho các bác sĩ ở Viện nghiên cứu Nhiệt đới nghe và mọi người đã rất nể phục các bác sĩ Việt Nam.

Cũng là một người Nga, nhưng một triệu phú được sinh ra tại thành phố Vladivostok sau khi được các bác sĩ Việt Nam cứu sống một cách thần kỳ đã xem Việt Nam là quê hương thứ hai của mình.

Mẹ của triệu phú là bác sĩ, giảng viên Học viện Quân Y Nga, vợ là một bác sĩ sinh hóa. Trong một chuyến du lịch của cả gia đình tại Khánh Hòa, sau khi tắm bùn, bệnh nhân bất ngờ bị sốt cao, lơ mơ. bệnh nhân khi nhập viện cấp cứu Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa, các bác sĩ chẩn đoán viêm não. Ngay sau đó, bệnh nhân bị hôn mê và được chuyển viện vào Bệnh viện V. TP.HCM. Các bác sĩ Bệnh viện V. chẩn đoán bệnh nhân bị viêm não virút và trả về.

Khi được chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 chờ làm thủ tục máy bay để chở về nước, bệnh nhân đang trong tình trạng hôn mê, phải thở máy. Tại đây, các bác sĩ hội chẩn và phát hiện ra một cái đóng vẩy của vết thương. Bác sĩ nghĩ đó là đường vào của vi khuẩn, tiến hành làm xét nghiệm, điều trị đặc hiệu kết hợp với lọc máu cho bệnh nhân. Sau 12 giờ, bệnh nhân phục hồi một cách thần kỳ: tỉnh táo, nhận biết mọi thứ xung quanh. Bệnh nhân được mẹ và vợ ôm chầm lấy rồi tất cả đều chảy nước mắt vì vui sướng. Ngay khi vừa về nước, gia đình anh đã gửi tặng các bác sĩ Việt Nam một bức tranh có dòng chữ và biểu tượng thành phố Vladivostok với dòng tâm tư: “Gửi trọn tình yêu thương và sự biết ơn tới các bác sĩ Việt Nam, những người mẹ đã sinh ra tôi thêm một lần nữa. Cùng với Vladivostok, Việt Nam là quê hương thứ 2 của đại gia đình”. Giờ đây, gia đình triệu phú vẫn thường xuyên qua Việt Nam, mỗi lần đi họ luôn mang theo đặc sản là trứng cá hồi đen để tặng các bác sĩ Việt Nam.

Số lượng bệnh nhân người nước ngoài đến khám và điều trị tại Việt Nam đang ngày càng tăng. Theo số liệu của Bệnh viện Chợ Rẫy, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã khám và điều trị cho hơn 1.200 bệnh nhân người nước ngoài. Trong đó, có 1/4 số bệnh nhân đến từ các nước tiên tiến như: Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Australia, Nga… còn lại là bệnh nhân ở các nước đang phát triển.

Theo PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đối với việc điều trị cho nước ngoài, Việt Nam hiện đã có một số cơ sở có uy tín đối với các nước, nhất là các nước đông dương. Đã có nhiều người nước ngoài hay Việt kiều tại các nước tiên tiến nhưng vẫn về Việt Nam điều trị các dịch vụ như thụ tinh trong ống nghiệm, mổ mắt, hay chữa răng, răng hàm mặt. Đây là một lợi thế rất lớn nếu mình biết phát huy sẽ tạo sự thu hút mạnh mẽ.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận hiện người nước ngoài đến vẫn chỉ sử dụng dịch vụ y tế rất tốt nhưng dịch vụ sinh hoạt rất hạn chế. Đây là một điểm yếu và mong muốn trong thời gian tới sẽ xây dựng được chính sách để biến ngành Y tế thành ngành cung ứng dịch vụ, tạo ra được một tỉ trọng GDP nhất định trong nền kinh tế quốc dân. Đây là một hướng chúng ta phải suy nghĩ đến để có thể đáp ứng nhu cầu của các bệnh nhân trong nước thường ra nước ngoài chữa bệnh. Khi mà mỗi năm Việt Nam mất khoảng 2 - 4 tỉ USD do người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh. Trong khi đó, nếu chúng ta giữ được người bệnh, chúng ta đã giữ được một khoản rất lớn ngoại tệ cho nước nhà. Tiếp đến, chúng ta có thể thu hút một lượng lớn bệnh nhân người nước ngoài đến chữa bệnh tại việt nam.

ANH HÙNG

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-khi-nguoi-nuoc-ngoai-chua-benh-tai-viet-nam-8673.html)

Tin cùng nội dung

  • “Siêu quậy” nhà tôi hay chạy nhảy lắm, cho nên trầy xước, bầm tím là… chuyện thường ở huyện! Tôi đọc báo thấy nước ngoài có loại keo sinh học dùng để dán vết thương, không biết ở Việt Nam có bán loại này chưa? Nếu có thì tốt quá, tôi sẽ mua cho “siêu quậy” dùng dần. Cảm ơn Mangyte! (Hoàng Quân - lehoang…@gmail.com)
  • Tôi muốn đăng ký khám chữa bệnh tại nhà cho ba mẹ tôi thì liên hệ ở đâu? Thủ tục như thế nào? Sắp tới công việc của tôi rất bận nên muốn tìm dịch vụ này cho tiện. Cảm ơn mangyte.vn! (Thu Hồng - Đà Nẵng)
  • Tôi là Việt kiều Mỹ thường về Việt Nam. Tôi có thể mua bảo hiểm tại các bệnh viện Việt Nam phòng khi đau ốm bất ngờ không? (Le Van Nam - ongnam…@yahoo.com)
  • Theo Đông y, húng quế vị cay, nóng, thơm dịu. Có tác dụng làm ra mồ hôi, giảm đau, lợi tiểu, lương huyết.
  • Sấu không chỉ là món ngon thường có trong bữa cơm gia đình Việt trong những ngày hè mà còn là dược liệu rất tốt trong chữa bệnh.
  • Từ lâu, nhân dân ta đã biết sử dụng các biện pháp chườm nóng hoặc chườm lạnh để chữa đau lưng, đau khớp, sưng nề sau chấn thương, hoặc điều trị các viêm tấy. Để chườm nóng hoặc chườm lạnh, người ta sử dụng các chất trung gian truyền nhiệt...
  • Thư ngỏ gửi cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại - kêu gọi ủng hộ dự án Y học cùng cộng đồng chia sẻ các bài viết về bệnh tật, bảo vệ sức khỏe.
  • Thay vì bán thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) riêng lẻ, nay người dân muốn mua BHYT phải mua theo hộ gia đình.
  • Sứa và các món ăn từ sứa như canh sứa, nộm sứa rất quen thuộc trong sổ tay ẩm thực của những người sành ăn. nhưng tác dụng chữa bệnh của con sứa thì nhiều người còn chưa biết.
  • Kế hoạch hóa gia đình theo phương pháp tự nhiên là phương pháp xác định thời điểm có thể quan hệ T*nh d*c mà không thể có thai
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY