Cây Đào và Con Ong
Điều ta muốn nói trước tiên với hai con là ta có đức tin vững chãi với hai con. Các con hãy ý thức về tự do của mình. Không ai có quyền buộc các con làm những gì mà các con không muốn làm và cấm các con làm những gì mà các con muốn làm. Ngay bây giờ và rồi đây trong tương lai, các con hãy chỉ hành động theo nhận thức của các con. Quyết định của các con đúng hay sai, điều đó không quan trọng mấy. Quan trọng là ở chỗ các con học được bài học kinh nghiệm và mỗi khi quyết tâm về một việc gì, các con có ý thức tỉnh táo về quyết định ấy và can đảm nhận lấy trách nhiệm. Được như thế thì dù còn đây hay đã khuất rồi, ta cũng sẽ vui lòng cùng chịu chung trách nhiệm với các con.
Ta thấy các bậc cha mẹ thường hay lo lắng quá đáng cho con cháu của mình, và dù con cháu đã lớn khôn, họ cũng luôn luôn có cảm tưởng là con cháu họ vẫn còn nhỏ bé và dại dột. Cũng vì vậy mà họ cứ theo sát để bảo vệ và giáo dục con cháu khiến cho đàn hậu tiến có cảm tưởng mất tự do. Ta thì ta thấy rằng từ khi lọt lòng mẹ, các con đã nhận được đầy đủ tất cả những ký thác của giống nòi rồi. Cách đây hai mươi năm, ta đã ươn trong vườn nhà một hạt đào. Hạt đào đã mọc thành một cây đào tươi tốt, khỏe mạnh, lá cành xanh tốt. Cây đào nở hoa mỗi năm và làm nên những trái đào rất thơm và rất ngọt. Trong hạt đào năm xưa, giòng giống đào tiên đã ký thác tất cả trí tuệ và ước vọng của mình. Không cần ai giáo dục mà hạt đào vẫn biết nứt mầm, làm lá, làm cành, làm hoa, làm trái.
Có lẽ một số các cô và các chú của con khi đó đọc đến những dòng trên sẽ cho rằng ta muốn đưa con cháu trở về với nếp sống dã man không pháp luật, không giáo dục, không đạo đức, không văn hóa. Có lần ta nghe nhà văn Triều Sơn nói: “Một xã hội có văn hóa là khi nào nó đã ra ngoài cái tình trạng sinh hoạt thiên nhiên của thú vật. Ra ngoài bằng cách thích ứng với hoàn cảnh và thay đổi hoàn cảnh để nó thích ứng với mình mà thỏa mãn những nhu cầu của mình. Ra ngoài bằng hoạt động lao tác”. Nhà văn Triều Sơn làm như các loài thực vật và động vật (khác) không biết thích ứng với hoàn cảnh và thay đổi hoàn cảnh và hoạt động lao tác.
Cây đào trong vườn nhà nhà ta biết thích ứng với hoàn cảnh lắm chứ. Các con ong thường đến viếng cây đào vào mùa Xuân cũng biết thích ứng với hoàn cảnh, thay đổi hoàn cảnh và hoạt động lao tác lắm chứ. Vốn không phải là một sinh vật có mặc cảm tự tôn, ta nghĩ rằng không phải chỉ có con người mới có văn hóa. Cây đào tiên kia và con ong cần mẫn và nhiều tài năng kia cũng có một nền văn hóa của chúng chứ sao không. Nhiều khi ta tiếc rằng mức độ văn hóa của con người không bằng trình độ văn hóa của cây đào và của con ong. Thi sĩ Nguyễn Công Trứ đã chẳng có lúc ước ao làm một cây thông hơn làm một con người đó sao?
Cái thứ văn hóa của loài người chúng ta là thứ văn hóa gì mà khiến cho trái đất chúng ta lâm vào tình trạng bi đát như bây giờ, hả các con? chúng ta đã làm nhiễm ô cả trái đất, chúng ta đã tiêu diệt bao nhiêu chủng loại thức vật và động vật, chúng ta đã cũng đã gây ra bao nhiêu khốn khổ ch*t chóc cho người đồng loại. hiện nay số lượng vũ khí nguyên tử đang đè nặng trên số phận loài người và và nhiều chủng loại khác: cuộc thi đua võ trang điên rồ giữa các khối hầu như không còn có thể chận đứng lại được nữa.
Các con hãy nhìn lại đất nước và dân tộc chúng ta. đã mấy mươi năm rồi, chúng ta bị dồn vào thế phải giết hại và thủ tiêu lẫn nhau. chúng ta chỉ nói hòa giải và hòa hợp dân tộc ở đầu môi chót lưỡi thôi, chứ trong thực tế thì chúng ta phải thủ tiêu nhau, giam hãm nhau để mà củng cố cho guồng máy chính trị mà chúng ta chọn lựa. súng ống mà chúng ta sử dụng để bắn giết nhau, chúng ta đem vào từ bên ngoài. các ý thức hệ chuyên gây sợ hãi và căm thù, chúng ta cũng đem vào từ bên ngoài. nói thì là tranh đấu để bảo vệ tự do, để khôi phục chủ quyền đất nước, để xây dựng công bằng xã hội, nhưng làm lại là tước đoạt tự do, đưa đất nước càng ngày càng lệ thuộc chính trị và kinh tế vào một ngoại bang, đem chiến tranh ý thức hệ và giai cấp tàn phá sinh mạng dân chúng và làm cho nếp sống dân chúng càng ngày càng trở nên bần hàn cơ cực. nếp sống đó, nền văn hóa đó, ta cho là thấp kém hơn nếp sống và văn hóa của một cây đào, của một con ong.
Cây đào kia và con ong kia tự do hơn chúng ta. Cái mà ta thường gọi là văn hóa, cái đó là những thứ bùa mê Thu*c lú đầu độc chúng ta, tước đoạt tự do của chúng ta. Suốt trong thời gian chiến tranh giữa miền Nam với miền Bắc, cả hai miền nước ta đều nói tới văn hóa, đều chủ trương phát huy một nền văn hóa dân tộc để phục vụ cho đất nước, cho con người Việt Nam. Thực chất của những chủ trương kia, xét lại cho kỹ, chỉ là những luận điều tuyên truyền mà chúng ta dùng đả kích đối phương. Văn hóa chỉ có nghĩa là lên án và đả kích. “Gà một nhà bội mặt đá nhau”, không ai trong chúng ta là không thuộc lòng câu đó. Ấy vậy mà tất cả chúng ta đều bị buộc phải bôi mặt để mà đá nhau. Bôi mặt bằng cái thứ phấn sơn nào? Bằng phấn sơn “văn hóa”.
Tôi đã bôi mặt rồi, tôi theo thứ văn hóa này, anh chống tôi là anh muốn tiêu diệt tôi. Anh chống tôi thì anh phải ch*t. Nhưng tại sao tôi phải bôi mặt? Tại vì đứng riêng rẽ tôi sẽ bị người ta nuốt chửng. Tôi bôi mặt vì tôi muốn có hậu thuẫn của khối người cùng một chất phấn sơn. Vì vậy cho nên tôi vừa sử dụng ý thức hệ của người ta vừa sử dụng mưu lược và súng ống của người ta. Người anh em tôi, nó bôi mặt bằng chất phấn sơn khác tức là nó cố tình xem tôi là kẻ thù. Làm sao tôi có thể còn là người anh em của nó?
Chắc các con cũng biết rằng tất cả bi đát là ở chỗ ấy. phấn sơn là phấn sơn của người, nhưng mà trên mặt ta, người ta nói, nó phải có tính cách dân tộc. là duy linh, là nhân vị, là tự do, là hiện thực, là khoa học, là xã hội chủ nghĩa… tất cả những phấn sơn đó đều “không trái chống với tính dân tộc” đều “bồi đắp cho nền văn hóa dân tộc”. nhân danh dân tộc, chúng ta chỉ đã làm cho dân tộc điêu đứng và lầm than.
Các con cũng thấy rằng kẹt vào thế tranh chấp giữa những khối lớn, đất nước ta khó mà có được một nền văn hóa độc lập. chúng ta bị buộc phải chọn lựa giữa các khối, phải “tiếp thu” văn hóa của các khối để gây “vốn mới văn hóa”, bổ túc cho “vốn cũ văn hóa” của truyền thống dân tộc.
Các con biết không, trong những năm đầu của cuộc chiến, một số các cô chú của các con đã thấy rõ cái nguy cơ của hiện tượng gà một nhà bôi mặt đá nhau. Họ đã từng la lớn: chúng ta đừng có nên bôi mặt, để còn có thể nhận được mặt nhau. Tiếng nói của họ, thương thay, đã bị chìm át trong tiếng loa tuyên truyền và sau đó trong tiếng bom tiếng súng. Một số anh em ta, một số các cô chú của hai con đã can đảm từ khước việc bôi mặt cương quyết đứng giữa lửa đạn mà kêu gọi tình huynh đệ. Họ đã bị cả hai bên xem là kẻ thù, bắn giết, tù đày, bức tử.
Có những người bôi mặt với ý thức tỉnh táo rằng đây chỉ là phương tiện nhất thời để đi qua một giai đoạn. “Miễn mình còn nhớ mình là người Việt”. Nhưng cuộc sống tranh đấu hàng ngày buộc họ phải nhận diện họ trong kính soi và trên khuôn mặt của những kẻ cùng sử dụng một thứ phấn sơn. Rút cục là họ đồng nhất họ với thứ phấn sơn đó và trở nên kẻ thù không đội trời chung với những người anh em khác màu phấn sơn với họ.
Ta viết cho con vào đầu năm 1982. cuộc chiến chưa chấm dứt đâu hai con. phấn sơn vẫn còn nguyên vẹn là phấn sơn cũ. nó đã ăn sâu vào da mặt của cả đôi bên. chưa chừng nó sẽ thấm sâu vào da thịt và xương tủy ta cũng nên. nguy biết mấy cho tương lai của nền văn hóa dân tộc. cuộc tranh chấp vốn là cuộc tranh chấp của những siêu cường, nhưng hoàn cảnh đã đưa đẩy và đã buộc chúng ta nhận làm cuộc tranh chấp của chúng ta. chúng ta giết nhau không gớm tay. một nhạc sĩ trẻ đã thốt lên “ôi cái ch*t đau thương vô cùng, ôi đất nước u mê ngàn năm”. u mê là u mê ở chỗ nhận cuộc tranh chấp của người làm cuộc tranh chấp của mình.
Ta nói với hai con là cuộc chiến chưa chấm dứt, bởi vì trong âm thầm mỗi chúng ta vẫn nuôi dưỡng căm thù và dạy cho con cháu chúng ta nuôi dưỡng căm thù. Những đứa trẻ năm bảy tuổi, đầu óc còn chưa biết nhận xét, chúng ta dạy cho chúng căm thù. Chúng ta không dung nhau trong nước đã đành, ra tới nước ngoài, chúng ta cũng đập phá, tàn tạ và bôi xấu nhau. Chúng ta hại nhau trong các trại tỵ nạn, tại những nước định cư, chụp mũ nhau và có khi chém giết cả nhau nữa.
Nếu hai con được sống ở một môi trường thoải mái như cây đào của chúng ta và kẻ láng giềng biết điều của nó là con ong vàng cần mẫn thì ta sẽ sung sướng biết bao. Các con sẽ có điều kiện phát triển tự nhiên, và tinh hoa của nền văn hóa giống nòi sẽ phát hiện ở nơi hai con. Hai con biết không, giữa con ong và cây đào có một sự hợp tác mầu nhiệm. Con ong cần đến nhụy hoa để đem về làm mật; cây đào cần đến con ong để hoa đào có thể kết trái. Cây đào đã công phu làm ra những cái hoa có những cánh phơn phớt màu hồng để mời mọc con ong và để hướng dẫn con ong tới.
Loài người chúng ta thường tự hào là loài duy nhất có cái biết. Kỳ thực cái biết của cây đào và cái biết của con ong cũng sâu sắc không kém gì cái biết của loài người. Dù ta có gọi cái biết của con ong là bản năng đi nữa thì cái biết ấy cũng là một cái biết tuyệt diệu. Con ong là một kiến trúc gia tài tình, một thám hiểm gia kinh nghiệm và một thành viên xã hội kiểu mẫu. Sau khi khám phá ra một địa điểm có hoa, con ong về tổ và đi một vài đường múa để chỉ đường cho đồng loại bay tới địa điểm ấy.
Ta không chủ trương “chống đối văn hóa” đâu hai con. Ta cho rằng văn hóa là nếp sống đang vươn tới cái lành, cái đẹp và cái thật. Ta chỉ nghĩ rằng phải giải độc cho văn hóa mà thôi. Không thể có một nền văn hóa riêng rẽ cho con người. Sự sống là một toàn thể. Coi con người là chủ tể và tất cả muôn loài khác là những phương tiện phục vụ cho con người, ta thấy đó là điều lầm lỗi căn bản trong nhận thức về văn hóa. Loài người chỉ là một trong số muôn loài. Tất cả những loại thảo mộc và sinh vật trên trái đất đều nương tựa vào nhau mà tồn tại. Nếu con người tự cho mình là chúa tể, phí phạm, tàn phá và tiêu diệt các loài khác để phục vụ cho chính mình tức là con người tự tiêu diệt.
Trên thực tế, không những con người đang tàn phá các loài khác mà lại đang tàn phá cả môi trường sinh hoạt chung là núi, rừng, sông hồ, biển cả, không khí. Từ mặt trăng, hành tinh xanh là trái đất của ta đã được chụp hình như một cơ thể xinh đẹp; nhưng ta biết rằng cơ thể đó đang bị một loài vi khuẩn tàn phá thảm thương: vi khuẩn đó là loài người. Không những con người đang tàn phá sinh môi mình, con người lại cũng đang xây đắp đời sống hưởng thụ của mình trên xương máu của đồng loại nữa. Ta không thể xét đến một nền văn hóa dân tộc nếu ta không xét đến nền văn hóa của con người và của cả trái đất.
Trước hết, ta hãy nói đến cách thức con người sản xuất và tiêu thụ. Có khi nào đi ngang qua một cánh đồng, các con lắng tai mà không nghe tiếng muôn loại côn trùng rỉ rả hay không? Ở Tây phương hiện giờ, có những cánh đồng rộng mênh mông mà khi đi ngang qua ta cảm thấy một sự lặng yên kinh khiếp. Tất cả các loại sinh vật nhỏ bé sống ở trên và dưới mặt đất đã bị Thu*c sát trùng tiêu diệt. Có khi nào các con cầm lên tay một tờ Nữu Ước Thời Báo số ra ngày chủ nhật không? Tờ báo ấy khổ đã lớn mà dày có tới khoảng từ bảy tới mười phân tây, nặng tới ba bốn ký. Nếu tính số giấy cần thiết để in một số báo như thế mà phát hành ngày chủ nhật thì ta phải đốn cả một rừng cây để làm bột giấy.
Có khi nào các con ước lượng số lon bia, lon coca cola, khăn giấy và ly giấy sử dụng và quăng bỏ mỗi ngày nghỉ hè trên một bờ biển Tây phương không? Dân cư ở nhiều làng mạc nghèo đói ở Á Phi có khi phải đi bộ cả năm bảy cây số mới đội về hoặc gánh về được một ít nước. Số bia và số nước ngọt tiêu thụ trong một ngày hè có giá trị ngang hàng với công trình thủy lợi có thể cung cấp nước uống cho hàng chục làng mạc một cách thường xuyên. Số hộp giấy, ly giấy và lon giấy có giá trị ngang hàng với giấy bút cho hàng trăm trường tiểu học trong nhiều năm. Các con có biết nếu Tây phương bớt ăn thịt và uống rượu lại năm mười phần trăm thì hàng chục triệu trẻ em Á Phi sẽ khỏi phải ch*t đói mỗi năm không? Hạt lúa thay vì dùng để nuôi trâu bò gà vịt và để nấu rượu có thể đem đi cứu đói tại các nước này. Sự kình chống giữa hai khối lớn trên quốc tế không giúp được ta làm giảm bớt tình trạng nát lòng đó. Theo bên nào ta cũng làm cho tình trạng bi đát thêm.
Tuy liên bang xô viết và hợp chủng quốc hoa kỳ là những thế lực chống đối nhau, nhưng mưu đồ của hai bên lại giống hệt như nhau. bên nào cũng chạy đua sản xuất vũ khí, mong chiếm được thượng phong, bên nào cũng rút huyết mạch của dân chúng đổ vào quỹ quốc phòng, bên nào cũng muốn nới rộng vùng ảnh hưởng của mình trên thế giới. bên nào cũng bán vũ khí cho các nước nhược tiểu, dù rằng dân chúng các nước này dang cần cơm cần gạo. sống ở bên nào, sống theo bên nào, nhân cách của ta cũng bị tước đoạt, dù ta có đồng lõa hay không đồng lõa với các guồng máy kinh tế và chính trị của họ. trong trạng huống đó, ta khó mà nói đến một nền văn hóa dân tộc và độc lập.
Lâu nay các bác, các cô và các chú của hai con mỗi khi nói đến nền văn hóa dân tộc thường hay có khuynh hướng đề cao nguồn gốc và truyền thống của nền văn hóa này. Đã đành rằng khi ta có tự hào về nguồn gốc và truyền thống của ta thì ta lại càng yêu mến “ta” hơn, nhưng làm như thế không khỏi vướng mắc vào thái độ chủ quan và kỳ thị. Ta có nguồn gốc “Tiên Rồng” cao quý, điều này không có nghĩa là những dân tộc khác không có nguồn gốc cao quý, điều này không có nghĩa là các dân tộc khác không dũng cảm, không đánh bại được xâm lăng.
Vương quốc Chiêm Thành ngày xưa cũng đã từng đánh bại được cuộc xâm lăng của Đại Việt, và vua Trần Duệ Tông bị phục kích ch*t trong thành Trà Bàn. Nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống thường nhìn dân tộc Đại Việt như nhìn một dân tộc man rợ, không có văn hóa; nếu ta không chịu nổi thái độ đó thì ta không nên nhìn những dân tộc khác như những dân tộc hèn kém và bán khai. “Nước ta có bốn ngàn năn văn hiến”, những câu nói như thế chỉ để hoặc tạo nên mặc cảm tự tôn hoặc ngăn cản mặc cảm tự ti. Có biết bao nhiêu nền văn hóa đã bị hủy diệt, trong đó có những nền văn hóa thật rực rỡ và lâu bền. Xét về căn bản thì mỗi nhóm dân tộc đều trải qua những giai đoạn phát triển tương tợ, và sự hơn kém của các nền văn hóa đôi khi chỉ được quyết định do một vài điều kiện thuận lợi có tính cách địa phương mà thôi.
Paul Huard đã nghĩ đúng khi ông nói: “Không có nền văn hóa nào nên tự thẹn, cũng không có nền văn hóa nào được phép khinh mạn những nền văn hóa khác… Mặc cảm tự ti cũng như tự tôn đều không chính đáng”[1]. Ta làm sao có khả năng yêu thương được con người nếu ta chỉ có thể thấy được cái quý cái đẹp của riêng ta… Chúng ta ưa nói nước ta là một quốc gia có bốn ngàn năm văn hiến. Chúng ta ưa nghĩ rằng tổ quốc ta và dân tộc ta không những không thua kém ai, trái lại, còn có nhiều cái hơn người. Nói về văn hóa hay viết về văn hóa, chúng ta ưa viện dẫn lịch sử và đời sống để chứng minh rằng ta có văn hóa, và có văn hóa cao. Điều đó cũng dễ hiểu thôi, bởi vì ai cũng muốn tự hào về tổ quốc mình và nòi giống mình.
Tuy nhiên, không phải vì chúng ta nói ta có văn hóa cao mà văn hóa ta cao. Trong một vườn hoa trăm hồng ngàn tía ta chỉ là một đóa hoa thôi; và nếu ta tâm niệm được điều đó thì ta sẽ nhận ra tính cách trẻ con trong thái độ thao thức muốn chứng minh rằng ta hay, ta đẹp hơn người. Sự phát triển của văn hóa tùy thuộc rất nhiều vào những điều kiện địa lý và lịch sử. Mặc cảm tự ti hay mặc cảm tự tôn đều là những mặc cảm không nên có. Không có dân tộc nào mà không có văn hóa. Điều quan trọng là với nền văn hóa của mình, một dân tộc có sống hạnh phúc hay không, có thương yêu nhau không, có làm khổ nhau và làm khổ những dân tộc khác hay không.
Cái quý cái đẹp của riêng ta đã đành là có đó, nhưng điều này không cấm ta thấy được những cái xấu cái dở của chúng ta. hai con đọc đoạn này để nghe người việt nam nói về mình: “trong quá trình sản xuất và chiến đấu chống ngoại xâm, trong quá trình đấu tranh cách mạng, nhân dân các dân tộc việt nam đã cùng nhau hun đúc nên những phẩm chất cao quý đẹp đẽ của con người việt nam: lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường bất khuất, tình đoàn kết keo sơn, ‘thương người như thể thương thân’, trí thông minh sáng tạo, đức cần cù lao động, tinh thần lạc quan yêu đời, phẩm chất hồn nhiên, bình dị… nhân dân các dân tộc ở việt nam đã cùng nhau xây dựng nên một nền văn hóa phong phú, đa dạng những độc đáo việt nam” [2].
Những phẩm chất cao quý đẹp đẽ nói trên của con người Việt Nam là có thật, nhưng nói về văn hóa và lịch sử mà không đề cập tới những hiện tượng tham vọng, kỳ thị, chia rẽ, bạo động và phản phúc đã từng đưa dân tộc và đất nước vào những giai đoạn tăm tối và khổ đau trong lịch sử thì đó vẫn chỉ là hành động vỗ về tự ái dân tộc mà không phải là công trình xây đắp văn hóa. Cầm bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên lên mà đọc, hai con sẽ thấy lịch sử ta đầy dẫy những âm mưu, phản phúc, bạo động, kỳ thị và chia rẽ. Không biết các con nghĩ sao chứ riêng ta, ta chẳng bao giờ có thể tự hào được về công trình chiếm cứ và tiêu diệt trọn cả vương quốc Chiêm Thành.
Ta nghĩ là để xây dựng con người và văn hóa Việt Nam, các sử gia của chúng ta phải can đảm nói rõ ràng và đầy đủ về những tham vọng và bạo động trong lịch sử dân tộc: những tài liệu đó sẽ soi sáng cho việc tu thân, tề gia và trị quốc của mỗi người trong chúng ta. Không có gì hại ta bằng khi ta có những nhược điểm mà ta không biết rõ.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
-
[1] Paul Huard, Les Chemins du Raisonnent et de la Logique en Extrême-Orient.
[2] Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Lịch Sử Việt Nam, Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1971
Còn tiếp...