Các nhà bình sử thời nay nói giọng cách mạng, thường ưa đổ tất cả mọi lỗi lầm lên đầu giai cấp phong kiến thống trị. Ra cái điều ta đây đứng vào thế “nhân dân”, thế “đại chúng”, ta không chịu trách nhiệm gì về những hành động phản dân tộc và phản văn hóa của giai cấp thống trị này. Giai cấp thống trị phong kiến, họ nói, chận đứng đà phát triển của nền văn hóa dân tộc bằng cách mô phỏng nếp sống ngoại quốc, gieo rắc mê tín dị đoan. Họ lại nói rằng chỉ có giai cấp nông dân mới thức sự sáng tạo văn hóa dân tộc: nào ca dao, nào tục ngữ, nào chuyện cổ tích, nào hát ví, hạt dặm, hát quan họ, nào tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, nào gạch Bát Tràng…
Dùng một lưỡi gươm bén chặt khối dân tộc ra làm hai, họ chia ra một bên là đa số nhân dân và một bên là thiểu số thống trị phong kiến, và quy mọi tội lỗi cho thiểu số này. Họ không muốn thấy rằng chính khối đại chúng thiếu học mới là giới ưa nuôi dưỡng mê tín dị đoan. Họ không muốn thấy rằng chính những giới biết chữ mới sáng tạo được chữ Nôm. Đánh bại được những cuộc xâm lăng, đó đâu phải là công trình của riêng một giới nông dân mà là công trình chung của mọi giới trong đó phải kể vai trò của giới trí thức phong kiến.
Sáng tạo văn hóa dân tộc đâu phải chỉ là công trình của riêng giới nông dân mà là công trình chung: những sách vở do tiền nhân trước tác, những chuông Quy Điền, những vạc Phổ Minh vân vân… mà quân nhà Minh phá hủy, thiêu đốt hoặc chở về Bắc Kinh đều là những sáng tạo phẩm văn hóa của giới biết chữ. Giới biết chữ và giới cầm quyền đều là con cháu của nông dân chứ không phải là con cháu của ai khác. Họ có lầm lỗi thì cũng là cha ông của chúng ta, nói một cách khác hơn, họ là chúng ta; chúng ta không thể phủi tay nói rằng họ là kẻ thù của chúng ta, cha ông của chúng ta, những thành tích và những lỗi lầm của họ còn đó, trong bàn tay của chúng ta, chúng ta không chịu trách nhiệm gì về họ.
Các con hãy đưa bàn tay của các con ra mà nhìn ngắm: tổ tiên của chúng ta, cha ông của chúng ta, những thành tích và những lỗi lầm của họ còn đó, trong bàn tay của chúng ta, chúng ta không làm sao loại bỏ ra khỏi chúng ta được. Thái độ khôn ngoan nhất là hãy chấp nhận một cách can đảm để suy nghiệm, để tự vấn và để thể hiện một ý thức mới có thể đưa bản thân ta và giống nòi ta thoát đến một chân trời mới.
Những quốc gia yếu, nhỏ và bị áp bức luôn luôn muốn vùng dậy giành lấy độc lập chính trị và độc lập kinh tế của mình. Cuộc tranh đấu rất cam go. Cam go đến nỗi nếu không có đồng minh thì không đủ sức mạnh để tiếp tục chiến đấu. Chính vì cần đồng minh cho nên ta mới từ từ bị lệ thuộc vào đồng minh. Ta sử dụng súng ống và ý thức hệ của họ. Ta trở nên bãi chiến trường của họ, và cuối cùng ta làm chư hầu của họ. Nói rằng ta có văn hóa độc lập nhưng đời sống tư tưởng, kinh tế và giáo dục của ta chép y theo kiểu mẫu của họ. Làm sao ta có văn hóa độc lập được khi ta không được tư duy độc lập?
Ở một xứ mà mọi tư tưởng trái chống với ý thức hệ nhà nước đều bị tiêu diệt ngay lúc chưa nẩy mầm thì làm sao có suy tư độc lập, làm sao có văn hóa độc lập? Ước muốn có chủ quyền quốc gia, chính quyền nào cũng có. Nhưng muốn thực sự có chủ quyền quốc gia phải mạnh. Quốc gia làm sao mạnh được khi mọi tiềm năng sáng tạo đều bị đè nén? Các nhà cầm quyền luôn luôn sợ hãi rằng những tiềm năng sáng tạo kia một khi được giải tỏa sẽ phá tan guồng máy thống trị của họ. Vì vậy họ phải tiếp tục đè nén. Quyền bính để thực hiện sự giải phóng dân tộc do đó trở thành một loại xiềng xích ngăn cản không cho dân tộc vươn lên giải phóng thực sự.
Trong khi ta loay hoay về vấn đề độc lập và tự do của tổ quốc ta thì tình trạng quốc tế đã trở nên vô cùng hiểm nghèo do cuộc thi đua vũ trang nguyên tử của các cường quốc gây nên. Ta biết đói kém và sự áp bức là những nhiên liệu rất bén nhạy để châm ngòi chiến tranh nguyên tử. Ta biết nếu cuộc chiến tranh nguyên tử bùng nổ, con người và nền văn minh của nó sẽ bị tiêu diệt. Ấy vậy mà ta không thể vùng vẫy ra khỏi những tranh chấp cục bộ để góp phần vào việc đẩy lui hiểm họa chiến tranh diệt chủng này.
Ta muốn kể cho hai con nghe câu chuyện ngụ ngôn này của dân tộc Ấn Độ. Một người lái buôn góa vợ kia có một đứa con trai năm tuổi. Ông ta cưng chiều con, xem nó như là lẽ sống đời ông. Một bữa nọ ông đi vắng, kẻ cướp đến đốt xóm đốt làng và bắt cóc đứa con của ông đi theo. Khi người cha trẻ về tới nơi, thấy thi hài một đứa bé trạc tuổi con mình ch*t thiêu bên căn nhà cháy rụi của mình, ông tin ngay rằng đó là con ông đã ch*t. Ông khóc lóc và làm lễ trà tỳ (hỏa thiêu) thân xác đó; rồi vì thương con quá, ông cất tro xương của thi hài vào một cái túi gấm và đi đâu cũng mang theo bên mình.
Mấy tháng sau, vào lúc nửa đêm, đứa con thoát được trở về và gõ cửa đòi vào. Người cha, lúc ấy đang mang chiếc túi gấm đựng tro và khóc thương con mình, không chịu đứng dậy mở cửa. Ông tin rằng con ông đã ch*t thực rồi, và đứa trẻ đang gõ cửa xưng con ngoài kia là một đứa trẻ hàng xóm nào đó đang cố tình trêu ghẹo ông. Vì thế mà đứa trẻ con thật của ông phải thất thểu ra đi, và người cha khốn khổ kia vĩnh viễn mất đứa con của mình.
Câu chuyện ngụ ngôn cho ta thấy sự thiệt thòi gây ra do thái độ cuồng tín và hẹp hòi. Khi ta đã tin vào một lý thuyết như chân lý tuyệt đối rồi thì ta không còn có khả năng cởi mở để thấy mặt mũi sự thật nữa, dù sự thực có đến gõ cửa tìm ta. Ta có thể vì “chân lý” mà gây ra bao đau thương tang tóc cho người đồng loại.
Ngày xưa cái học của ta bao gồm Nho, Phật và Lão. Ba nguồn tuệ giác này đều có tác dụng soi sáng cho nhân tâm và thế đạo. Nho học được xem như chú trọng về mặt trị thế hơn Phật học và Lão học. Tuy vậy vai trò đào tạo nhân cách và gạn lọc tâm hồn của Phật và Lão rất quan trọng; phương châm xử thế của đạo Phật cũng đã duy trì được hòa bình và tình huynh đệ trong nhiều thế kỷ liên tiếp. Trong các triều đại Lý và Trần, đạo Phật rất mực hưng thịnh; tuy vậy các đạo Nho và Lão không hề bị đè nén. Trái lại cả ba truyền thống cũng tồn tại được với nhau trong tinh thần tương dung tương hợp. Đó là những thời đại có hòa bình lâu đài nhất của lịch sử nước ta và cũng là những thời đại vẻ vang nhất, sáng đẹp nhất. Kịp đến khi Nho học chiếm địa vị độc tôn thì Phật, Lão bị dèm pha, chê bai.
Trạng nguyên Lương Thế Vinh chỉ vì sáng tác cả sách Phật mà sau đó không được thờ cúng trong Văn miếu. Sự hẹp hòi về tư tưởng đó đã khiến cho triều Lê đầy dẫy những bạo động và loạn lạc. Cuộc tranh đấu giải phóng dân tộc ở thế kỷ của chúng ta sở dĩ hao tốn nhân mạng và thời giờ một cách oan uổng là cũng do sự hẹp hòi về tư tưởng và sự chèn ép lẫn nhau giữa các đảng phái. Các đảng phái thanh toán lẫn nhau ngay trong thời gian cần phải đoàn kết để chống lại các thế lực ngoại bang. Bởi thế cho nên thay vì chỉ cần năm bảy năm để tranh đoạt được nền tự chủ, chúng ta đã mất tới bốn mươi năm. Bao nhiêu triệu người đã ch*t oan uổng vì sự hẹp hòi đó.
Từ thế kỷ thứ hai, đất Giao Châu đã là chiếc nôi của sự sống chung hòa hợp giữa các nguồn tuệ giác Phật, Lão và Khổng. Nếu các con có đọc sách Lý Hoặc Luận của Mâu Tử thì các con thấy được điều đó. Truyền thống tốt đẹp ấy kéo dài tới đầu thế kỷ thứ mười lăm. Hai triều đại Lý và Trần rạng chiếu tinh thần cởi mở bao dung và nhờ đó, chúng ta đã có tới bốn thế kỷ hòa bình. Tinh thần bao dung đó, há chẳng phải là vốn liếng quý báu của nền văn hóa dân tộc? Tại sao ta không bảo tồn nó?
Phương châm thứ hai được nhắc đến là dân tộc. Nền văn hóa chúng ta phải có tính cách dân tộc. Cố nhiên tất cả chúng ta đều mong muốn như vậy. Nhưng thế nào là tính cách dân tộc? Các con hãy nghe hai ông Trương Chính và Đặng Đức Siêu viết về văn hóa dân tộc: “Nền văn hóa chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, tức là một nền văn hóa được học thuyết Mác - Lê-nin soi sáng và nhằm mục đích phục vụ chế độ xã hội chủ nghĩa. Cơ sở của nó là nền văn hóa dân tộc. Nó không xa lìa truyền thống dân tộc, không quên dĩ vãng của dân tộc. Nó phải có tính dân tộc, đồng thời thích ứng với cuộc sống hiện nay, phản ánh tâm hồn người Việt Nam thời nay” [3].
Ta thấy như hai ông đang cố gắng trộn lẫn một lít nước với một lít dầu để cuối cùng lít nước nằm ở dưới (“cơ sở của nó là nền văn hóa dân tộc”) và lít dầu nằm ở trên (“nền văn hóa của chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa xã hội chủ nghĩa”). Ngộp thở cho nền văn hóa dân tộc biết mấy. Chúng ta biết nói rằng nguồn gốc của tính dân tộc là tâm hồn và tình cảm Việt Nam, vậy mà chúng ta lại đem lề lối suy nghĩ và một nếp sống rất ngoại lai úp chụp lên trên đầu dân tộc. Có thời nào trong lịch sử ta mà trẻ con đi tố cáo cha mẹ và hàng xóm đi tố cáo lẫn nhau như bây giờ không? Có thời nào trong lịch sử mà đời sống cá nhân bị kiểm soát tới tận phạm vi tư tưởng và tình cảm như bây giờ không?
Chúng ta chê trách các triều đại phong kiến chỉ tiếp thu mọi thứ thiết chế văn hóa của người phương Bắc về để làm công cụ trị dân, nhưng chúng ta không thấy được rằng chúng ta đang lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm khuôn vàng thước ngọc và chỉ dám học tập chủ nghĩa ấy mà không dám phê bình không? Ta có thấy là ta đã mô phỏng guồng máy cai trị của nước ngoài hay không? Những cách thức tổ chức kiểm soát, kìm kẹp và trừng phạt người dân, ta có biết là ta đã bắt chước ở mẫu mực nước ngoài không? Ngày xưa dân tộc ta có bao giờ thiết lập những trại học tập cải tạo trên rừng núi như bây giờ. Nền văn hóa xã hội chủ nghĩa có tính cách dân tộc ở chỗ nào?
Các con ơi, trong một vườn hoa chúng ta thấy có nhiều loại hoa, trăm hồng nghìn tía, đưa hương phô sắc. Mỗi loài hoa có đặc tính của nó; nhìn thấy và ngửi thấy, ta nhận được đó là loại hoa nào. Một dân tộc là một loài hoa. Nó có những đặc tính của nó. Ta không thể ép buộc một đóa thược dược phải có những cánh hoa hường. Nếu ta bắt ép quá thì đóa thược dược sẽ héo tàn. Bắt buộc dân tộc phải suy tư và hành động theo một mẫu mực không thích hợp với dân tộc đó, như vậy đâu phải là theo tình thần khoa học? Ta than phiền rằng hiện tượng tiêu cực và nạn tham nhũng lan tràn.
Tại sao ta tiêu cực? Tại vì ta đã cố gắng hết sức ta mà vẫn không thể hồ hởi và phấn khởi. Tại sao ta tham nhũng? Tại vì quanh ta ai cũng tham nhũng cả, nhất là những thành phần cốt cán; không tham nhũng thì không sống được. Tại sao đồng bào ta bỏ nước ra đi, kể cả những giới lao động như ngư dân và nông dân? Có khi nào trong lịch sử mà đồng bào bỏ nước đi tới hàng triệu người, bất chấp hải tặc và cái ch*t? Tất cả những điều đó không đủ để cho chúng ta thấy rằng nếp sống hiện tại đi ngược với tính dân tộc sao? Vì đi ngược với dân tộc tính cho nên nó đang bị dân tộc chối bỏ.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
-
[3] Trương Chính và Đặng-Đức Siêu, Sổ Tay Văn Hóa Việt Nam, nhà xuất bản Văn Hóa, Hà nội 1978.
Còn nữa...
TIN, BÀI LIÊN QUAN: