GD&TĐ - Từ khi lọt lòng, em Nguyễn Xuân Quỳnh Gia đã có làn da đỏ bỏng, mỗi khi gặp gió thì trở nên nứt nẻ. Những lúc như vậy, em khóc ré lên, cha Quỳnh Gia chỉ biết ôm vào lòng với hy vọng giúp con bớt đau. Mặc dù mắc bệnh bẩm sinh nhưng em Nguyễn Xuân Quỳnh Gia luôn cố gắng vươn lên trong học tập.
Gà trống nuôi con Em Nguyễn Xuân Quỳnh Gia (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Ngô Quyền, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) khi mới lọt lòng nước da đã đỏ ửng và nứt nẻ. Thương con, gia đình Quỳnh Gia đã đưa em đi chữa trị khắp nơi nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Sau nhiều lần đi thăm khám ở các bệnh viện gia đình mới biết Quỳnh Gia mắc bệnh “vẩy cá” bẩm sinh. Cuộc sống khó khăn, buồn phiền vì căn bệnh của con gái, khi Quỳnh Gia được 10 tháng tuổi thì mẹ em rời đi.
Từ ngày vợ đi, anh Nguyễn Xuân Giang (55 tuổi) gà trống nuôi 2 người con. 3 cha con ở nhờ trong căn nhà người thân cho mượn tại tổ 2 (phường Thống Nhất, TP Kon Tum). Do Quỳnh Gia còn nhỏ nên anh Giang học cách pha sữa, tắm rửa, vệ sinh cho con. Người đàn ông với đôi tay khô ráp vừa làm cha, vừa làm mẹ với mong muốn bù đắp tình yêu thương cho con.
“Là một người đàn ông, tay chân không được khéo léo nên việc chăm con ban đầu với mình cũng khá khó khăn. Mỗi ngày mình tìm tòi, học hỏi từ người quen nên việc chăm con cũng dần khéo lên. May mắn các con ngoan nên mình cũng đỡ vất vả. Mình mong rằng khi con lớn lên sẽ không tự ti, mặc cảm và được như bạn bè cùng trang lứa. Là một người làm cha mình chỉ mong mang lại những gì tốt đẹp nhất cho con”, anh Giang tâm sự.
Kinh tế của anh Giang chỉ dựa vào thu nhập ít ỏi từ việc lái xe tải. Những khoản tiền kiếm được anh Giang cố gắng tiết kiệm để tiếp tục chữa bệnh cho con. Do đó, khi có ai giới thiệu bác sĩ giỏi, hay loại Thu*c hay anh đều sắp xếp công việc đưa con gái đi chữa trị.
Mỗi tháng tiền Thu*c và thăm khám cho Quỳnh Gia cũng ngót hơn 2 triệu đồng. Số tiền còn lại, 3 cha con anh chắt chiu để ăn uống qua ngày. Tuy nhiên, căn bệnh quái ác không “buông bỏ” cô con gái nhỏ của anh. Năm Quỳnh Gia lên 3 tuổi được người cô đưa ra Hà Nội thăm khám và uống Thu*c nên may mắn tóc dần mọc ra và đen hơn. Nhưng cơ thể vẫn chằng chịt các vết nứt nẻ.
Bận rộn kiếm tiền trang trải cho cuộc sống nên anh Giang không có nhiều thời gian chăm sóc con. Cũng mong con được đi học như bạn bè cùng trang lứa nên khi Quỳnh Gia lớn anh Giang tìm đến nhà trẻ để gửi con đi học. Nhưng khi thấy cô bé “da rắn” thì ai nấy đều lắc đầu.
Thế rồi, người cha lại lủi thủi đưa con về nhà. Khi Quỳnh Gia lên 5 tuổi, một người biết được hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh của gia đình nên đã nhận chăm sóc cô bé “da rắn”. Từ đó, người “mẹ đỡ đầu” dạy cho Quỳnh Gia biết mặt con chữ. Cô bé tiếp thu kiến thức nhanh, chỉ sau vài tháng đã đọc được bảng chữ cái và đếm số. Thế rồi, cô bé "da rắn" ngày nào dần tự tin bước vào lớp 1.
Ước mơ của cô học trò Những ngày đầu con đến lớp, anh Giang không hôm nào yên lòng. Bởi anh sợ cô con gái nhỏ bị bạn bè chọc ghẹo, xa lánh. Để con không còn tự ti, mặc cảm, anh nhờ các cô giáo thường xuyên quan tâm, động viên và dặn dò các bạn không xa lánh Quỳnh Gia, bởi căn bệnh của cô bé không lây nhiễm.
“Ngày đầu con đến trường mình bồn chồn lo lắng lắm, mấy đêm liền không ngủ. Bởi mình sợ con cô đơn, lạc lõng vì bị mọi người kì thị. Con còn quá nhỏ và không có tội gì nên mình không muốn con bị xa lánh”, anh Giang nói.
Anh Giang kể: Những ngày đầu Quỳnh Gia đến trường, nhiều phụ huynh, học sinh thấy con anh có làn da đỏ ửng, nứt nẻ nên bàn tán và giữ khoảng cách. Một số người còn không cho con cái lại gần vì sợ bị lây nhiễm. Có người lại nói Quỳnh Gia như “người ngoài hành tinh” khiến người làm cha như anh chạnh lòng vì thương con.
“Khi chứng kiến ánh mắt kì thị, xa lánh và những câu nói đó, bản thân mình rất đau lòng. Mình thì không sao, nhưng con mình còn quá nhỏ. Con mình cũng như mọi người bình thường, chỉ là cháu kém may mắn hơn vì mắc căn bệnh vẩy cá bẩm sinh. Thương Quỳnh Gia, mình chỉ biết dành nhiều tình yêu thương hơn nữa để bù đắp những mất mát của con. Mình cũng động viên con cố gắng học tập, ngoan ngoãn nghe lời thầy cô. Đặc biệt luôn quan tâm, giúp đỡ bạn bè xung quanh rồi mọi người sẽ yêu thương con”, anh Giang chia sẻ.
Nghe lời bố, Quỳnh Gia luôn cố gắng trong học tập, 3 năm học vừa qua em luôn là học sinh khá, giỏi của lớp. Mọi người và bạn bè xung quanh cũng không còn xa lánh mà luôn yêu thương, giúp đỡ em trong học tập cũng như cuộc sống.
“Được đến trường học con chữ và gặp thầy cô, bạn bè em vui lắm. Thầy cô luôn giúp đỡ em, các bạn cũng yêu thương, quan tâm em. Giờ đây em có nhiều bạn lắm”, Quỳnh Gia nói.
Cha Quỳnh Gia chia sẻ, vào những ngày trời nắng lớp da của con anh đỏ ửng, ngứa rát. Những lúc như vậy, Quỳnh Gia khóc nấc lên. Khi đó, anh thấm khăn mát để lau liên tục thì cơn ngứa mới dịu đi. Còn những hôm mưa, mỗi khi gió rít qua, những vết nứt trên da, gót chân Quỳnh Gia rỉ máu.
“Nhìn con gái đau đớn, khóc ré lên mình xót xa vô cùng. Giá như có một loại Thu*c nào đó giúp con gái tôi như người bình thường…”, anh Giang bỏ lửng câu nói.
Khi hỏi về ước mơ của mình, cô bé Quỳnh Gia cúi gằm mặt xuống nền nhà thỏ thẻ nói “Em chỉ ước được bình thường như các bạn”.
Cô nguyễn thị mỹ huế, hiệu trưởng trường tiểu học ngô quyền cho biết, mặc dù có hoàn cảnh bất hạnh nhưng em nguyễn xuân quỳnh gia rất cố gắng và tự giác trong học tập. những năm qua quỳnh gia luôn đạt học sinh khá, giỏi.
Với mong muốn tiếp sức để Quỳnh Gia vững bước học tập, nhà trường luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho em. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên kết nối các nhà hảo tâm và mạnh thường quân để có những phần quà động viên em học tập. Ngoài ra, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm luôn nhắc nhở học sinh trong trường yêu thương, hỗ trợ để Quỳnh Gia không tự ti, mặc cảm.