Kinh tế xã hội hôm nay

Về miền quê cách mạng

Ở các vùng chiêm trũng, nhiều làng quê còn giữ được những nét độc đáo của cảnh sắc thôn dã.

Ở các vùng chiêm trũng, nhiều làng quê còn giữ được những nét độc đáo của cảnh sắc thôn dã. Nơi đó không chỉ là những vùng quê cách mạng, yêu nước, mà hơn thế, nhiều bà con đã vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu, tạo bước chuyển mới, xây dựng những miền quê giàu đẹp.

Những địa chỉ đỏ

Những con đường nối các xã, thôn của huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã trải bê tông rộng thênh thang. Bạt ngàn đồng lúa xanh ngút mắt được điểm xuyết bởi những xóm làng với biết bao ngôi nhà khang trang. Xã Dũng Nghĩa từng là một trong những địa phương nghèo của huyện Vũ Thư, cũng là địa chỉ đỏ về phong trào cách mạng đã đổi thịt thay da từ chính sự đổi mới cách làm ăn, người dân hay lam hay làm. Đặc biệt, với sự đồng thuận và nhiệt tình của chính quyền và nhân dân, xã Dũng Nghĩa đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới năm 2014, nâng số xã hoàn thành các tiêu chí của Vũ Thư lên 7 xã.

Cụ Trần Sĩ Điều, một trong những lão thành cách mạng làng Dũng Thúy Hạ vẫn còn nhớ rất rõ không khí của 70 năm về trước, khi bà con nhất lòng xông lên đánh đuổi thực dân, đế quốc. Trong hồi ức của cụ Điều, dòng ký ức như vẫn còn găm chặt trong tim, để lúc này bồi hồi xúc động ùa về. Cụ Điều kể: “Ngày đó, Dũng Nghĩa trở thành tâm điểm đánh phá của thực dân Pháp rồi đến phát xít Nhật. Quê nghèo đã khổ càng kiệt quệ hơn vì phát xít Nhật vơ vét. Năm 1945, Dũng Nghĩa có tới 1.100 người, tương đương với 70% dân số của xã ch*t đói. Đây là địa phương có số người ch*t đói nhiều nhất huyện. Cuối tháng 8/1945, cuộc sống của những người dân vừa trải qua kiếp nạn đói lại phải đối diện với lũ lụt vì đê vỡ. Đối mặt với nhiều khó khăn như thế, người dân Dũng Nghĩa vẫn kiên trì bám đất, bám làng và đi theo tiếng gọi của Đảng, tích cực đấu tranh, nổi dậy giành chính quyền từ tay thực dân phong kiến vào ngày 22/8/1945”. Chung dòng cảm xúc ấy, cụ Trần Văn Khởi tâm sự: “Người dân chúng tôi yêu nước. Năm 1947, chi bộ Đảng được thành lập tại đây, là nơi bồi đắp tinh thần cách mạng. Qua tổng kết các cuộc kháng chiến, Dũng Nghĩa có 119 liệt sĩ, hơn 60 thương bệnh binh, 18 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 3 lão thành cách mạng, 250 người được tặng Huân, Huy chương các loại, 24 người bị nhiễm chất độc hóa học, nhiều gia đình có công với cách mạng...”.

Cũng tại Thái Bình, xuôi về xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải, nơi đây khởi điểm của tiếng trống mở đầu cuộc biểu tình đấu tranh của nông dân Thái Bình 85 năm về trước. Ngày đó, cao trào đấu tranh Xô viết Nghệ Tĩnh vang dội khắp cả nước, nhưng bị thực dân Pháp Kh*ng b* đẫm máu. Theo chỉ thị của Trung ương Đảng, để ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã triệu tập đảng viên của 3 làng: Đông Cao (nay thuộc xã Tây Tiến), Thanh Giám và Nho Lâm (nay thuộc xã Đông Lâm) làm mũi xung kích mở đầu cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng nghìn người là đảng viên và các tổ chức quần chúng nông hội đỏ, thanh niên, phụ nữ cứu quốc, các hội ái hữu... Hay rẽ sang xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà là trung tâm lãnh đạo phong trào cách mạng của Liên chi bộ Thần Duyên đã trở thành địa chỉ đỏ trong phong trào đấu tranh cách mạng tỉnh Thái Bình.

Ở vùng quê lúa Hưng Yên, nhiều địa phương cũng đã đánh dấu những mốc son trong dòng chảy cách mạng. Đó là cách xã Hưng Đạo (huyện Tiên Lữ), Chỉ Đạo (Văn Lâm), Quang Vinh (Ân Thi)... Cuối năm 1944, nhân dân trong xã dưới sự lãnh đạo của cán bộ cốt cán cách mạng đã tổ chức mít-tinh tuần hành lớn ở đình làng thôn Đỗ Thượng, xã Quang Vinh. Từ đây, đoàn người tiến ra các địa phương khác rồi trở về xã để thị uy, cảnh cáo tên Phủ Giao ở huyện Ân Thi về âm mưu thu thuế cho Nhật. Cuộc mít-tinh đã gây tiếng vang lớn về sự phát triển của phong trào cách mạng trên địa bàn xã. Đầu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Việt minh, nhân dân trong xã đã dũng cảm đấu tranh ngăn cản không cho lý trưởng thu thóc, thu thuế; tham gia phá kho thóc của địa chủ, chủ ấp Ph*n đ*ng chia cho dân nghèo khắp nơi trong vùng.

Cuộc sống mới hôm nay

Phát huy truyền thống cách mạng, những vùng nông thôn quê lúa hôm nay đã phát triển. Nhiều mô hình trang trại, gia trại được xây dựng, làm ăn phát đạt. Ông Lê Công Chí, xã Quang Vinh (Ân Thi - Hưng Yên), là chủ trang trại VAC chia sẻ: “Chúng tôi là những người nông dân sức dài vai rộng. Xưa bố tôi đi làm cách mạng, các anh tôi cũng là những chiến sĩ tham gia các cuộc chiến tranh, anh cả tôi là liệt sĩ thời chống Mỹ. Bản thân tôi cũng bị thương, nhưng trở về quê hương, là người lính trên đồng ruộng, chúng tôi vẫn phát huy truyền thống gia đình, tích cực làm giàu cho gia đình và quê hương”.

Lời chia sẻ của ông Chí rất xác thực. Bởi, quê hương ông cách đây hai chục năm nghèo lắm, nhiều nhà còn thiếu cơm ăn. Đến nay, gần 100% đường làng ngõ xóm được làm bằng vật liệu cứng. Toàn xã không còn nhà tranh vách đất, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,7%, thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/người/năm. Kinh tế phát triển, đời sống của người dân cũng ngày được nâng lên. Trẻ em trong độ tuổi được đến trường đầy đủ

Trong không khí của những ngày kỷ niệm lớn, người dân xã Hưng Đạo (Tiên Lữ - Hưng Yên) không khỏi bồi hồi nhớ lại những ngày tháng xa xưa. Tinh thần ấy hiện nay nhiều bạn trẻ cũng nhận ra giá trị và biết phát huy, bởi được bảo lưu từ thế hệ trước. Các cụ kể lại cho cháu con và cháu con truyền lan cho thế hệ kế tiếp, để lòng tự hào tạo thành ý chí, bật lên sức mạnh. Và bởi thế, từ cán bộ xã, thôn đến từng người dân đều nhất quán quan điểm không chỉ đầu tư phát triển kinh tế, mà còn chăm lo đến phát triển văn hóa, giáo dục. Quỹ khuyến học của xã đã lên tới trên 100 triệu đồng. Hàng năm, các gia đình có con em đỗ cao đẳng, đại học đều được động viên, khuyến khích bằng các phần thưởng thiết thực, cụ thể. Đặc biệt, điển hình trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu được tuyên dương, nêu gương học tập. Em Nguyễn Lương Hà, sinh viên Trường đại học Văn hóa Hà Nội, ở xã Hưng Đạo tâm sự: “Cuộc sống hôm nay đã khác xưa nhiều. Chúng em đi học giờ không phải lo thiếu ăn thiếu mặc. Ông nội vẫn dạy bảo chúng em theo nếp xưa, đói cho sạch rách cho thơm. Hơn nữa, chúng em cũng mong học lên cao để có việc làm ổn định, làm những người có ích cho xã hội”.

Nói về phát triển kinh tế hôm nay thì huyện Tiền Hải đã trở thành một trong những huyện có nền kinh tế phát triển nhất tỉnh Thái Bình, trong đó hai xã Đông Lâm và Tây Tiến luôn là xã đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, đưa Tiền Hải trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Thái Bình có 100% trạm y tế cấp xã đạt Chuẩn quốc gia. Tiền Hải cũng là huyện đi đầu trong phát triển công nghiệp của tỉnh với gần 300 doanh nghiệp đầu tư, khai thác công nghiệp khí đốt và nhiều mặt hàng trọng điểm khác. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tiền Hải Nguyễn Văn Giang cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục phấn đấu đưa kinh tế biển là mũi nhọn gắn với phát triển nuôi trồng thủy, hải sản và du lịch biển. Huyện cũng tập trung khai thác du lịch Cồn Vành, tới đây sẽ có cơ chế thu hút đầu tư, đặc biệt là hạ tầng để thu hút khách du lịch”.

Ở địa phương nào cũng vậy, nhiều nơi đang hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Bộ mặt địa phương cũng nhờ vậy mà đổi thay. Nhưng hơn hết, tâm sự với những nhân chứng lịch sử, các bậc tiền bối cách mạng, hay những thanh niên hôm nay, tôi nhận thấy ở họ lòng tự hào, tự tin và lạc quan. Phải chăng, đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, để là điểm tựa, nâng đỡ cho những trái tim nhiệt thành cách mạng. Và từ đó, lửa ấm trong mỗi người dân được ấp iu, truyền lan và bảo lưu từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điều đó, cần lắm trong thời đại mới, phát triển kinh tế và hội nhập này.

Ngô Thục Miên

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-ve-mien-que-cach-mang-16887.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY