Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Vì đâu nhiều cha mẹ chung nỗi lo cho con vào lớp 10 hơn cả lo thi đại học?

MangYTe – Nhiều năm nay, kì thi tuyển sinh vào lớp 10 luôn được phụ huynh đánh giá căng thẳng, cam go hơn cả thi đại học. Trong phòng thi thí sinh căng thẳng với đề thi còn ngoài trường thi phụ huynh lo lắng, bồn chồn chẳng kém. Nỗi lo cho con vào lớp 10 hơn cả lo thi đại học như vậy xuất phát từ đâu?

Năm nay con trai chị Trần Thị Thơm (Hà Đông, Hà Nội) thi chuyển cấp lên lớp 10. Chị kể, cạnh tranh vào các trường THPT công lập quá áp lực đối với cháu và gia đình nên để chuẩn bị cho kỳ thi suốt một năm qua con trai chị phải học phụ đạo rồi học thêm các trung tâm luyện thi… Gần như việc học chiếm hết thời gian của cháu mà không có ngày nào được nghỉ. Con học bố mẹ cũng học theo, anh chị quay cuồng với lịch học của con.

Ảnh minh họa


Cho rằng kì thi tuyển sinh vào lớp 10 căng thẳng hơn cả thi đại học nên chị lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Theo như lời chị thì những năm gần đây việc đi học đại học, cao đẳng chuyên nghiệp không khó như trước. Các trường đại học còn xét tuyển bằng học bạ, điểm xét tuyển cũng không cao, tỉ lệ chọi thấp. Khi đã học xong cấp 3, các cháu có nhiều lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Trong khi đó, việc thi vào cấp 3 nhiều năm gần đây rất khó, tỷ lệ chọi cao. Nếu con mà không vào lớp 10 các trường công lập cũng không biết học đâu. Cho con học trường dân lập lại lo lắng môi trường giáo dục, học phí, còn đi học nghề thì hiện con còn quá nhỏ.

"Khi có điểm thi thấy con đỗ vào trường vợ chồng mới thật sự nhẹ nhõm" – chị Thơm chia sẻ.

Tâm lý của gia đình chị Thơm cũng là tâm lý chung của rất nhiều các bậc làm cha làm mẹ khi con bước vào kì thi chuyển cấp lên 10. Nhiều cha mẹ hồi hộp, lo lắng, thậm chí mất ăn mất ngủ trước kì thi là điều rất dễ nhận thấy.

Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội về tâm lý của nhiều cha mẹ chung nỗi lo cho con vào lớp 10 hơn cả lo thi đại học, GS.TS. NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cho rằng, tâm lý lo lắng về chuyện học hành của các bậc cha mẹ với con cái là điều bình thường. Tâm lý lo cho con vào lớp 10 hơn cả lo thi đại học vì đây là bàn đạp để trẻ hoàn thành bậc học cuối cùng của phổ thông. Giai đoạn này, trẻ lại đang ở tuổi vị thành niên nên năng lực học, khả năng tập trung rồi những chi phối của trẻ… làm cho cha mẹ lo lắng hơn khi không biết con mình có vào được bậc THPT hay không?

Trong lúc này, việc vận động, hướng nghiệp cho trẻ em đi vào các trường dạy nghề sau khi học THCS đang còn yếu. Tâm lý của các bậc phụ huynh Việt Nam xưa nay vẫn không muốn cho con vào các trường học nghề khi chưa đỗ tốt nghiệp THPT. Người ta cho rằng, để có một kiến thức, đủ điều kiện để các con học nghề là phải sau khi học phổ thông xong. Sau có được cái bằng THPT vào học nghề ở các trường Cao đẳng, Trung cấp mới cảm thấy con mình đạt được yêu cầu. Nếu như không vào được lớp 10, phải đi học rẽ ngang học nghề là không yên tâm. Và để trẻ lang thang ở nhà trong độ tuổi vị thành niên rất khó để cha mẹ quản lý được về mặt sinh hoạt. Bởi vậy đây là mốc rất quan trọng để cha mẹ lo lắng bằng mọi cách cho con đi học mới yên tâm.

Thứ 2, tâm lý của cha mẹ đến hiện nay vẫn thích con vào đại học, không muốn cho con thất bại trong thi cử. Vì thất bại đó chính bố mẹ cảm thấy xấu hổ, không bằng người khác. Khi đó, cha mẹ đang vì mình chứ không phải vì con. Còn nếu vì con thì trong quá trình theo dõi học tập phải biết con có khả năng về mặt nào, bồi dưỡng cho con phát huy về mặt đó. Khi đứa trẻ hứng thú phát triển về mặt thông minh nào đó, tạo điều kiện cho con vào các trường học hợp với con. Không cần vào đại học, trẻ cũng sẽ thành công.

Ngoài ra, tâm lý này cũng xuất phát từ việc trọng bằng cấp. Nhiều người quan niệm học giỏi, học càng cao thì là người thành công. Nếu không vào được lớp 10, chỉ dừng ở trình độ THCS là chưa có gì, sau này khó thành công.

GS.TS. NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh. Ảnh HL


Theo NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, thành công của một con người không phải lệ thuộc hoàn toàn vào học vấn, hay nói cách khác là kiến thức, mà thành công đòi hỏi nhiều yếu tố khác, đặc biệt là yếu tố được trải nghiệm, thử thách và học được những bài học, kể cả bài học thất bại của cuộc đời.

Có nhiều em chỉ đi học mà không biết cái gì khác thì không thể nào khi ra đời lại thành công được bằng những em có thể học tập bị gián đoạn, nhưng bằng ý chí vươn lên, làm nghề này nghề khác, có nhiều kinh nghiệm. Thành công không phải chỉ là ở chỉ số thông minh mà con người muốn thành công phải có những chỉ số đo khác như cảm xúc, chỉ sự sáng tạo, vượt khó…

Phương Thuận

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/gia-dinh/vi-dau-nhieu-cha-me-chung-noi-lo-cho-con-vao-lop-10-hon-ca-lo-thi-dai-hoc-20200804151244232.htm)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY