Tâm sự hôm nay

Vì sao Chớ đi ngày 7, chớ về ngày 3?

Lâu nay, quan niệm dân gian có câu Chớ đi ngày 7, chớ về ngày 3 để chỉ những ngày xấu, không may mắn. Tuy nhiên, gốc tích và cơ sở đúng sai của câu nói này thì không phải ai cũng biết rõ.
Trả lời báo Kiến Thức, ông Trần Ngọc Kiệm - chuyên gia phong thủy - cho biết, sở dĩ có câu "Chớ đi ngày 7, chớ về ngày 3" là vì theo quan niệm dân gian, đó là ngày "Tam Nương sát". "Thượng tuần sơ Tam dữ sơ Thất (đầu tháng ngày 3, ngày 7), trung tuần Thập tam Thập bát dương (giữa tháng ngày 13, 18), hạ tuần Chấp nhị dữ Chấp thất (cuối tháng ngày 22, 27", đó là những ngày được cho là xuất hành hoặc khởi sự đều vất vả, không được việc.

Ngoài ra, người Việt Nam cũng có quan niệm cho rằng, vào những ngày đó, Ngọc Hoàng sai 3 cô gái xinh đẹp (Tam nương) xuống hạ giới để làm mê muội và thử lòng con người. Nếu ai gặp phải sẽ bị các cô làm cho bỏ bê công việc, đam mê tửu sắc, cờ bạc... Đồng thời, đó cũng là một lời nhắc nhở con cháu nên làm chủ trong mọi hoàn cảnh, chịu khó học tập, cần cù làm việc.

Cũng chia sẻ trên báo Kiến Thức, lương y Vũ Quốc Trung - người đã dày công nghiên cứu và từng xuất bản sách về chủ đề này lại lý giải ở một góc độ khác. Theo ông Trung, việc chọn ngày giờ tốt đã có từ 3.000 năm nay. Từ thời xa xưa, khi cha ông ta gặp những chuyện không hay như làm nhà bị sập, gây ch*t người hoặc làm công việc hệ trọng như cưới hỏi, đi xa nhưng không thành đã đúc kết được rằng, vào những ngày cụ thể nào đó sẽ không tốt để làm việc lớn. Từ đó có quan niệm về ngày tốt, ngày xấu. Cứ thế, quan niệm đó truyền từ đời này qua đời khác và cho đến tận hôm nay,

Ông Trung cho rằng, số 3, 7 trong câu "Chớ đi ngày 7, chớ về ngày 3" chỉ là một sự ước lệ, ám chỉ những ngày lẻ. Bởi quan niệm truyền thống cho rằng, con số lẻ là những con số đơn độc, còn số chẵn mới là số có đôi có cặp. Do đó, làm việc gì cũng nên tránh sự đơn độc thì khả năng thành công sẽ cao hơn.

Mặc dù lý giải những ngày Tam nương, Nguyệt kỵ là xấu song các nhà nghiên cứu đều cho rằng cho đến nay vẫn chưa có ai kiểm chứng đây là những ngày xui xẻo, đó chỉ đơn thuần xuất phát từ quan niệm của dân gian.

"Bằng chứng là vào những ngày đó, các bến tàu, bến xe vẫn đông đúc, xe ô tô vẫn chạy đường dài đấy chứ? Người ta vẫn đi xa thì có sao đâu? Đôi khi có người hỏng việc vào những ngày đó rồi vin vào cớ là ngày xấu, từ đó kiêng kỵ thái quá thì không nên, vì rất có thể đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tóm lại, không thể nói là phê phán quan niệm chọn ngày tốt - xấu nhưng mọi người cũng cần có sự hiểu biết để việc chọn ngày giờ không ảnh hưởng đến công việc" (GS Ngô Đức Thịnh - Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian).

Vy Vy (tổng hợp)/Báo Gia đình và Xã hội

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-vi-sao-cho-di-ngay-7-cho-ve-ngay-3-14855.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY