Tâm sự hôm nay

Viên gạch quên chưa xây

Những ngày cuối tháng tám, tiết trời hơi hanh lạnh vào sáng sớm. Gió nhẹ thổi, sương giăng. Đây là thời kỳ mà giao mùa rõ rệt nhất.
(SKDS) - Những ngày cuối tháng tám, tiết trời hơi hanh lạnh vào sáng sớm. Gió nhẹ thổi, sương giăng. Đây là thời kỳ mà giao mùa rõ rệt nhất. Sáng thì có vẻ hơi thu, trưa thì có vẻ hơi hè. Tối thì lại hơi lạnh. Nếu như không giữ gìn cẩn thận, bạn rất dễ ốm. Nhà bà con của tôi cũng có một bà lão bị ốm - bà Hảo. Bà lão đã quá yếu, bị nhiều chứng bệnh cùng một lúc. Gia đình thì chỉ còn lại một người thân duy nhất là ông chồng. Nhưng ông cũng là thương binh, sức khoẻ yếu, cũng nay ốm mai đau.

Những năm trước đây, bà Hảo (sống ở huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) cũng là một người khỏe lắm. Bà vốn xuất phát là dân lao động ngoại thành nên sức làm như vâm. Chỉ có điều sau trận rét đậm rét hại năm 2008, bà đã bị đổ bệnh. Bà bị đột qụy não và thời gian sau đó, bệnh tật cứ ở đâu lôi nhau kéo đến ầm ầm. Đi khám, các bác sĩ tại các bệnh viện huyện, bệnh viện trung ương đều bảo bà bị mắc đái tháo đường týp 2, bệnh tim mạch, bệnh thần kinh ngoại biên. Thực khổ.

Tháng trước, bà đã bị mắc chứng bệnh tăng huyết áp. Huyết áp đo được rất cao, có lần đo tại nhà được 180/100mmHg. Lần đó, bà đã phải đi cấp cứu tại một bệnh viện thuộc hàng lớn. Một buổi trưa, tôi tranh thủ sang bệnh viện thăm bà. 10h30, tôi đến bệnh viện.

Bệnh viện đẹp. Cổng được trang hoàng lại rất mới. Ngay từ phòng tiếp đón đã sạch sẽ. Ghế chờ cho bệnh nhân có đầy đủ. Hệ thống tivi, đèn chiếu được bố trí ở những nơi thuận tiện. Bảng hướng dẫn đường đi lối lại trong bệnh viện cũng to rõ và rất dễ nhìn. Nói chung, bệnh viện đã thay đổi tương đối nhiều so với những lần trước tôi ghé thăm. Ngay tại khuôn viên phía trong bệnh viện, hệ thống vườn hoa cây cảnh cũng đã được bài trí đẹp, tạo một không gian thoáng và nhẹ nhàng. Trong các hệ thống hành lang, nhà chờ, phòng bệnh đều được ốp đá trơn, rất mát và sạch sẽ. Nhìn bên ngoài bệnh viện như được thay da đổi thịt, sạch hơn, thoáng hơn, rộng hơn. Bà Hảo được vào Khoa Tim mạch. Bà nằm ở ngay cạnh buồng cấp cứu. Tôi đoán là có lẽ buồng cấp cứu hết chỗ nên bà nằm khu bệnh nhân nặng để y bác sĩ tiện theo dõi. Đúng là khoa Tim mạch ở bệnh viện nào cũng vậy, đều bận rộn và đông đúc người. Người khám, người kê đơn, bệnh nhân, y bác sĩ, nhân viên đều bận rộn, tất bật cho kịp phát Thu*c buổi sáng. Lúc tôi đến thì đó là giờ phát Thu*c. Tôi vốn là nhân viên y tế nên có điều kiện được ưu tiên thăm người thân trước 30 phút. Trong phòng chỉ có một mình ông chồng bà Hảo đang chăm bà. Anh chị em của bà chưa thấy có ai. Căn phòng không rộng, có chừng độ 4 - 5 bệnh nhân khác cùng nằm. Kẻ đứng, người ngồi vẻ mặt mỗi người một tâm trạng. Một chị y tá chừng 30 tuổi đang đẩy xe phát Thu*c. Tôi lẽ ra không để ý tới chị ta nhưng vì tiếng quát quá lớn khiến tôi chú ý: “Khăn mặt của ai thế này. Lạ nhỉ, đã bảo đây không phải là chỗ phơi khăn mặt sao cứ giăng ra thế. Muốn phơi khăn mặt thì về nhà mà phơi”. Một ông cụ lật đật chạy ra, rối rít xin lỗi chị y tá, ra sức phân trần, “xin phép”, rằng khổ quá tôi ở xa, cháu nhỏ bị bệnh nên phải ở lại chăm cháu. Một thân già chăm một thân trẻ tội nghiệp. Rằng tôi dân quê, lại già rồi nên không biết phép tắc, xin chị bỏ qua cho. Nhưng dường như hoàn cảnh của hai ông cháu không làm cô y tá xúc động. Mặt người y tá vẫn tỉnh bơ, lạnh lùng: “Quê thì phải căng tai ra mà nghe chứ. Mà ông cũng vừa vừa phai phải thôi, không ai có công có sức đâu mà suốt ngày đi nhắc và cất khăn mặt cho nhà ông”. Ông già cười méo xẹo, “nào nhà cháu có dám để bác sĩ cất giùm khăn mặt đâu ạ”.

Sang đến bà Hảo, chị y tá vẫn cau có, bực mình: “Ông, đứng sang một bên, không nhìn thấy chật chội thế này à mà cứ sấn vào”, chị y tá tiếp tục chuyển sang gây chiến với chồng bà Hảo. Tôi lặng im, không có ý kiến gì, định bụng sẽ góp ý sau.

Chồng bà Hảo đứng ra nhận Thu*c cho bà chừng độ 5 - 6 loại Thu*c gì đó cùng với những hướng dẫn sử dụng. Nhưng có lẽ do cô y tá dặn quá nhanh, lại nhiều loại, nhiều lần nên ông chồng bà Hảo không nhớ hết được. Ông lật đật chạy ra hỏi lại: “Này chị ơi, cho tôi hỏi. Cái này uống một ngày 2 viên à, thế còn viên màu hồng này”. Quay lại đầy phẫn nộ, chị y tá đáp ngay lại như thể xổ ra một tràng không thương tiếc: “Ông không thể nhớ được cái đó à? Sao hôm nào ông cũng hỏi chừng đấy câu hỏi thế? Hồng uống 2 viên, trắng 1 viên”.

Mới chỉ nghe đến đấy, ông chồng bà Hảo đã không thể tiếp tục nghe thêm, ông cắt ngang: “Này, xin lỗi chị nhé. Tuổi chị chỉ đáng gần bằng tuổi con gái của chúng tôi. Chúng tôi bần cùng, bệnh tật mới phải vào viện. Chúng tôi không có ý định xin xỏ hay làm phiền nhà chị. Chúng tôi hỏi để dùng Thu*c cho đúng chứ không phải thích gây sự. Chúng tôi vào là vào bệnh viện, dịch vụ y tế chúng tôi cũng phải thanh toán tiền đàng hoàng. Nếu như chị nói đây là bệnh viện nhà chị thì chúng tôi xin lỗi đã làm phiền, chúng tôi xin ra luôn. Chúng tôi ở đây là tôi và rất nhiều bệnh nhân khác”.

Nói xong, ông quay lại, còn người y tá kia thì đỏ mặt vội vàng đi. Thăm nom bà Hảo xong, tôi cũng xin cáo lui. Môi trường y tế ở đây thực có nhiều điều đáng phải bàn. Ra đến cửa Khoa Tim mạch nơi bà Hảo nằm, tôi đá phải một viên gạch còn mới. Bệnh viện mới quá, nhưng đã bỏ quên một viên chưa xây.

BS. Yên Lâm Phúc

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-vien-gach-quen-chua-xay-6130.html)

Chủ đề liên quan:

chưa xây viên gạch

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY