Đại sứ quán Australia tại Hà Nội và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố gói hỗ trợ trị giá 13,5 triệu đô-la Úc (tương đương trên 10 triệu USD) dành cho việc đưa vắc-xin COVID-19 vào Việt Nam và thực hiện chương trình tiêm chủng.
Australia và UNICEF hợp tác cung cấp một gói hỗ trợ toàn diện và đặc biệt, giúp Việt Nam trên nhiều phương diện để đảm bảo việc thực hiện thành công chương trình tiêm chủng phòng chống COVID-19.
Chương trình này sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu tới cuối năm 2022 sẽ tiêm chủng được cho 20% dân số trong diện ưu tiên và tạo cơ sở cần thiết khi triển khai tiêm vắc-xin trên phạm vi toàn quốc.
Tại buổi lễ công bố gói hỗ trợ, TS.Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất của Việt Nam từ trước tới nay, dây chuyền lạnh được đảm bảo chất lượng bền vững không chỉ cho việc tiêm phòng COVID-19 mà còn cho chiến lược tiêm chủng mở rộng trong nhiều năm tiếp theo.
Vắc-xin là biện pháp hiệu quả trong phòng dịch COVID-19, vì vậy mà Việt Nam rất trân trọng những liều vắc-xin đầu tiên do cơ chế COVAX (của Tổ chức Y tế Thế giới và các đối tác toàn cầu) dành cho Việt Nam. "Để triển khai thành công vắc-xin COVID-19, phải nói đến sự hỗ trợ của Australia dành cho Việt Nam thông qua UNICEF là vô cùng quý giá", TS.Hồng nói. Sự hỗ trợ của Australia và UNICEF cho chương trình tiêm chủng của Việt Nam giúp nâng cao chất lượng tiêm chủng, nâng cao năng lực và hướng dẫn kỹ thuật cho cán bộ y tế của tất cả các tuyến, TS.Hồng chia sẻ.
Từ trái sang phải: TS.Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Đại sứ Australia Robyn Mudie và Trưởng Đại diện UNICEF Rana Flowers tại Lễ công bố chương trình hỗ trợ phân phối vắc-xin COVID-19 tại Việt Nam.
Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết gói hỗ trợ này nhằm đẩy nhanh công tác tiêm vắc-xin COVID-19 ở Việt Nam, đảm bảo nhân viên y tế tuyến đầu và những người dễ bị tổn thương được tiếp cận với vắc-xin.
Theo Trưởng Đại diện UNICEF, ưu tiên số một là phải tiêm vắc-xin cho càng nhiều người dân càng tốt, càng nhanh càng tốt và bảo vệ người dân khỏi biến thể virus. Bà chia sẻ: "Đưa vắc-xin đến từng quốc gia là thử thách vô cùng to lớn. Nhưng đây mới chỉ là sự khởi đầu trong hành trình khó khăn không kém: triển khai tiêm vắc-xin cho những nhóm người được ưu tiên nhất, bảo vệ khỏi những biến thể của virus đồng thời bảo quản vắc-xin an toàn."
Tại lễ công bố, bà Robyn Mudie-Đại sứ Australia tại Việt Nam chúc mừng Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì đã đạt những thành quả tuyệt vời trong kiểm soát dịch COVID-19. "Ngay từ đầu, Việt Nam đã nhận thấy tính chất nghiêm trọng của đại dịch này và đã có những hành động thiết thực để bảo vệ người dân và nền kinh tế của mình.", Đại sứ Mudie nói. "Là một đối tác quan trọng và một bạn hữu của Việt Nam, Australia cam kết hỗ trợ Việt Nam tiếp tục ứng phó về mặt y tế và phục hồi kinh tế.", bà chia sẻ.
Đại sứ Robyn Mudie cho biết Australia và UNICEF sẽ hỗ trợ Việt Nam mua các thiết bị giữ lạnh để lưu trữ và vận chuyển vắc-xin tới những nơi cần thiết trên toàn quốc, tổ chức tập huấn và cung cấp tài liệu để đảm bảo các cán bộ và nhân viên y tế luôn sẵn sàng và hỗ trợ việc lên phương án tiêm chủng tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa nhằm đảm bảo việc cung cấp vắc-xin một cách công bằng và đồng bộ."
Australia đã cam kết khoản tài trợ trị giá 40 triệu đô-la Úc (tương đương trên 31,1 triệu USD) trong vòng ba năm để hỗ trợ Việt Nam mua và phân phối vắc-xin (trong đó, 34 triệu đô-la Úc (tương đương gần 26,5 triệu USD) từ Sáng kiến An ninh Y tế và Tiếp cận Vắc-xin và 6 triệu đô-la Úc (tương đương trên 4,6 triệu USD) từ chương trình hợp tác phát triển song phương của Australia).
Đại sứ Robyn Mudie cũng chia sẻ thêm ngoài hỗ trợ Việt Nam thông qua UNICEF, Australia cũng tìm kiếm cơ hội mua và sản xuất vắc-xin để hỗ trợ Việt Nam. Hiện nay, vắc-xin Astra Zeneca cũng đang được sản xuất tại Australia. Ngoài ra, Australia sẽ hỗ trợ Việt Nam mua các loại vắc-xin khác nhau nhằm đảm bảo nguồn cung vắc-xin COVID-19 an toàn, bền vững.
“Việc triển khai một vắc-xin mới, đặc biệt là vắc-xin COVID-19 là một nhiệm vụ lớn đối với bất cứ một chính phủ nào bởi việc này đòi hỏi rất nhiều bước. Nhờ có sự hợp tác với chính phủ Australia, UNICEF đã cam kết phối hợp với Bộ Y Tế và các đối tác khác để hỗ trợ việc giới thiệu và triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 tại Việt Nam. Không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn, vì thế việc tiêm chủng mở rộng vắc-xin COVID-19 là một bước quan trọng để ngăn chặn đại dịch này, bảo vệ các cán bộ tuyến đầu phục vụ trẻ em và giúp Việt Nam mở cửa trở lại với các nước khác trên thế giới.”, Trưởng Đại diện UNICEF Rana Flowers chia sẻ.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về vắc-xin COVID-19 mà cơ chế COVAX đang sử dụng, cụ thể là vắc-xin do Astra Zeneca sản xuất, Trưởng Đại diện UNICEF cho biết vắc-xin COVID-19 dùng trong cơ chế COVAX thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt. Theo WHO, bất kể vắc-xin nào đều có thể có tác dụng phụ. Đối với vắc-xin COVID-19 là vắc-xin mới, có thể có tác dụng phụ nhẹ hoặc nặng hơn một chút như hơi chóng mặt,...đây là điều hết sức bình thường. Nếu sau 4 ngày mà vẫn còn các triệu chứng như đau đầu hay đau bụng thì cần đến bác sĩ để khám lại và làm xét nghiệm sâu hơn. Cần phải giám sát tác dụng phụ hàng ngày. Trong thời gian qua, trong số hơn 72 nghìn người Việt Nam được tiêm vắc-xin COVID-19, chỉ có khoảng hơn 49 trường hợp có tác dụng dị ứng với vắc-xin. Trên thế giới, có thể có những phản ứng phụ nghiêm trọng hơn. Chúng ta cần phải tập huấn cung cấp thông tin cho cán bộ y tế và người dân.
TS. Dương Thị Hồng-Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Đại sứ Australia Robyn Mudie và Trưởng Đại diện UNICEF Rana Flowers trả lời các câu hỏi của báo chí
Còn TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết Việt Nam đặt tầm quan trọng của an toàn vắc-xin song song với độ bao phủ cho người dân. "Ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng vắc-xin phòng COVID-19, Việt Nam nâng mức triển khai đảm bảo an toàn tiêm chủng vắc-xin COVID-19 lên cao hơn một số quốc gia khác. Trước khi tiêm, chúng tôi phải đảm bảo công tác khám sàng lọc cho người được tiêm, sau đó mới chỉ định tiêm chủng vắc-xin. Sau tiêm, sử dụng hệ thống giám sát phản ứng sau tiêm chủng theo hệ thống của TCMR đã được triển khai một cách bài bản hơn 10 năm nay. Chúng tôi ghi nhận phản ứng sau tiêm hàng ngày.", TS.Hồng cho biết.
"Cứ khoảng 4-5h chiều, văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ nhận được báo cáo của tất cả các tỉnh toàn quốc về phản ứng sau tiêm cũng như số liệu người được tiêm chủng. Không chỉ giám sát, trong quá trình triển khai chúng tôi đã tiến hành tập huấn cho cán bộ tất cả các tuyến về vấn đề xử trí tai biến nặng sau tiêm chủng do các chuyên gia hồi sức cấp cứu, chuyên gia lâm sàng tiến hành. Với việc tiêm chủng bao giờ cũng có hệ thống điều trị đi kèm theo để xử lý phản ứng nặng sau tiêm chủng.", TS. Hồng lý giải.
TS.Hồng cũng cho biết thêm, trong thời gian qua, trên thế giới ghi nhận triệu chứng khác như đông máu rải rác, Bộ Y tế đã khẩn trương xây dựng một ban an toàn tiêm chủng trong đó có các chuyên gia đầu ngành đã và đang hoàn thiện bản hướng dẫn về điều trị xử trí nếu có xảy ra trường hợp rối loạn đông máu, đồng thời có hướng dẫn về triệu chứng để chia sẻ cho người dân. Tới đây nếu có các triệu chứng bất thường như bà Rana đề cập như các biểu hiện đau đầu, đau bụng sau tiêm mà thông thường phải giảm đi. Nếu theo thời gian các triệu chứng này không giảm đi thì người tiêm nên quay lại gặp bác sĩ để có phác đồ điều trị tránh những rủi rủi ro đáng tiếc xảy ra.
"Việt Nam sử dụng hồ sơ sức khoẻ điện tử, ở một số địa phương, người dân có thể khai báo tình trạng sức khoẻ của mình sau tiêm thông qua App, chúng tôi nhận được thông tin tự động và phân tích hàng ngày. Trong quá trình triển khai cho tới nay, hơn 80 nghìn người đã được tiêm vắc-xin COVID-19. Số lượng phản ứng sau tiêm khoảng 33%, tương đương thông báo của nhà sản xuất và tương đương hoặc thấp hơn ở một số quốc gia khác. Đặt an toàn tiêm chủng trên hết, các phản ứng nặng được ưu tiên xử trí kịp thời. Cho tới nay, 100% số người tiêm có phản ứng nặng đã hồi phục hoàn toàn, họ là những cán bộ y tế và đã đi làm việc bình thường.
Đại sứ Australia Robyn Mudie chia sẻ: “Australia sẽ hợp tác dựa trên ưu tiên và nhu cầu của Việt Nam,”. “Ưu tiên lớn nhất của Australia là phối hợp với các nước trong khu vực để đảm bảo việc tiếp cận vắc-xin COVID-19 an toàn và hiệu quả.”
Chương trình đối tác Australia-UNICEF là một gói hỗ trợ tổng thể và đặc biệt nhằm hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực thiết yếu cho việc thực hiện chương trình tiêm chủng toàn dân phòng COVID-19.
"Trong những tháng tới, chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Y tế Việt Nam và lập kế hoạch xem Australia có thể hỗ trợ Việt Nam triển khai chương trình tiêm vắc-xin thế nào tốt nhất. Australia cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong thời gian tới để thực hiện phân phối vắc-xin COVID-19 và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phục hồi sau đại dịch", Đại sứ Mudie nói.
Trong số 25 triệu liều vắc-xin đầu tiên được phân phối cho các nước Đông Nam Á theo Cam kết Thị trường tiên tiến COVAX (COVAX AMC), Việt Nam sẽ nhận được 4,1 triệu liều. Vào ngày 1/4, hơn 811.000 liều vắc-xin COVID-19 an toàn và hiệu quả đã đến Việt Nam.
Các đợt phân phối sau theo COVAX AMC sẽ được thông báo vào cuối năm nay để đảm bảo tất cả các nước đủ điều kiện, sẽ được nhận đủ liều vắc-xin để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng lần đầu tiên của 20% dân số quốc gia vào cuối năm 2021.
“Việt Nam là một đối tác quan trọng của Australia. Chúng ta là gia đình, bạn bè, láng giềng của nhau. Tương lai của các bạn cũng là tương lai của chúng tôi. Chỉ bằng cách cùng phối hợp với các nước trong khu vực chúng ta mới có thể cứu tính mạng con người, giúp các nền kinh tế mở cửa trở lại và đảm bảo sự ổn định của khu vực,” Đại sứ Mudie nhận định.
Ngoài hợp tác đối tác với UNICEF, Australia cũng đang tính tới việc mua vắc-xin thông qua thị trường toàn cầu để cung cấp cho Việt Nam và các đối tác ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
Australia cũng đã thông báo dành thêm 100 triệu đô-la Úc (khoảng trên 77,6 triệu USD) cho Chương trình Đối tác Vắc-xin cùng với các thành viên của Nhóm “Bộ tứ Kim cương”, gồm Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản, để cung câp hơn 1 tỷ liều vắc-xin cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trước năm 2022.
Chủ đề liên quan:
nCoV Sức khỏe toàn dân sức khỏe việt nam Viêm phổi cấp virus corona Virus corona Virus corona