Vụ bà dương thị ngọc anh, chuyên viên chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai (vpđkđđ) q.sơn trà, tp.đà nẵng tự tiện cho mượn 22 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gcnqsdđ) của công dân nộp tại đơn vị, cho thấy lỗ hổng trong xử lý thủ tục hành chính.
Vào tháng 7, bà Anh đã đưa 22 GCNQSDĐ của công dân cho bà Đào Thị Như Lệ (cùng 41 tuổi, giám đốc công ty xây dựng, bất động sản) mượn. Bà Lệ mang giấy này đi thế chấp, vay hàng chục tỉ đồng của nhiều người giải quyết chuyện vỡ nợ cá nhân.
Công an TP.Đà Nẵng đã khởi tố vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ và L*a đ*o chiếm đoạt tài sản, nhưng để tránh tái diễn, Sở TN-MT cũng cần kịp thời bịt các lỗ hổng này. Bởi lẽ, bà Anh vừa là chuyên viên xử lý hồ sơ, nhưng cũng kiêm trưởng bộ phận này, tức bà Anh “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Quá trình xử lý hồ sơ công dân qua nhiều giai đoạn cũng chỉ một mình bà Anh thực hiện, nên khi có khuất tất, lãnh đạo chi nhánh VPĐKĐĐ Q.Sơn Trà không phát hiện kịp. Hậu quả, giám đốc chi nhánh và 2 cán bộ đã bị đình chỉ công tác trong khi chờ Sở TN-MT thanh tra toàn bộ các VPĐKĐĐ.
Ngoài vấn đề nhân sự, về quy trình cũng có kẽ hở khi công dân phải nộp hồ sơ GCNQSDĐ ban đầu trước khi hoàn thành nghĩa vụ thuế, tạo cơ hội có cán bộ lấy hồ sơ gốc mang đi làm việc khác như trường hợp bà Anh.
Trường hợp khi có thông báo thuế, người dân nộp nghĩa vụ tài chính ngay thì cơ quan chức năng sẽ chỉnh lý thông tin trên GCNQSDĐ và trả kết quả sau đó. Nhưng có nhiều trường hợp người dân chậm nộp nghĩa vụ tài chính nên GCNQSDĐ nằm khá lâu ở bộ phận xử lý, dễ bị cán bộ lợi dụng.
Do vậy, cần xem xét đối với khâu giải quyết hồ sơ đất đai. ban đầu chỉ cần bản photocopy hoặc scan, khi có thông báo nộp nghĩa vụ tài chính thì mới nộp bản gốc hồ sơ, nhằm đề phòng tình trạng “giao trứng cho ác” đối với cán bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi” như trên.