(HNM) - Ít thành phố nào trên thế giới có hệ thống sông, kênh, rạch phong phú và mang nét đặc trưng của nền văn minh sông nước như tại thành phố Hồ Chí Minh. Có thể nói, sông, kênh, rạch là tài sản vô giá của thành phố và việc "xanh hóa" những nơi này góp phần rất quan trọng để xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình như mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đang chung tay thực hiện.
Ảnh: Hoàng TriềuThiên nhiên đã ban cho thành phố Hồ Chí Minh dòng sông Sài Gòn mềm mại, tươi mát quanh năm, cùng với đó là hệ thống kênh rạch đặc trưng của vùng Đồng bằng Nam Bộ với tổng chiều dài hơn 5.000km. Chính cảnh quan đặc thù sông nước, giàu sắc thái thiên nhiên đã làm cho thành phố Hồ Chí Minh có diện mạo “không lẫn vào đâu được” với các đô thị khác trên thế giới.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm hay Bến Nghé - Tàu Hủ có được màu xanh hôm nay đã trải qua quá trình cải tạo quy mô lớn và tốn kém. Những dòng kênh trên trước đây từng thuộc diện ô nhiễm nhất thành phố, đồng thời cũng là nơi trú ẩn của các băng nhóm tội phạm. Khi màu xanh bắt đầu xuất hiện trên các dòng kênh, nét đặc trưng của nền văn minh sông nước Nam Bộ nói chung và kênh, rạch thành phố Hồ Chí Minh nói riêng được “sống lại” sinh động.
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chương trình chỉnh trang đô thị và cải tạo hệ thống kênh, rạch đã đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân thành phố, nhất là người dân sống trong khu vực. “Nâng cao chất lượng sống cũng được xem là nét “nghĩa tình” của thành phố này, đồng thời là trách nhiệm của chính quyền với người dân thành phố”, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu nhìn nhận.
Đồng tình với nhận định trên, kiến trúc sư Thái Ngọc Hùng (Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, có được diện mạo kiến trúc hai bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Bến Nghé - Tàu Hủ là kết quả sau những năm dài nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Đặc biệt, kênh Nhiêu Lộc
- Thị Nghè dài gần 9km, đi qua 5 quận nội thành, được xem là “lá phổi” của trung tâm thành phố, tác động trực tiếp đến hàng triệu người dân sinh sống trong khu vực. “Kết quả này là một thành quả giàu tính nhân văn và thực sự thay đổi một phần bộ mặt cảnh quan kênh, rạch thành phố trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, kể từ năm 1970”, kiến trúc sư Thái Ngọc Hùng cho hay.
Với nhiều người dân thành phố, trong đó có bà Ngô Thị Lành (ở phường 14, quận 3), kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện là không gian xanh không thể thiếu ở khu vực trung tâm thành phố. “Sáng sớm và chiều tối tôi thường ra chạy bộ dọc Công viên đường Trường Sa. Phía trên là cây xanh, phía dưới là dòng nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã tạo nên không khí trong lành và mát mẻ, rất dễ chịu và tốt cho sức khỏe”, bà Lành chia sẻ.
Bà Ngô Thị Lành kể, trước đây, khi dòng kênh còn bị ô nhiễm, một số người dân sống trong khu vực đã lén vứt rác sinh hoạt xuống kênh. Nhưng khi dòng kênh đã được cải tạo và "xanh hóa", người dân không còn vứt rác nữa. “Tôi nghĩ khi thiên nhiên được trả về nguyên vẹn của nó thì ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng được nâng lên. Không ai nỡ vứt rác xuống dòng kênh xanh như thế”, bà Lành nhận định.
Điều này cũng đã được nhân viên Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị thành phố Hồ Chí Minh (CITENCO) xác nhận. Ông Trương Văn Hổ, đội vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (thuộc CITENCO) cho biết, công ty nhận nhiệm vụ vệ sinh mặt nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ năm 2012. Từ đó đến nay, dòng kênh bắt đầu được chuyển hóa dần. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, rác trên kênh ít dần, dòng kênh tốt lên hẳn. “Nguyên nhân chính nằm ở ý thức người dân”, ông Trương Văn Hổ nhìn nhận.
Thực hiện cuộc vận động “Người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, vào cuối tuần, các phường thuộc các quận có kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đi qua thường tổ chức các phong trào “xanh, sạch”, vận động người dân không xả rác, chống ngập, chung tay thu gom rác thải đã tạo hiệu ứng rất tích cực trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân.
Bên cạnh vai trò cải thiện môi trường, tạo cảnh quan, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, các dòng kênh đã được cải tạo còn có tiềm năng trong việc đóng góp vào kinh tế của thành phố thông qua hoạt động khai thác du lịch.
Như chia sẻ của một người dân - chủ thể bảo vệ môi trường thành phố - có thể thấy, khi chính quyền thành phố tạo ra môi trường sống tốt cho người dân, sẽ nhận sự “đáp lại” bằng việc chung tay bảo vệ môi trường. Chương trình chỉnh trang đô thị và cải tạo hệ thống kênh, rạch khu vực nội thành vẫn còn là quá trình khá dài mà thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện. Bên cạnh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Bến Nghé - Tàu Hủ đã cơ bản được cải tạo, khu vực nội thành còn kênh Đôi, kênh Tẻ, rạch Xuyên Tâm, kênh Hy Vọng... vẫn chưa được cải tạo.
Theo tính toán từ cơ quan chức năng, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, Gò Vấp) có tổng mức đầu tư hơn 9.300 tỷ đồng; dự án cải tạo bờ Nam kênh Đôi (quận 8) trên 9.000 tỷ đồng; dự án cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) khoảng 1.980 tỷ đồng; dự án cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) khoảng 1.200 tỷ đồng. Để cải tạo các kênh rạch trên, khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn đầu tư.
Nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh góp ý 4 giải pháp: Sớm thể chế hóa các giải pháp đã được nghiên cứu về chính sách tài chính đô thị; thực hiện đúng các nguyên tắc có tính đạo lý (phù hợp với tâm nguyện của nhân dân) về tài chính; chuẩn bị kỹ dự án về mặt tài chính; tách chi phí phát triển với chi phí chính sách xã hội.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Trường Lưu cho biết, trước đây, các dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Nghé - Tàu Hủ đều từ vốn vay quốc tế và nguồn vốn từ ngân sách thành phố. Các dự án chỉnh trang đô thị và cải tạo hệ thống kênh, rạch hiện nay được xã hội hóa sẽ tháo gỡ khó khăn về vốn trong bối cảnh ngân sách nhà nước ngày càng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, khi các nhà đầu tư tham gia, việc dung hòa lợi ích giữa các bên trở nên cần thiết.
“Bài toán cốt lõi để thực hiện thành công chương trình chỉnh trang đô thị và cải tạo hệ thống kênh, rạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh theo hình thức xã hội hóa trong đầu tư là chủ trương, đường lối cũng như các chính sách của thành phố phải có tiếng nói chung với các nhà làm quy hoạch, các chuyên gia về kinh tế - xã hội cùng với các nhà đầu tư và người dân bị ảnh hưởng”, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu nhận định.
Còn Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, chương trình cải tạo hệ thống kênh, rạch đã được thành phố thực hiện trong nhiều năm qua. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cải tạo thông qua các biện pháp mang tính đột phá. Bên cạnh việc tiếp tục huy động mọi nguồn lực từ trong và ngoài nhà nước, thành phố sẽ tính toán để có thêm kinh phí đầu tư đối với những dự án mang tính cấp bách. Tất cả cũng nhằm "xanh hóa" những dòng sông, kênh, rạch nhiều nhất có thể.