Trong nhân gian, chúng ta còn thấy thêm một hình tượng khác nữa của Ngài. Cũng ngồi bệt, mặt cười, tai to, bụng lớn như hình tượng kia nhưng có thêm sáu đứa trẻ xung quanh: đứa thì ngoáy lỗ tai, đứa thì chọc lỗ mũi, đứa thì khều miệng, đứa thì móc rốn… Chúng chọc Ngài như vậy nhưng Ngài vẫn ngồi cười. Sáu đứa trẻ này tượng trưng cho sáu trần, hay còn gọi là lục tặc (sáu tên giặc) vì chúng luôn luôn phá hoại chúng ta, khiến chúng ta đau khổ, không giữ mãi được nụ cười tươi tắn trên môi.
Sáu trần gồm có: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Sắc là hình sắc. Chúng ta mê đắm, thích thú khi thấy những hình sắc đẹp; bực tức, khó chịu trước những hình sắc xấu. Thinh là âm thanh. Chúng ta thích nghe những tiếng êm dịu, ngọt ngào; còn nghe ai nói điều gì đó không vừa lòng là bắt đầu buồn giận, phiền não, đau khổ. Hương là mùi hương. Chúng ta ngửi được mùi thơm thì trong lòng cảm thấy thích thú, khoan khoái; còn ngửi phải mùi hôi thối thì lại khó chịu, bực tức. Vị là vị của đồ ăn, thức uống. Chúng ta luôn thích ăn ngon, bữa nào ăn không ngon, không vừa miệng là khó chịu, bực bội, sinh ra phiền não. Xúc là sự xúc chạm. Chúng ta thích xúc chạm những thứ êm ái, nhẹ nhàng; còn đụng phải thứ gì làm thân đau đớn thì phiền não, bực bội. Pháp là đối tượng của ý thức. Chúng ta thường hay mong muốn cái này, cái kia, được toại ý thì vui thích, không được toại ý thì đau khổ. Sáu trần này là sáu tên giặc hằng ngày hằng giờ quấy phá chúng ta. Vì không làm chủ được sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), nên chúng ta bị sáu tên giặc này xâm nhập vào trong tâm, khiến mình đau khổ, phiền não và sa đọa. Còn đức Phật Di-lặc làm chủ được sáu căn nên sáu tên giặc này không đánh chiếm được tâm của Ngài. Do đó, Ngài luôn được tự tại và an vui.
Bài thơ trên mô tả rằng mắt, tai, mũi, lưỡi của chúng ta thường bị lôi cuốn bởi vị ngon, tiếng tốt, sắc đẹp và hương thơm. Những thứ ấy cứ làm cho chúng ta đi mãi ở chốn phong trần, trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi. Hình ảnh “ngày hết, quê xa” trong câu cuối có nghĩa là chúng ta tuổi thọ mỗi ngày một ngắn lại, mạng sống sắp hết, mà con đường trở về với an vui, hạnh phúc, với tự tâm thanh tịnh còn rất xa. Chỉ người nào làm chủ được sáu căn thì mới an vui và hạnh phúc thật sự.
Có câu chuyện trong kinh Tương Ưng Bộ IV: Một con rùa đang bò ở bờ sông để kiếm ăn. Bỗng, nó nhìn thấy một con dã can từ xa đi tới. Nó liền thụt đầu, bốn chân và đuôi của mình vào mai. Con dã can đến cạnh con rùa, đứng chầu chực mãi. Nó nghĩ bụng rằng, con rùa thò cái gì ra là nó chụp liền cái đó để ăn. Nhưng con rùa rất khôn, không chịu thò cái gì ra hết. Con dã can đứng một hồi lâu, không thấy con rùa động đậy, nghĩ chắc là con rùa đã ch*t, nên nó bỏ đi. Đức Phật dạy, nếu bắt chước con rùa, thu thúc sáu căn lại thì ác ma không làm hại chúng ta được. Còn nếu chúng ta cứ để sáu căn phóng túng theo sáu trần thì cũng giống như con rùa dại dột thò đầu, đuôi và bốn chân ra cho con dã can ăn.
Chủ đề liên quan:
đứa trẻ đức phật Đức Phật Di Lặc Hình tượng ngài Di lặc Ngài Di lặc và 6 đứa trẻ Nụ cười Di lặc Thượng tọa Thích Chân Tính