Huyết áp , Tim mạch hôm nay

Y tếBác sĩ trẻ trên từng điểm nóng, truy vết COVID-19

Tú, 32 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, mảnh khảnh. Nhưng ít ai biết được vị bác sĩ trẻ này đã từng có mặt ở hầu hết các điểm nóng COVID-19 như: Sơn Lôi, Bình Xuyên (Vĩnh Phúc); Hạ Lôi, Mê Linh (Hà Nội); Đà Nẵng; Hải Dương...

Tú, 32 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, mảnh khảnh. Nhưng ít ai biết được vị bác sĩ trẻ này đã từng có mặt ở hầu hết các điểm nóng COVID-19 như: Sơn Lôi, Bình Xuyên (Vĩnh Phúc); Hạ Lôi, Mê Linh (Hà Nội); Đà Nẵng; Hải Dương...

Phải qua nhiều lần hẹn hò, nhắn tin, thậm chí phải dùng đến rất nhiều “chiêu” thuyết phục, chúng tôi mới nhận được cái “gật đầu” của Tú. Không phải vì Tú “kiêu” mà đơn giản vì theo Tú “em không là gì cả, em bình thường như những người khác thôi. Nếu ai được may mắn ở vào thời điểm như em cũng sẽ như vậy. Nên không có gì để viết đâu chị ạ…”.

Ngồi trước mặt tôi là chàng trai 32 tuổi, cũng là thành viên trẻ nhất của Tổ Công tác đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế. Người đã “lăn” hết các ổ dịch từ Hạ Lôi, Sơn Lôi, Hải Dương, Đà Nẵng… “chỉ còn mỗi ổ dịch Bình Thuận là chưa được đi” như Tú chia sẻ.

Với Tú, được làm việc cùng các thầy, những người có kinh nghiệm đi trước đó là vinh dự không phải ai cũng có được và đó cũng là những động lực để mình được trau dồi và làm dầy thêm kiến thức về dịch tễ học.

"Tuổi nghề còn ít, kinh nghiệm thực tế không nhiều, chống dịch là cơ hội để em rút ngắn thời gian tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân".

Đi chống dịch là may mắn của bản thân

- Khi bước vào chống dịch ở Sơn Lôi - thời điểm mà chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như hiểu biết rõ về đại dịch COVID-19, lúc đó Tú cảm thấy thế nào?

BS. Trần Anh Tú: Được cử đi chống dịch là may mắn của bản thân em. Bởi, xét về mặt nghề nghiệp là em đang được tiếp cận với sự kiện hiếm gặp xảy ra, có lẽ đại dịch 100 năm mới có một lần. Nên ở góc nào đó mình tự hào là một trong những người được tham gia vào trận chiến này. Kiến thức học ở trường lớp là một chuyện nhưng kiến thức được học qua trải nghiệm thực tế sẽ là rất đáng quý với những cán bộ làm dịch tễ đặc biệt là bác sĩ trẻ. Vì tuổi nghề còn ít, kinh nghiệm thực tế không nhiều nên đây là cơ hội em được rút ngắn thời gian tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân.

Hơn nữa, khi làm việc tại địa phương em cũng được biết rõ hơn về cách thức làm việc, cách soạn các thông điệp truyền thông sao cho phù hợp với tuyến cơ sở. Cũng tại đây được lắng nghe những khó khăn của họ để sau này khi về làm thì mọi định hướng sẽ sát hơn với tuyến cơ sở. Em cho rằng đó là điều cần có với bác sĩ trẻ.

Thú thực, khi mới đến Sơn Lôi, lần đầu tiên em cũng lúng túng, mặc dù chống dịch đã có quy trình. Em được Thầy Dương, TS. Nghĩa và các anh chị ở Khoa, ở viện, các anh chị đồng nghiệp ở BV Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ chỉ bảo giúp đỡ tận tình.

- Những ngày lăn lộn ở các tâm dịch, chắc hẳn có rất nhiều khoảnh khắc không thể nào quên với một bác sĩ trẻ?

BS. Trần Anh Tú: Có chứ ạ, đó là thứ cảm xúc khó tả mà mỗi khi nhớ đến em cứ thấy như một nguồn mạch chạy quanh người. Đó là những ngày ở tâm dịch, hình ảnh những người dân từ già đến trẻ hăng say, nhiệt tình đi từng ngõ, gõ từng nhà rà từng đối tượng… Có những bác 60 -70 tuổi vẫn nhiệt tình học cách đo nhiệt kế điện tử đế đến nhà người dân hỏi thăm xem có ai ốm, sốt…

Rồi có bác giám đốc doanh nghiệp về hưu nhận luôn phần việc thống kê, báo cáo số liệu… Mỗi người một việc, ai có thế mạnh gì xung phong làm việc ấy để hỗ trợ lực lượng y tế phòng chống dịch hiệu quả. Không khí ở uỷ ban, ở sân đình lúc nào cũng hối hả khẩn trương toàn dân tham gia chống dịch, chống dịch như chống giặc.

Hình ảnh đó làm nhớ lại về những nét đẹp của vùng quê trong ký ức tuổi thơ và trong những bộ phim ngày xưa mình đã xem.

Chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ với các cán bộ y tế cơ sở, trưởng thôn, lực lượng thanh niên mà hiệu ứng truyền thông được lan tỏa. Thông điệp truyền thông đến được với từng hộ gia đình, từng người dân.

"Ở mỗi một nơi em đến tham gia chống dịch, em lại được làm giàu thêm kiến thức về xã hội, về văn hoá mỗi vùng miền mình đến..."

Rồi khi ở Hạ Lôi mới thấy đây là vùng đất trồng hoa rất đẹp. Ấn tượng nhất là khi chống dịch ở Đà Nẵng được làm việc với các anh chị đồng nghiệp ở Đà Nẵng mình hiểu hơn về văn hoá, con người, phong tục của vùng đất này. Không phải ai cũng có cơ hội được ở Đà Nẵng cả 1 tháng liền như vậy, đi du lịch cũng chỉ ở nhiều nhất vài ngày. Vì thế, em tự thấy bản thân mình rất may mắn và thấy cuộc sống thật thú vị…

- Thú vị nhưng chắc hẳn có không ít khó khăn khiến nhiều phen phải “cân não” đúng không?

BS. Trần Anh Tú: Ở mỗi ổ dịch nóng bỏng đều có đặc điểm riêng, diễn biến phức tạp nên việc chống dịch rất khó khăn. Sơn Lôi, Hạ Lôi là những ổ dịch nhỏ, dễ khoanh vùng với quy mô 1 xã hoặc 1 thôn, nhưng tại thời điểm đó có rất ít thông tin về tác nhân lây bệnh, gây không ít khó khăn cho việc tổ chức chống dịch.

Trong khi đó, ổ dịch tại Đà Nẵng và Hải Dương lại là những ổ dịch lớn trong đô thị, nơi tập trung đông người với các mối liên hệ về dịch tễ vô cùng phức tạp, rất khó để khoanh vùng truy vết.

Nhưng vất vả nhất vẫn là với các chuyến bay, bởi việc liên hệ với các hành khách gần như là bất khả thi đối với ngành Y tế, phải nhờ đến sự hỗ trợ của nhiều bộ, ngành khác – đặc biệt là Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng chống dịch COVID-19, các cán bộ Công nghệ thông tin của Bộ Khoa học – Công nghệ thì mới có thể truy vết và tổ chức cách ly đối với những hành khách có nguy cơ mắc bệnh…

Để giành chiến thắng tại các ổ dịch, có một điểm chung đó là tinh thần đoàn kết một lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự hợp tác, ủng hộ tích cực của người dân. Đây là một thuận lợi vô cùng to lớn mà hiếm quốc gia nào có được khi chống dịch COVID-19.

Bén duyên với nghề y nhờ lần “vỡ kế hoạch” để đời

- Vất vả và thầm lặng, bác sĩ y học dự phòng dường như không phải là lựa chọn của nhiều người cùng trang lứa với Tú?

BS. Trần Anh Tú: (Cười). Khi em học cấp 3 lúc đó em chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Em học khối A và đinh ninh là sẽ thi Đại học Ngoại thương, ngành Kinh tế đối ngoại. Lúc ấy, Ngoại thương đang là “mốt” và nhiều bạn bè em cũng đăng ký thi Ngoại thương.

Đến phút chót, em quyết định thêm phương án ngoài kế hoạch ban đầu là thi khối B vào Trường Đại học Y Hà Nội, ngành Y học dự phòng. Em sợ sức học của em không đỗ được các khoa khác của trường Y. Đến khi thi đỗ cả 2 trường, cuối cùng em lại chọn học Y Hà Nội.

"Làm bác sĩ y học dự phòng được đi nhiều nơi, được trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn so với bác sĩ ở khối điều trị".

Lúc biết điểm đỗ Trường Đại học Y Hà Nội em vẫn còn bất ngờ vì không nghĩ mình được là thành viên của ngôi trường danh giá này. Khi vào học em cũng không giỏi hay xuất sắc hơn các bạn, ngược lại còn phải học trầy trật hơn các bạn ở một số môn. Tuy nhiên em luôn cố gắng và không từ bỏ. Môn Tiếng Anh của em không tốt nên em phải đầu tư nhiều thời gian cho môn này hơn. Ngoài ra em cũng học thêm công nghệ thông tin nữa…

- Người ta thường nói “nghề chọn người”, trường hợp này rất đúng?

BS. Trần Anh Tú: Đúng là em có duyên với nghề này. Vì lúc bé khi sống cùng gia đình, em có cơ hội được gần gũi, tiếp xúc với các cô chú làm y tế dự phòng. Rồi sau đó lại chọn học ngành y, và khi đi làm nhờ sự giúp đỡ của các anh chị đồng nghiệp công việc của em cũng dễ dàng bắt quen hơn.

- Có khi nào Tú thấy “chạnh lòng” về thu nhập của bác sĩ y học dự phòng so với các bác sĩ ở chuyên ngành khác?

BS. Trần Anh Tú: Thu nhập y học dự phòng thấp hơn các ngành bác sĩ trong lĩnh vực khám chữa bệnh. Thế nhưng em nghĩ ngành y học dự phòng cũng có nhiều cái thú vị. Chúng em vẫn hay nói với nhau bác sĩ điều trị thì phải giữ khách, giữ bệnh nhân chứ bác sĩ y học dự phòng thì lúc nào bệnh nhân cũng phải tìm đến (cười).

Hơn nữa, làm bác sĩ y học dự phòng được đi nhiều nơi, được trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn so với bác sĩ ở khối điều trị. Nhiều bạn em làm bác sĩ khối điều trị còn “ghen tỵ” với bọn em vì nhiều khi cả ngày phải ở trong phòng mổ, hay ở phòng khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Nói vui vậy để thấy rằng mỗi ngành đều có cái hay riêng. Và với em làm bác sĩ y học dự phòng có nhiều điều thú vị như em đã chia sẻ.

- Ít người biết đến Tú là một bác sĩ trẻ có mặt ở nhiều điểm nóng COVID-19. Lần này được vinh danh Top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu chắc hẳn em rất bất ngờ?

BS. Trần Anh Tú: Em quá bất ngờ. Bởi thành quả chống dịch là thành quả chung của cả tập thể. Chẳng có cá nhân nào tự chống dịch một mình. Lực lượng y tế là nòng cốt nhưng cũng phải có sự vào cuộc chung tay của toàn dân. Em chỉ là một thành viên rất nhỏ bé trong đó nên đúng là em bất ngờ vừa cảm thấy mình may mắn, vinh dự và biết ơn tất cả.

Chống dịch như chống giặc, ngành y tế là lực lượng tiên phong cùng cả nước đã bước vào cuộc chiến một cách tự tin, vững vàng. Từ ổ dịch nhỏ như Sơn Lôi, Hạ Lôi, Bình Thuận đến những ổ dịch lớn, phức tạp như Đà Nẵng, Hải Dương đang dần được kiểm soát và đẩy lùi.

Các địa phương lại trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới, mọi hoạt động được nới lỏng. Nhưng những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch vẫn hoạt động, “gác cửa” hàng ngày và Tú cũng là một trong những chiến sĩ ấy.

Tú tự nhận mình chỉ là một “hạt cát nhỏ” giữa “sa mạc rộng lớn”, may mắn và vinh dự được góp mặt trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19.

BS. Trần Anh Tú - Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, UVBCH Hội Thầy Thu*c trẻ Việt Nam, là đại diện của ngành y tế được vinh danh một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020 ở lĩnh vực Lao động sản xuất.

Trước đó, Tú từng nhận giải thưởng "Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi" do Trung ương Đoàn trao tặng; Bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ vì đã có thành tích xuất sắc trong việc áp dụng khoa học công nghệ trong phân tích xử lý thông tin dịch tễ góp phần khoanh vùng dập dịch COVID-19"; Danh hiệu Thầy Thu*c trẻ Việt Nam tiêu biểu…

Hồng Nguyên - Phạm Hiệp

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe toàn dân (http://suckhoetoandan.vn/p/605c1a25f8ec6e6fe7776a42)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY