Tình yêu và giới tính hôm nay

10 cách giúp bạn giải tỏa áp lực công việc cuối năm

Những ngày cuối năm, chúng ta đều bị công việc bề bộn cuốn lấy. Nếu bạn đã có gia đình, thì sẽ còn đối mặt với hàng trăm việc nhà không tên để chuẩn bị cho Tết. Căng thẳng, stress là điều không tránh khỏi. Vậy làm thế nào để giải tỏa áp lực công việc cuối năm

1.Tránh xa rượu, nicotine và caffeine.

Không sử dụng, hoặc ít nhất là giảm hút thuốc và bất kỳ đồ uống nào có chứa caffeine và rượu. Caffeine và nicotine là chất kích thích vì thế nó sẽ làm tăng mức độ căng thẳng hơn là giúp bạn giải tỏa.

Rượu có thể gây trầm cảm khi dùng với số lượng lớn, nhưng khi dùng ít thì nó là một chất kích thích. Do đó, bạn không nên sử dụng rượu như một cách để giải tỏa áp lực.

Nên uống nước lọc, trà thảo dược hoặc nước ép trái cây pha loãng, vì những thức uống này không gây háo nước. 70% cơ thể là nước, do đó uống nhiều nước sẽ giúp giảm căng thẳng tốt hơn.

Bạn cũng nên tránh hoặc giảm lượng tinh luyện trong thức ăn, không uống các loại nước ngọt, đồ ăn chế biến sẵn... Vì đường tinh luyện sau khi nạp vào cơ thể sẽ nhanh chóng bị chuyển hóa và giảm dần đi, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn. Hãy cố gắng ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và bổ dưỡng.

2. Tăng hoạt động thể chất

Những tình huống căng thẳng làm tăng các loại hormone như adrenaline và cortisol trong cơ thể bạn. Đây là những hormone được sinh ra để bảo vệ chúng ta khỏi những tổn hại cơ thể ngay lập tức khi chúng ta bị đe dọa. Tập thể dục có thể chuyển hóa các hoocmon căng thẳng quá mức và khôi phục cơ thể, tâm trí của bạn về trạng thái bình tĩnh hơn, thư giãn hơn. Đây là lý do vì sao sau khi tập thể dục bạn sẽ cảm thấy tinh thần sảng khoái hơn rất nhiều.

Khi bạn cảm thấy stress, hãy đi bộ nhanh trong không khí trong lành. Cố gắng kết hợp một số hoạt động thể chất vào thói quen hàng ngày của bạn một cách thường xuyên, trước hoặc sau khi làm việc, hoặc vào giờ ăn trưa. Hoạt động thể chất thường xuyên cũng sẽ cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn.

3. Ngủ nhiều hơn

Thiếu ngủ là một nguyên nhân đáng kể dẫn đến căng thẳng. Và ngược lại, căng thẳng cũng làm gián đoạn giấc ngủ, khi những suy nghĩ cứ quay cuồng trong đầu, ngăn chúng ta thư giãn đủ để chìm vào giấc ngủ.

Thay vì dựa vào thuốc, mục tiêu của bạn là tối đa hóa sự thư giãn trước khi đi ngủ. Hãy chắc chắn rằng phòng ngủ của bạn là một ốc đảo yên tĩnh, không có lời nhắc nhở về những điều khiến bạn áp lực. Tránh chất caffeine vào buổi tối, cũng như uống quá nhiều rượu, vì nó dẫn đến giấc ngủ bị xáo trộn. Ngừng làm bất kỳ công việc đòi hỏi trí não vài giờ trước khi đi ngủ để bạn có thời gian để bình tĩnh. Hãy thử tắm nước ấm hoặc đọc một cuốn sách không quá kịch tính, không mệt mỏi trong vài phút để thư giãn cơ thể, làm mỏi mắt và giúp bạn quên đi những điều khiến bạn lo lắng.

Bạn cũng nên cố gắng đi ngủ vào khoảng thời gian gần như nhau mỗi ngày để tâm trí và cơ thể bạn quen với thói quen đi ngủ đúng giờ.

4. Thử kỹ thuật thư giãn

Mỗi ngày, hãy cố gắng thư giãn với một kỹ thuật giảm căng thẳng. Có nhiều cách đã được thử nghiệm, vì vậy hãy thử một vài cách và xem cách nào phù hợp nhất với bạn.

Ví dụ, hãy thử tự thôi miên. Một kỹ thuật rất đơn giản là tập trung vào một từ hoặc cụm từ có ý nghĩa tích cực với bạn. Những từ như "bình tĩnh", "tình yêu" và "thoải mái", hoặc bạn có thể nghĩ về một câu thần chú tự khẳng định như: “Tôi có thể giữ bình tĩnh trong cuộc sống của mình”, hay “Tôi muốn được thanh thản và thư giãn”. Tập trung vào từ hoặc cụm từ bạn đã chọn; nếu bạn thấy đầu óc mình lang thang hoặc có những suy nghĩ xâm nhập khác vào tâm trí, chỉ cần bỏ qua chúng và quay lại tập trung vào từ hoặc cụm từ đã chọn. Nếu bạn thấy mình trở nên căng thẳng trở lại sau đó, chỉ cần âm thầm lặp lại từ hoặc cụm từ của bạn. Đừng lo lắng nếu bạn cảm thấy khó thư giãn lúc đầu. Thư giãn là một kỹ năng cần phải học và sẽ cải thiện khi luyện tập.

5. Nói chuyện với ai đó

Trò chuyện có thể đánh lạc hướng bạn khỏi những suy nghĩ căng thẳng, hoặc giải tỏa một số áp lực tích tụ bằng cách thảo luận về nó.

Căng thẳng có thể che mờ phán đoán của bạn và ngăn bạn nhìn rõ mọi thứ. Chỉ cần nói chuyện với ai đó như: bạn bè, đồng nghiệp, hoặc thậm chí là một chuyên gia tâm lý, có thể giúp bạn tìm giải pháp cho những áp lực hiện tại.

6. Viết một cuốn nhật ký stress

Viết một cuốn nhật ký stress trong vài tuần là một cách quản lý căng thẳng hiệu quả. Vì nó sẽ giúp bạn nhận thức rõ hơn về các tình huống khiến bạn bị căng thẳng.

Ghi lại ngày, thời gian và địa điểm của từng tình huống căng thẳng, và những gì bạn đã làm, bạn là ai và bạn cảm thấy cả về thể chất và cảm xúc. Hãy đánh giá mức độ căng thẳng theo thang từ 1 đến 10, và xem lại nhật ký để hiểu điều gì gây ra căng thẳng và mức độ giải quyết của bạn trong các tình huống căng thẳng. Điều này sẽ cho phép bạn tránh các tình huống căng thẳng và phát triển các cơ chế đối phó tốt hơn.

7. Kiểm soát

Căng thẳng có thể được tạo ra bởi một vấn đề dường như không thể giải quyết. Học cách tìm giải pháp cho các vấn đề sẽ giúp bạn cảm thấy kiểm soát tốt hơn từ đó giảm mức độ căng thẳng.

Một kỹ thuật đơn giản để giải quyết vấn đề là viết ra vấn đề và đưa ra càng nhiều giải pháp càng tốt. Xem xét mặt tốt và mặt xấu để chọn giải pháp tốt nhất. Viết ra từng bước mà bạn cần thực hiện: những gì sẽ được thực hiện, nó sẽ được thực hiện như thế nào, khi nào nó sẽ được thực hiện, ai sẽ tham gia và nó sẽ diễn ra ở đâu.

8. Quản lý thời gian của bạn

Đôi khi, tất cả chúng ta đều cảm thấy quá tải bởi danh sách việc cần làm của mình và đây là nguyên nhân phổ biến gây căng thẳng. Hãy chấp nhận rằng bạn không thể làm mọi thứ ngay lập tức, và bắt đầu chọn nhiệm vụ ưu tiên và hoàn thành nó.

Lập danh sách tất cả những điều bạn cần làm và liệt kê chúng theo thứ tự ưu tiên. Lưu ý liệt kê cả những việc cá nhân và những gì có thể nhờ người khác làm. Ghi lại những nhiệm vụ cần được thực hiện ngay lập tức, trong tuần tới, trong tháng tiếp theo hoặc khi thời gian cho phép.

9. Học cách nói Không

Một nguyên nhân phổ biến khác của căng thẳng là có quá nhiều việc phải làm và quá ít thời gian để làm điều đó. Học cách nói Không đối với các yêu cầu bổ sung hoặc không quan trọng sẽ giúp giảm mức độ căng thẳng của bạn và cũng có thể giúp bạn tự tin hơn.

Để học cách từ chối, bạn cần hiểu lý do tại sao bạn cảm thấy khó khăn. Nhiều người cảm thấy khó nói khi nói Không, vì họ muốn giúp đỡ và đang cố gắng trở thành “người tốt” trong mắt mọi người. Đối với một số người, đó là nỗi sợ xung đột, từ chối hoặc bỏ lỡ cơ hội. Hãy nhớ rằng những rào cản để từ chối đều do chúng ta tự tạo.

Bạn có thể cảm thấy miễn cưỡng khi từ chối thẳng thừng một lời nhờ vả, yêu cầu. Thay vào đó hãy chuẩn bị trước một số cách từ chối nhẹ nhàng hơn.

10. Nghỉ ngơi nếu bạn bị bệnh

Nếu bạn cảm thấy không khỏe, đừng cố ép buộc bản thân phải tiếp tục làm xong hết công việc. Một khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn sẽ giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn.

Stress, mệt mỏi luôn xuất hiện trong cuộc sống. Hy vọng với những cách trên đây bạn sẽ giải tỏa áp lực công việc để cân bằng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe.

Thanh Thanh

Theo tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/10-cach-giup-ban-giai-toa-ap-luc-cong-viec-cuoi-nam-28508/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY