Sức khỏe hôm nay

10 nguy hiểm khi trẻ ở nhà

(SKGĐ) Tưởng là nơi an toàn nhất nhưng ngay trong nhà mình, trẻ vẫn có thể gặp nhiều nguy hiểm.

 

1. Các loại dây

Dây kéo rèm cửa sổ, dây điện, dây điện thoại, dây nối máy có thể khiến bé vấp ngã, bị xít cổ…

Giải pháp: Khi để bé chơi một mình phải thu gọn các loại dây: cố định điện thoại, để dây kéo rèm lên cao. Đặc biệt chú ý tới nhóm trẻ dưới 4 tuổi.

2. Đuối nước

Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 240 trẻ bị tử vong do ngã, trượt nước trong nhà, 80% trong số đó là trẻ dưới 4 tuổi. Trẻ có thể chết vì cái xô nước, bồn tắm, các loại chum chậu quanh nhà.

Giải pháp:

- Khi cho trẻ tắm trong bồn, bố mẹ luôn phải ở bên.

- Những chiếc chum, thau chậu phải đảm bảo không có nước hoặc đã được đậy nắp.

3. Đồ chơi

Theo TS.Phạm Khánh Hòa, Khoa Cấp cứu, BV. Tai Mũi Họng Trung ương, 90% ca dị vật đường thở là trẻ nhỏ, đặc biệt nhóm dưới 4 tuổi. Các dị vật thường là đồ chơi, hoa quả, bánh kẹo...

Giải pháp:

- Không cho trẻ tự ăn những loại hoa quả có hạt trơn, kẹo cứng, bỏng ngô.

- Khi con chơi cần kiểm tra xem đồ chơi có còn lành lặn không, tránh mua loại có nhiều hạt bi nhỏ dễ rơi ra ngoài.

4. Đồ gia dụng

Trẻ có thể bị ngã khi leo trèo lên các tủ đựng bát đĩa kém chắc chắn, đứt tay vì nghịch dao. Ti vi cũng dễ rơi xuống khiến trẻ bị chấn thương sọ não, xây xước…

Giải pháp:

-  Những đồ gia dụng kiểu này tốt nhất là làm cố định.

- Dao nên đặt ngoài tầm với của trẻ hoặc để trong tủ có khóa.

5. Cửa sổ

Trẻ có thể ngã từ cửa sổ xuống vì leo lên với đồ treo ở cánh cửa; Gẫy răng, suy tủy vì ngậm cắn song cửa, rơi ra ngoài vì khoảng cách chấn song lớn.

Giải pháp:

- Không nên đặt đồ dùng ở cạnh cửa sổ.

- Luôn đảm bảo có tấm bảo vệ chắc chắn ở của sổ.

6. Giường và bộ đồ ga gối

Đặt nhiều ga gối trong nôi, trên giường có thể khiến trẻ tử vong vì ngạt. Bề mặt gối có nhiều sợi lông hay bên trong chứa hạt nhỏ có thể khiến bé bị viêm mũi dị ứng, dị vật rơi vào tai mũi họng.

Giải pháp:

- Chỉ nên đặt một chiếc đệm, một chăn đơn, khăn bông trong nôi. Không dùng gối chặn lưng.

- Tránh sử dụng đệm có bề mặt quá mềm, bên trong chứa các hạt nhỏ di động.

7. Bếp nấu

Da của trẻ mỏng hơn so với da của người lớn nên rất dễ tạo thành vết bỏng nghiêm trọng.

Giải pháp: Sau khi sử dụng xong xoong, nồi nên lập tức bỏ khỏi bếp. Nếu để trẻ ở nhà một mình cần khóa van gas và dặn dò trẻ không nên nghịch bếp.

8. Thuốc viên

Trẻ rất dễ ăn nhầm thuốc, nhất là với những loại có hình dáng đẹp như kẹo.

Giải pháp:

- Khi dùng thuốc viên nên cất kỹ trong tủ, không để cho trẻ tiện tay lấy nghịch.

- Tủ thuốc cần có hai ngăn riêng biệt người lớn và trẻ nhỏ để tránh nhầm.

9. Hóa chất

Các hóa mỹ phẩm như thuốc tẩy, mỹ phẩm, thuốc nhuộm, cồn… đều trở thành nguy cơ ngộ độc cho trẻ.

Giải pháp:

- Cất các loại đồ nguy hại vào tủ, khóa kỹ.

- Nghiêm cấm trẻ em không được tự ý động đến các sản phẩm này.

10. Cây cảnh

Nhiều loại cây cảnh đều có độc nhưng hầu như cha mẹ ít biết. Trẻ ăn lá, hoa có thể bị loét niêm mạc, hoa mắt chóng mặt, tiêu chảy tử vong hoặc dị ứng viêm mũi vì phấn cây.

Giải pháp:

 -Nên tìm hiểu độc tố trước khi trồng cây cảnh ở nhà.

- Nói với trẻ về sự độc hại và rèn cho bé tránh xa các cây ấy ra.

Ngọc Liên

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/10-nguy-hiem-khi-tre-o-nha-15177/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY