Sức khỏe hôm nay

10 sai lầm “kinh điển” của cha mẹ Việt khi dạy con

Dạy con được nên người, có cuộc sống thành công và hạnh phúc là mong muốn của mọi bậc làm cha làm mẹ trên đời. Nhưng để làm được điều này thì quả thật là không hề dễ dàng, nó đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và sự kiên nhẫn, đó là chưa kể cha mẹ thường mắc nhiều lỗi dạy con khá phổ biến.

1. Học giỏi là để ấm thân mình

Ảnh minh họa

Đây là một quan niệm sai lầm “kinh điển” của người Việt Nam ta, tạo nên sự ích kỷ tai hại truyền qua các thế hệ con cái từ nhiều năm qua. Chúng ta khuyến khích đứa con của mình trở thành một cái cây đơn lẻ vươn lên tìm ánh nắng cho riêng mình.

Vì vậy, tinh thần và ý thức cộng đồng của người Việt Nam ta gần như là con số KHÔNG. Tranh giành nhau đường đi hay khoảng trống trên đường giao thông, đấu đá nhau trong chốn văn phòng hay tranh cướp nhau trong các lễ hội là những biểu hiện sinh động cho điều này.

2. Hay đổ lỗi

Mỗi khi con bị té hay bị đập đầu thì câu đầu tiên mà mọi cha mẹ thốt lên hầu hết sẽ là: “Tại cái ghế/cái bàn này hư, mẹ đánh nó cho con nhé”.

Chúng ta sẽ đổ lỗi cho bất kỳ vật gì làm tổn thương đến con để làm vui lòng bé mà lại không chịu dạy con ngay từ đầu rằng con té là do con không cẩn thận, chứ không phải do cái bàn/cái ghế, vì vậy con phải học cách tự đứng dậy và lần sau phải cẩn thận hơn.

Cứ như vậy, dù chỉ là một lời nói vô tình, lâu dần sẽ hình thành ở bé thói quen luôn đổ lỗi cho mọi thứ xung quanh mà không bao giờ chịu nhìn lại bản thân mình – đây là nguồn gốc của mọi sự thất bại về sau.

3. So sánh chúng với những đứa trẻ khác

Tâm lý chung của hầu hết cha mẹ là muốn con được "bằng bạn bằng bè", vì thế, dù là vô tình hay hữu ý thì sự cạnh tranh và ganh đua giữa các bố mẹ vẫn rất hay diễn ra khiến các ông bố bà mẹ thường xuyên so sánh con mình với những đứa trẻ khác.

Việc làm này sẽ gây tổn thương cho trẻ về lâu dài vì sự so sánh liên tục của bạn sẽ làm cho trẻ lớn lên trong sự ghen tị với những người khác, hình thành tâm lý tự ti. Con bạn cuối cùng sẽ cố gắng đẩy những người khác xuống để chứng minh với bạn rằng chúng tốt hơn, giỏi hơn. Đây thực sự là một điều không ai muốn chúng xảy ra.

4. Đặt ước mơ của chính mình lên vai con

Để con phát triển một cách tự nhiên, không ép buộc chính là cách giúp con tìm ra ước mơ của chính mình

Chúng ta nuôi dưỡng những ước mơ về con từ khi đứa trẻ còn là một bào thai trong bụng mẹ, chúng ta mơ chúng sẽ làm bác sỹ, kỹ sư, giám đốc,... hay bất cứ thứ gì mà cuộc đời của bạn chưa làm được. Và chúng ta lại tiếp tục lừa dối bản thân rằng bạn mong muốn những điều đó chỉ vì muốn tốt hơn cho con, nhưng thực chất điều đó chỉ giúp che đậy sự ích kỷ trong bạn. Đó chính là áp lực đặt lên trên vai đứa trẻ, khiến chúng sống mà không hề hạnh phúc.

Vì thế, hãy tôn trọng ước mơ, sở thích, những cá tính mà con sở hữu, và coi đó là một món quà tuyệt vời mà con được dành tặng... để việc nuôi dạy con trở nên dễ thở và hạnh phúc hơn.

5. Nhầm lẫn về các giá trị trong cuộc sống

Những đứa trẻ với nhau cứ bắt đứa lớn phải nhường đứa nhỏ hơn trong khi có những kiểu ưu tiên như con trai phải nhường con gái mặc dù con gái có lớn hơn thì dường như ít được để ý nên dân Việt vẫn hay cậy tuổi áp đặt mặc đúng sai, cứ lớn là đúng.

Phụ nữ Việt ít mặc nhiên hưởng thụ những quyền lợi theo lẽ thường mà sẽ trở nên cảm động, biết ơn, rung rinh với những điều rất đỗi thường tình được nhận từ đàn ông dẫn đến sai lầm về nhìn nhận con người lẫn tình yêu.

6. Hành động đi ngược với những gì bạn dạy trẻ

Một đứa trẻ sẽ không bao giờ học được điều gì nếu bạn không đưa ra ví dụ cụ thể. Ví dụ, nếu bạn dạy bé phải trung thực nhưng chính bạn lại giấu diếm những người khác điều gì đó, thì sau đó trẻ sẽ quan sát và làm theo bạn.

Giá trị của sự khiêm tốn, làm việc chăm chỉ, kiên nhẫn, sự chăm sóc, sự tha thứ… phải được thực hiện bởi cha mẹ đầu tiên. Chỉ như vậy sau đó trẻ mới tôn trọng bạn và lắng nghe những gì bạn dạy chúng.

7. Quá bảo vệ trẻ

Là cha mẹ, chúng ta buộc phải bảo vệ con mình. Nhưng nếu bạn luôn luôn đặt con dưới sự bảo đảm, sự bảo vệ và an toàn tuyệt đối thì có thể cản trở sự phát triển tự nhiên của trẻ.

Một ngày nào đó, con bạn sẽ phải đối mặt với thế giới của chúng và nó sẽ rất khó khăn để làm điều gì đó nếu bạn luôn luôn tạo cho trẻ một môi trường cực an toàn. Vì vậy, thỉnh thoảng hãy để cho con mắc sai lầm để chúng có thể học hỏi từ nó và mạnh mẽ hơn.

Các trường học và cha mẹ có một phản ứng gần như tự động là không cho học sinh ra ngoài khi thời tiết không thuận lợi và hủy các chuyến đi học tập dã ngoại của trẻ em. Nhưng trái lại, người Nhật Bản, coi đây là cơ hội để rèn cho trẻ sự cứng cỏi và khả năng thích nghi. Thậm chí họ còn đưa trẻ đi học khi chúng ốm để chúng quên việc bị ốm đi và nhanh chóng hồi phục. Tất nhiên ốm nặng hay bệnh truyền nhiễm là ngoại lệ.

Ngoài ra, cha mẹ Việt thường thấy người ta hôn nhau ngoài đường thì bắt con quay đi không được nhìn, mà không chịu dạy con các kiến thức giới tính cần thiết.

8. Không phải là bạn bè của trẻ

Nếu bạn luôn luôn nói chuyện với trẻ như một người mẹ, chúng sẽ không muốn chia sẻ mọi thứ với bạn. Khi trẻ lớn lên, bạn nên cư xử như một người bạn và làm cho chúng cảm thấy dễ chịu khi có sự hiện diện của bạn.

Trẻ cần cảm thấy luôn an tâm khi thảo luận những điều chúng đang lo ngại, hy vọng, và những nghi ngờ với bạn. Điều này sẽ không chỉ tăng cường liên kết của bạn với trẻ mà còn đảm bảo chắc chắn rằng chúng không bao giờ tìm kiếm lời khuyên sai lầm từ những người khác.

Làm bạn với trẻ là cách tốt nhất để bạn bước vào thế giới trẻ thơ của con và có sự gắn kết với con. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá tham lam rằng sẽ trở thành bạn thân mãi mãi của con, hãy thực tế và đối diện với sự thật rằng, đến một lúc nào đó con sẽ có những người bạn thân mãi mãi khác nữa. Bạn là cha mẹ và điều đó thiêng liêng, tuyệt vời, có ý nghĩa không thể thay thế đối với mọi đứa trẻ. Hãy yêu thương và quý trọng vai trò của mình và cố gắng hết sức để làm nó thật tốt.

9. Giục giã con quá nhiều

Kèm cặp con quá sát sao là một cách dạy con sai lầm. (Ảnh minh họa)

Nhiều bà mẹ tỏ ra sốt ruột khi thấy con mình lơ là học tập, thấy trẻ rỗi rãi là giục đi học, đi thư viện… mới yên tâm. Trong khi các em phải phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ, tâm hồn thì việc không còn thời gian rảnh rỗi cho riêng mình để tự phát huy sở thích, cá tính sẽ khiến các em cảm thấy căng thẳng, mỏi mệt vì nhồi nhét kiến thức mà không được nghỉ ngơi. Như vậy rất có thể lớn lên trẻ sẽ trở thành một con người máy móc, thụ động.

10. Đáp ứng tất cả nhu cầu của trẻ

Nếu bạn đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ và chăm sóc, nâng niu chúng mọi lúc mọi nơi thì sau đó chúng sẽ không bao giờ hiểu được giá trị của việc kiếm ra một cái gì đó.

Khi trẻ cảm thấy rằng tất cả những gì chúng phải làm là yêu cầu cha mẹ, chúng không bao giờ hiểu được để kiếm được đồng tiền ít ỏi khó khăn và vất vả như thế nào.

Vì vậy bạn hãy nhớ, có thể đáp ứng nhu cầu cần thiết của trẻ nhưng không phải tất cả những gì chúng muốn.

Ngân Trần

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/10-sai-lam-kinh-dien-cua-cha-me-viet-khi-day-con-23638/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY