Sức khỏe hôm nay

2 cách để cao lên nhanh chóng ở tuổi dậy thì

Trong khoảng 5 năm của tuổi dậy thì, chiều cao của con người sẽ tăng lên đáng kể. Đây cũng là giai đoạn quyết định tới 23% tổng chiều cao của người trưởng thành. Vì vậy, cha mẹ luôn tìm các cách để cao nhanh chóng cho con, giúp các bạn có thể đạt được chiều cao lý tưởng.

Vậy muốn có được chiều cao tối đa ở tuổi dậy thì, đâu là những cách thường được lựa chọn nhất? Nguyên tắc khi tăng trưởng chiều cao ở tuổi dậy thì là gì?

Để biết câu trả lời, mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.

1. Chiều cao tuổi dậy thì là năm bao nhiêu tuổi?

Quá trình tăng trưởng chiều cao ở tuổi dậy thì được tính từ năm 11 tuổi - 18 tuổi (đôi khi là từ 10 tuổi). Trong đó, giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất là từ 11 - 13 tuổi đối với nữ và 12 - 14 tuổi đối với nam.

Ở giai đoạn 11 - 12 tuổi, các bé gái có thể đạt mức chiều cao tối đa lên tới 10cm mỗi năm. Bước sang giai đoạn 12 - 13 tuổi, các em có thể tăng chiều cao lên 15cm mỗi năm.

Muộn hơn so với các bé gái khoảng 1 năm, các bé trai cũng có thể đạt chiều cao tăng lên khoảng 10cm mỗi năm ở giai đoạn 12 - 13 tuổi và đạt đỉnh chiều cao vào năm 14 tuổi. Mức tăng lên này cũng vào khoảng 15cm/năm.

Sau năm 14 tuổi, chiều cao của cả nam và nữ vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng theo tốc độ chậm hơn. Từ thời điểm này, các em có thể tăng khoảng 5 - 7cm một năm. Quá trình tăng trưởng sẽ kết thúc vào năm 20 - 22 tuổi với nữ và năm 22 - 25 tuổi với nam.

2. Các cách để cao lên ở tuổi dậy thì

Có rất nhiều cách cao lên nhanh khi bước vào tuổi dậy thì. Trong đó, yếu tố dinh dưỡng, luyện tập cũng như chế độ sinh hoạt lành mạnh chính là chìa khóa quan trọng nhất.

2.1. Thực phẩm và dinh dưỡng

Thực phẩm và dinh dưỡng quyết định tới 32% chiều cao của cơ thể. Bỏ qua yếu tố này, cơ thể sẽ không thể phát triển khoẻ mạnh cũng như khó đạt được chiều cao như mong muốn.

Bởi vậy muốn cao lên nhanh chóng, tận dụng tối đa giai đoạn vàng của quá trình tăng trưởng, phụ huynh cần cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho con trẻ. Bên cạnh đó, ba mẹ cũng cần phải tăng cường các nhóm chất tốt cho sự phát triển chiều cao.

Những dưỡng chất này cụ thể là:

Chất đạm: Chất đạm hay protein là nền tảng quan trọng giúp phát triển xương, cơ và sụn.

Bổ sung protein đầy đủ sẽ giúp sửa chữa mô, thúc đẩy sự phát triển cơ nạc và giữ cho hệ thống miễn dịch luôn khỏe mạnh. Protein cũng làm tăng mức độ hormone tăng trưởng, từ đó giúp trẻ cao hơn.

Bên cạnh đó, các axit amin trong protein còn hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể.

Thiếu protein, cơ thể có thể bị mất đi khối lượng cơ, cơ thể thấp còi, xương giòn dễ gãy. Vì vậy, muốn có một hệ xương khỏe, lấy nền tảng cho sự tăng trưởng thì việc bổ sung đủ protein là điều vô cùng cần thiết.

Với trẻ ở trong độ tuổi dậy thì, mỗi ngày sẽ cần bổ sung khoảng 60 gram protein mỗi ngày. Để cơ thể có thể hấp thu tốt hơn dưỡng chất này, bạn nên chia nhỏ bữa ăn, bổ sung đa dạng các nguồn.

Những thực phẩm giàu protein mà bạn có thể lựa chọn bao gồm: thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, các loại hạt, nấm…

Chất kẽm: Kẽm là vi chất tham gia vào việc cấu tạo các enzyme. Enzym lại là chất xúc tác quan trọng cho các phản ứng hấp thu, chuyển hóa trong cơ thể. Việc bổ sung đầy đủ kẽm sẽ làm cho quá trình tổng hợp protein, phân chia tế bào được diễn ra trơn tru. Ngoài ra, kẽm cũng giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.

Đối với sự phát triển của chiều cao, mặc dù kẽm không giúp cơ thể cao lên nhưng nó lại là vi chất quan trọng để giúp quá trình tăng trưởng liên tục diễn ra. Cơ thể thiếu kẽm có thể làm chậm quá trình phát triển về mọi mặt, trong đó có rối loạn phát triển xương.

Bên cạnh đó, kẽm còn tham gia kích hoạt aminoacyl ‐ tRNA synthetase trong tế bào tạo xương và quá trình tổng hợp protein tế bào, ức chế quá trình hủy xương. Đây là lý do mà kẽm không những bảo tồn khối lượng xương hiệu quả mà còn giúp làm tăng mật độ xương, giúp xương chắc khỏe.

Đặc biệt, kẽm còn là vi chất rất cần cho hệ sinh dục trong độ tuổi dậy thì. Theo các chuyên gia khuyến cáo, lượng kẽm cần phải cung cấp cho độ tuổi từ 9-13 là 8mg/ngày, từ 14 - 18 tuổi là 11mg mỗi ngày.

Những thực phẩm giàu kẽm mà cha mẹ có thể lựa chọn để bổ sung cho sự tăng trưởng của bé ở giai đoạn dậy thì gồm: hải sản (đặc biệt các loại hải sản có vỏ cứng), thịt cừu, rau dền (rau bina)...

Canxi: Canxi được xem là dưỡng chất quan trọng nhất cho sự tăng trưởng và phát triển của xương. Thiếu canxi, chắc chắn cơ thể sẽ không thể cao lên được.

Cụ thể, canxi là vi chất cấu tạo xương, tạo nên độ cứng và chắc khỏe của xương. Thiếu Canxi, quá trình tạo xương mới sẽ không thể diễn ra thuận lợi. Hậu quả của việc thiếu canxi là khiến xương nhỏ, yếu, dị dạng, chiều cao kém phát triển.

Canxi được tìm thấy rất nhiều trong sữa và các chế phẩm từ sữa. Ngoài ra, các loại thực phẩm khác như cá biển, tôm, cua đồng, rau xanh thẫm, đậu nành, ngũ cốc dinh dưỡng… cũng là lựa chọn bổ sung canxi phù hợp cho tuổi dậy thì.

Vitamin D: Vitamin D là vi chất đóng vai trò giúp cơ thể hấp thu canxi tốt hơn. Thiếu vitamin D thì dù có bổ sung nhiều canxi tới đâu, cơ thể cũng sẽ rất khó hấp thu. Vì vậy, canxi cũng là dưỡng chất không thể thiếu.

Vitamin D được tìm thấy rất ít trong thực phẩm như lòng đỏ trứng, cá hồi, cá chép, các loại cá béo ở biển. Ngoài ra, có một nguồn cung cấp vitamin D vô cùng dồi dào, không thể bỏ qua chính là ánh nắng mặt trời buổi sớm.

Các dưỡng chất khác: Gồm có photpho giúp chuyển hoá canxi vào xương; Vitamin A rất cần thiết cho tầm nhìn, sự biệt hóa về tế bào, chức năng miễn dịch và tạo xương; Iốt giúp ngăn ngừa bệnh bướu cổ và bệnh chậm phát triển trí não; sắt giúp chuyển hoá oxy, tăng cường trao đổi chất.

Vì vậy, phụ huynh cần đa dạng các loại thực phẩm hàng ngày để giúp trẻ trong độ tuổi dậy thì phát triển toàn diện, không bị thiếu bất kỳ dưỡng chất nào cho quá trình phát triển.

2.2. Thói quen, hoạt động

Uống đủ nước mỗi ngày: Nước chiếm 70% cơ thể. Nước tham gia vào mọi hoạt động, mọi chuyển hoá cũng như cần thiết cho sự phát triển.

Theo công bố, các đĩa đệm của cột sống có đến 90% là nước. Nếu cơ thể không đủ nước thì cũng có nghĩa là các đĩa đệm, cơ xương khớp cũng không đủ nước, thậm chí là bị mất nước. Điều này sẽ khiến chúng bị co lại, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng chiều cao.

Không sử dụng chất kích thích: Chất kích thích bao gồm đồ uống có cồn, thuốc lá, thuốc phiện… đều là những tác nhân có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự tăng trưởng. Ở tuổi dậy thì, việc tút thuốc lá và uống rượu bia sẽ làm ngừng quá trình phát triển tự nhiên, khiến cơ thể bị thiếu chất. Từ đó, quá trình tăng trưởng chiều cao cũng sẽ bị chậm lại.

Không bỏ bữa sáng: Bữa sáng được xem là bữa ăn quan trọng nhất của một ngày. Vì vậy, bữa sáng không chỉ cần đảm bảo đủ chất mà còn cần được duy trì đều đặn Việc duy trì bữa sáng đúng giờ, không ngắt quãng sẽ góp phần hỗ trợ sự trao đổi chất, giúp cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng nhiều và hiệu quả hơn. Nhờ vậy, sự tăng trưởng cũng như chiều cao luôn được cải thiện.

Ngủ đúng giấc, đủ giờ: Trong quá trình ngủ, các hormone tăng trưởng chiều cao sẽ được sinh ra một cách mạnh mẽ. Vì vậy, trẻ em trong độ tuổi dậy thì cần được đi ngủ sớm để có thể có giấc ngủ sâu từ 23h - 3h sáng.

Nếu không ngủ đủ, ngủ chập chờn, ngủ quá muộn hay chất lượng giấc ngủ không đảm bảo thì đều ảnh hưởng tới quá trình phát triển chung của chiều cao.

Theo nhiều nghiên cứu, trẻ được đi ngủ sớm, ngủ đúng giờ và chất lượng giấc ngủ tốt sẽ có khả năng cao vượt trội so với nhóm trẻ còn lại.

Tập thể dục, thể thao: Thể thao, vận động là yếu tố quyết định tới 20% khả năng chiều cao của con người. Bởi vậy ở giai đoạn này, các em nên thường xuyên vận động với thời gian tối thiểu là 30 phút mỗi ngày.

Tuỳ theo độ tuổi, nhu cầu, sở thích, các bạn trong độ tuổi dậy thì có thể lựa chọn nhiều môn thể dục, thể thao khác nhau. Trong đó, những bộ môn như cầu lông, bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội, nhảy dây, yoga… được xem là những môn giúp hỗ trợ chiều cao tốt nhất.

Khi vận động thể dục thể thao, các em nên tăng cường ở không gian ngoài trời. Điều này vừa giúp tinh thần vui khỏe sảng khoái, vừa giúp hấp thu vitamin D từ mặt trời một cách tối đa.

Bên cạnh những yếu tố trên, trẻ trong độ tuổi dậy thì cũng cần được điều chỉnh tư thế một cách chuẩn mực, khoa học. Theo đó, mọi hoạt động như đi, đứng, ngồi, nằm… cần luôn phải thẳng lưng, đầu hướng về phía trước.

Ngoài ra, các em cũng cần hạn chế mang vác vật nặng, vật quá sức để không làm ảnh hưởng tới sự phát triển tự nhiên của xương.

Có rất nhiều cách để cao lên nhanh chóng ở tuổi dậy thì. Trong đó, yếu tố dinh dưỡng, luyện tập cũng như lối sống lành mạnh là điều vô cùng quan trọng.

Hy vọng với những chia sẻ trên đây, phụ huynh đã có thêm những kiến thức, kỹ năng để giúp các bé trong giai đoạn dậy thì nhanh chóng đạt được chiều cao tối đa.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/2-cach-de-cao-len-nhanh-chong-o-tuoi-day-thi-33502/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY