Sức khỏe hôm nay

2 cách đơn giản giúp phụ huynh ngăn chặn con trẻ xem video độc hại

Tháng 11 vừa qua, “thử thách Momo” - một ứng dụng có khuynh hướng bạo lực, đã xuất hiện trở lại và gián tiếp khiến một bé trai 8 ở Đồng Nai tử vong thương tâm. Vụ việc này như một lời cảnh báo: Đã đến lúc phụ huynh phải kiểm soát chặt chẽ con mình hơn trong việc sử dụng thiết bị điện tử, tránh con xem những video độc hại như Momo.

Momo có thể xuất hiện trên ứng dụng Youtube, mạng xã hội WhatsApp hoặc ứng dụng Messenger... Sau đó, nó sẽ tâm sự, trò chuyện và gửi nhiều hình ảnh bạo lực cùng một số thử thách làm hại bản thân như cắt tay, cạo đầu, thậm chí là tự tử - rồi ép trẻ thực hiện theo. Momo còn gửi lời đe dọa trẻ nếu không thực hiện thử thách thì sẽ bị trừng phạt và không được nói cho ai biết.

Mục tiêu tiếp cận của Momo thường là thanh thiếu niên, đặc biệt là những cô, cậu bé có vấn đề về tâm lý như trầm cảm, có thể dễ dàng nghe theo những lời xúi giục. Không chỉ ở Việt Nam, Momo còn là nguyên nhân dẫn đến tự sát của trẻ em ở các quốc gia khác trên thế giới.

Vì vậy, phụ huynh nên cài đặt một số tiện ích để ngăn chặn những video độc hại như Momo tự động hiển thị hoặc khi trẻ tìm kiếm. Dưới đây là 2 cách đơn giản giúp bạn có thể thực hiện ngay:

1. Tải ứng dụng Video Blocker nếu sử dụng trên máy tính

Đối với máy tính, để chặn các video, các channel (kênh) độc hại hoặc không muốn xem trên YouTube, bạn chỉ cần cài đặt tiện ích mở rộng Video Blocker tại địa chỉ http://bit.ly/video-blocker. App này tương thích với các trình duyệt như: Cốc Cốc, Google Chrome, Opera và các trình duyệt sử dụng mã nguồn mở Chromium.

Khi tải xong, bạn có thể sử dụng ứng dụng này theo hai phương pháp như sau:

- Nhấp chuột phải vào video mà bạn muốn khóa rồi chọn Block videos from this channel để chặn vĩnh viễn (Như hình bên dưới).

Bấm vào biểu tượng Video Blocker ở góc trên bên phải, nhập từ khóa cần chặn, sau đó lựa chọn là Channel (chặn các kênh có chứa từ khóa tương ứng), Wildcard (chặn các kênh có chứa các ký tự tương ứng) hoặc Keyword (chặn các kênh có từ khóa tương ứng) rồi nhấn Add.

Kể từ lúc này, những kênh hoặc video nào có chứa từ khóa tương ứng với từ bạn vừa nhập sẽ bị ẩn khỏi màn hình chính, bao gồm cả trong kết quả tìm kiếm. Bằng cách này, phụ huynh có thể dễ dàng chặn các video có nội dung không phù hợp với trẻ.

Nếu muốn xem lại danh sách các kênh hoặc từ khóa đã chặn, bạn chỉ cần nhấp phải chuột vào biểu tượng của tiện ích và chọn Options. Một mẹo nhỏ nữa là phụ huynh cũng có thể xuất danh sách này thành tập tin .csv để nhập vào một máy tính khác cũng đang cài tiện ích.

2. Kích hoạt bộ lọc của YouTube trên điện thoại

Nếu muốn ngăn chặn nội dung YouTube không phù hợp với trẻ trên điện thoại, phụ huynh có thể áp dụng các bước sau:

Bước 1: Mở ứng dụng YouTube, bấm vào ảnh đại diện tài khoản ở góc trên bên phải của màn hình điện thoại.

Bước 2: Vào mục Cài đặt. Rồi bật chế độ Hạn chế.

Căn bản, chế độ này sẽ giúp ẩn các video có chứa nội dung người lớn. Tuy nhiên, không bộ lọc nào hoạt động chính xác 100%, nhưng đa phần những video có nội dung được chặn sẽ không hiển thị nữa. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể cài đặt ứng dụng YouTube Kids cho trẻ em để bảo vệ trẻ tốt hơn.

Ngoài việc ngăn chặn các video độc hại trên Youtube, phụ huynh cũng có thể áp dụng 4 cách sau để quản lý con trẻ tốt hơn, đồng thời giảm thiểu được thời gian các bé sử dụng thiết bị điện tử mỗi ngày:

1. Giới hạn các khu vực được sử dụng điện thoại

Để tăng thời gian tương tác giữa các thành viên trong gia đình, bố mẹ hãy đặt ra những quy định riêng như: Không dùng điện thoại khi đang ăn cùng gia đình, dù để trả lời tin nhắn hay cuộc gọi... Điều này áp dụng cho tất cả, kể cả bố mẹ.

2. Quy định thời gian sử dụng điện thoại của các bé

Chỉ cho con khoảng thời gian nhất định trong ngày để sử dụng điện thoại hoặc máy tính bảng và giữ lại khi đã hết thời gian. Đối với gia đình cho con ngủ riêng, phụ huynh không nên cho bé mang thiết bị vào phòng ngủ. Hãy giữ điện thoại/máy tính bảng và trao trả vào giờ được sử dụng ngày hôm sau.

3. Tắt thiết bị phát sóng wifi

Một cách khác để hạn chế con dùng thiết bị điện tử đó là tắt thiết bị phát sóng wifi nếu không thể quản lý được giờ giấc sử dụng thiết bị điện tử vào ban đêm của con. Như vậy sẽ buộc trẻ phải đi ngủ và tránh được tình trạng trẻ online muộn hoặc thức suốt đêm để xem.

4. Cho trẻ tham gia các hoạt động vận động khác

Cho trẻ tham gia vào những lớp học bơi, đá banh, hoặc võ thuật để trẻ có thể giao tiếp với các trẻ khác, tăng hứng thú với cộng đồng và phát triển thể chất. Nhờ đó, con có thể tránh xa những video độc hại.

Bài viết trên đây chắc hẳn phần nào đã giúp phụ huynh cảnh giác hơn với video độc hại cũng như cách để ngăn chặn nó. Phụ huynh có thể thực hiện 2 cách trên ngay hôm nay để bảo vệ con trẻ tránh những video độc hại nhé!

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/2-cach-don-gian-giup-phu-huynh-ngan-chan-con-tre-xem-video-doc-hai-29682/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY