Tin y tế hôm nay

Tin y tế

2.000 máy thở GS Trần Văn Thọ chuyển giao công nghệ là loại nào?

Dân trí Thở máy được phân thành thở máy không xâm nhập và thở máy xâm nhập (đặt nội khí quản). Loại máy thở mà GS Trần Văn Thọ chuyển giao công nghệ cho Việt Nam là máy trợ thở, máy thở không xâm nhập. GS. Trần Văn Thọ có tặng 2000 máy trợ thở cho Việt Nam? Thêm 3 ca mắc Covid-19, Việt Nam ghi nhận 207 trường hợp

Dịch Covid-19 lan rộng tại nhiều nước trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới khoảng 15% số người bệnh COVID-19 sẽ chuyển bệnh nặng hơn, tới giai đoạn khó thở và có thể phải dùng tới máy thở để hỗ trợ hô hấp, duy trì sự sống. Nhiều nước trên thế giới rơi vào tình trạng thiếu máy thở. Các công ty chạy đua với nhau để sản xuất máy thở.

Tại Việt Nam, với hơn 200 ca mắc Covid-19, hiện chưa xảy ra tình trạng thiếu máy thở. Trao đổi với báo chí trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết hiện cả nước có khoảng gần 4.000 máy thở. Nếu trong trường hợp xảy ra ở cấp độ từ 3.000 người thì Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động được với số lượng máy thở và các trang thiết bị để theo dõi điều trị cho người bệnh. 

Bộ Y tế cũng đang trình Chính phủ mua sắm thêm những trang thiết bị như máy thở, máy theo dõi bệnh nhân… để đủ số lượng đáp ứng cho giai đoạn 3.

Riêng Hà Nội hiện có khoảng 260 máy thở.

Phân biệt thở máy xâm nhập và thở máy không xâm nhập 

Mới đây, GS Trần Văn Thọ, giáo sư kinh tế tại Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ ông Trần Ngọc Phúc, “cha đẻ” của loại máy thở dùng cho trẻ sơ sinh (máy cao tần HFO), đã đồng ý chuyển giao công nghệ sản xuất máy thở cho Việt Nam. Trước mắt sản xuất 2.000 chiếc, sẽ tăng lên 10.000 trong vòng 3 tháng tới.

Máy thở (máy giúp thở) là một thiết bị y tế được cấu tạo nhằm mục đích tạo ra một dòng khí với áp lực vừa đủ đưa thể tích khí vào phổi người bệnh nhân, giúp cho phổi thực hiện sự trao đổi khí ở những người mắc bệnh ngưng thở hoặc thở không hiệu quả.

Tuy nhiên cần phân biệt, khoảng 4.000 máy thở Việt Nam hiện có khác với máy thở GS Thọ đề cập tới.

Theo một bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thở máy gồm thở máy xâm nhập (đặt ống nội khí quản) và thở máy không xâm nhập (thở qua mask, ống thở oxy 2 mũi...).

Loại máy thở được GS Thọ nhắc tới thực chất là máy trợ thở, máy thở không xâm nhập, máy thở cao tần. Đây là một dạng máy giúp thở không xâm lấn, nghĩa là người dùng không phải đặt ống nội khí quản. Khoảng 4.000 máy thở Việt Nam có là con số máy thở xâm nhập.

Hiện nhóm của ông Phúc đang gấp rút giải quyết phần thiết kế. Hy vọng trong thời gian tới dự án chuyển giao công nghệ sản xuất máy trợ thở cho Việt Nam có thể sớm đi vào hoạt động, chính thức chuyển giao và lắp ráp được máy trợ thở.

Chuyển giao công nghệ sản xuất máy trợ thở cho Việt Nam

Máy trợ thở có nhiều loại, có giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu. Trong khi máy thở thì đắt hơn rất nhiều. Hiện nay các bệnh viện trong nước chủ yếu nhập khẩu các thiết các bị này từ nước ngoài trong đó có các loại máy thở, chưa tự sản xuất được.

Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do virs SARS-CoV-2 (Covid-19), một những diễn tiến đáng sợ của bệnh là hội chứng suy hô hấp tiến triển, thiếu oxy trong máu, người bệnh không tự thở được.

Vì thế, căn cứ vào tình trạng thiếu oxy ở mức độ nhẹ, vừa hay nặng mà có những can thiệp hỗ trợ thở phù hợp. Nhẹ thì người bệnh chỉ cần thở oxy hỗ trợ, thở qua mask, máy thở cao tần (HFO), nặng hơn, suy hô hấp thì thở máy xâm nhập, thậm chí là đặt ECMO.

Trước những diễn tiến phức tạp của bệnh dịch Covid-19 những đóng góp hỗ trợ của GS Thọ và cha đẻ của máy thở dùng cho trẻ sơ sinh có ý nghĩa rất lớn đề phòng cho những tình huống xấu, khi số ca mắc tiếp tục tăng.

Ông Trần Ngọc Phúc quê gốc ở Huế, sang Nhật Bản du học ngành hóa công nghiệp tại ĐH Tokai. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1974, ông được nhận làm thực tập tại Công ty Senko Ika - chuyên phát minh và sản xuất dụng cụ y tế - thực tập. Sau đó, ông quyết tâm ở lại Nhật đeo đuổi đam mê nghiên cứu chế tạo.

Ông chính là người sáng chế chiếc máy thở cao tần số HFO đầu tiên dành cho trẻ sinh thiếu tháng tại Nhật Bản. Chiếc máy đã giúp cứu sống nhiều rất trẻ sinh non, khi phổi của các em còn quá yếu, chưa phát triển hoàn thiện để tự thở được.  Ông Trần Ngọc Phúc hiện là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản. 

Nam Phương

Mạng Y Tế
Nguồn: Dân trí (https://dantri.com.vn/suc-khoe/2000-may-tho-gs-tran-van-tho-chuyen-giao-cong-nghe-la-loai-nao-20200331183629965.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY